Chính phủ đã bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp linh hoạt, phù hợp, sáng tạo, hiệu quả 

(Chinhphu.vn) - Đây là nhận định của đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022.
Chính phủ đã bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp linh hoạt, phù hợp, sáng tạo, hiệu quả - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba - Ảnh: VGP/LS

Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta sau cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. 

Việt Nam đã kiên trì và thực hiện hiệu quả mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, trước những vấn đề khó khăn, phức tạp, đột xuất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất kịp thời tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp, làm việc, kiểm tra, đôn đốc tại địa phương và bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

"Những vấn đề phát sinh như những cục máu đông của nền kinh tế đã được tháo gỡ rất kịp thời, góp phần khơi thông nguồn lực, xử lý các điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành ổn định, an toàn, bảo đảm thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra mà ấn tượng lớn nhất là tăng trưởng GDP của nước ta năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong 12 năm qua", đại biểu Đồng Ngọc Ba nêu rõ.

Bên cạnh đó, những vấn đề về kinh tế, an sinh, phúc lợi xã hội cũng luôn được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện sâu rộng, hiệu quả bằng những giải pháp đồng bộ.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng, bước vào năm 2023, theo dự báo của các chuyên gia, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, tình hình trong nước, khu vực và thế giới sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế-xã hội. 

Trong nước, một số vấn đề còn tồn tại như: Việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra, nhiều doanh nghiệp còn khó trong tiếp cận vốn tín dụng, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm; đời sống của một bộ phận người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo còn gặp nhiều khó khăn...

Do vậy, Chính phủ và các cấp, các ngành phải luôn bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, linh hoạt trong hoạt động chỉ đạo, điều hành; chủ động thích ứng với tình hình.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những yếu tố tiên quyết góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội của đất nước trong mọi hoàn cảnh, đại biểu cho rằng, muốn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường hơn nữa công tác dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình để có phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả; chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thực hiện đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài trên tinh thần bài bản, khoa học, sát hợp tình hình thực tiễn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Cùng với đó là thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. 

Đại biểu cũng bày tỏ quan đồng tình với quan điểm được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh gần đây trong bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng là: Phải tìm được điểm cân bằng giữa vấn đề lãi suất và tỉ giá, giữa chống lạm phát và tăng trưởng. Tăng tín dụng phải rà soát kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn, phải đi đôi với kiểm soát chặt chẽ lạm phát. Việc mở rộng chính sách tài khóa cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.

Lê Sơn - Đình Hải (thực hiện)

88 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 573
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 573
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78092096