Chiều qua (21/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ) năm 2020.
Trình bày báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban này nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi ngân sách Nhà nước mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi đầu tư phát triển khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của ngân sách địa phương và 40% tăng thu của ngân sách Trung ương cho cải cách tiền lương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (Ảnh: MD)
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (22/10), về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, năm ngoái ta đã tăng lương 7%, năm nay nếu mức tăng là 110.000 đồng thì tức là tăng 7,33%, đúng với tinh thần Nghị quyết.
Tuy nhiên, ông cho rằng, vấn đề quan trọng là Chính phủ cân đối ngân sách cải cách tiền lương từ đâu?.
“Ngoài việc giảm chi hành chính, tiết kiệm, tăng nguồn thu ngân sách, Chính phủ cần lưu ý tới câu chuyện chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết 19 “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Phải dùng tiền chuyển được khi đưa công chức, viên chức ra khỏi bộ máy hưởng lương Nhà nước, để dùng quỹ này bổ sung cho nguồn cải cách tiền lương” – ông nói.
Ông lấy dẫn chứng, ngành y tế giảm được 25.000 biến chế, tiết giảm phần kinh phí ngân sách trung ương chi trả là hơn 2.100 tỉ và dùng nguồn đó để chi cải cách tiền lương.
Theo ông, quan trọng là “nếu tập trung để nâng được mức lương cơ sở vào năm 2020, thì chúng ta sẽ có cơ hội để cải cách tiền lương vào 2021 theo Nghị quyết của Trung ương”. Bởi qua báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính sự nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội chậm và hiệu quả chưa cao. Do đó, việc này tác động lớn đến chính sách cải cách tiền lương, dặc biệt trong năm 2021 khi thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương. “Bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách không chịu nổi. Bộ máy lớn mà ta cứ cố cải cách tiền lương thì dẫn đến chuyện sẽ lạm phát tiền lương vì tiền lương là giá trị chi trả sức lao động trên thị trường. Nếu tăng lương mà để cho giá tăng lên thì tăng lương không có ý nghĩa” – ông nói.
Vị đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh lại, muốn cải cách chính sách tiền lương tốt thì Chính phủ phải tích cực tinh giản biên chế, và đặc biệt là sắp xếp lại các đơn vị công lập. Nhanh chóng chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mà hiểu đúng ở đây là tự chủ về tài chính, bộ máy, biên chế, lao động để các đơn vị tự lo. Nhà nước giao cho các đơn vị công lập nhiệm vụ gì thì Nhà nước trả tiền dịch vụ công đó. Từ đó mới cải cách được chính sách tiền lương.
Ở khía cạnh khác, ông chỉ ra, theo tính toán của Ủy ban Kinh tế, với đề xuất tăng lương vào năm sau, sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của ngân sách địa phương và 40% tăng thu của ngân sách Trung ương cho cải cách tiền lương. Như vậy, việc này chắc chắn sẽ đe dọa đến vấn đề đầu tư cho xây dựng cơ bản và hạ tầng cơ sở.
Dù vậy, ông phân tích, đầu tư cho tiền lương cũng chính là đầu tư cho phát triển và trong giai đoạn hiện nay, khi tiền lương của công chức, viên chức đang thấp thì đầu tư cho tiền lương có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tạo ra hiệu suất, hiệu quả công tác hay nói cách khác tạo ra năng suất lao động.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Ảnh: MD)
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, đề xuất tăng lương vừa được Chính phủ trình là triển khai theo đề án tổng thể.
Đại biểu này cũng lưu ý, phải đánh giá việc tăng lương trên nhu cầu thực tiễn hiện nay. “Mỗi năm chúng ta mất giá, trượt giá khoảng 4%. Như vậy, nếu có tăng lên 1,6 triệu so với 1,490 triệu đồng hiện nay thì cũng chỉ tăng 110 nghìn đồng, chỉ bù được một chút vấn đề về lạm phát. Nếu chúng ta không tăng có nghĩa đồng tiền thực tiễn của NLĐ bị mất đi do lạm phát” - đại biểu bày tỏ và cho rằng như vậy, việc cải thiện đời sống thực sự của người làm công ăn lương cũng không được bao nhiêu./.
Nhóm PV