Chuyển biến mạnh mẽ
Sáng 9/12, đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm TTATGT giai đoạn 2016-2020 và Năm an toàn giao thông (ATGT) 2020.
|
Toàn cảnh Hội nghị. |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, trong 5 năm qua, công tác đảm bảo TTATGT đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Bí thư, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông. Từ đó, công tác bảo đảm TTATGT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tốt, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao, bước đầu thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác bảo đảm TTATGT trên phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở hai đô thị lớn là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, so với cùng kỳ 5 năm trước, giảm trên 42% về số vụ tai nạn, giảm 19% số người chết, giảm gần 54% về số người bị thương, trong khi điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới gia tăng nhanh (so với giai đoạn 2011 - 2015, số lượng mô tô tăng khoảng 50% và ô tô tăng khoảng 58%). Đặc biệt, năm 2020 đã giảm trên 10% cả số vụ, số người chết, số người bị thương.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Điều đó khẳng định các giải pháp mà Trung ương và Chính phủ đã ban hành, nhất là các giải pháp trọng tâm trong Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 88/NQ-CP năm 2011 và Nghị quyết số 12/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ được triển khai thực hiện là phù hợp với thực tiễn, mang tính khả thi cao, cần phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn trong các năm tiếp theo trên các mặt công tác.
|
Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Vẫn còn hạn chế, tồn tại
Bên cạnh những kết quả tích cực, năm 2020, TTATGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT vẫn ở mức cao; còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải, còn 06 địa phương để xảy ra tai nạn giao thông tăng cao trong 05 năm qua, là: Bắc Giang, Cần Thơ, Hải Dương, Hậu Giang, Tiền Giang, Thừa Thiên Huế. TNGT đường thủy tăng cao về số vụ (tăng 7,27%) và số người chết (tăng 79,17%). Năm nay, TNGT giảm sâu nhất trong vòng 10 năm nhưng xảy ra vụ TNGT xe khách tại Quảng Bình làm 15 người chết và 28 người bị thương, đây là vụ TNGT có thương vong lớn nhất kể từ năm 2005.
Tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô tải giảm sâu trong năm 2014-2015, nhưng từ năm 2016 đến nay, tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn có nhiều mỏ vật liệu, cửa khẩu, cảng biển, bến sông; tái diễn hiện tượng xe chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý; hiện tượng cơi nới thành, thùng xe có dấu hiệu tái diễn tại một số địa phương, chưa bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp trên các trục giao thông trọng điểm và các đô thị lớn, không chỉ tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, mà hiện nay các đô thị loại 1 đều đã xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài. Ngoài ra, một số tuyến đường, địa phương cũng bị ùn tắc giao thông do ảnh hưởng của triều cường, mưa lớn, gây úng ngập cục bộ hoặc do có công trình đang thi công trên đường.
5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới
Đánh giá, phân tích thực trạng tình hình, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025 và những việc cần lưu ý trong năm 2021 để các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức triển khai thực hiện.
Thứ nhất, các cơ quan chức năng phải tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về ATGT, hoàn thiện mô hình tổ chức và nâng cao năng lực cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý nhà nước về TTATGT;… Trong năm 2021, cần tập trung xây dựng Dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi; Quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô; kinh doanh vận tải bằng xe mô tô, xe gắn máy qua phần mềm (còn gọi là xe ôm công nghệ); Quy định về đầu tư xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về bảo đảm TTATGT; Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, hàng hải, hàng không..; hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các cấp.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp và kế hoạch duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông;… Tiếp tục xử lý dứt điểm, kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh; thực hiện đúng tiến độ, lộ trình, bảo đảm chất lượng các dự án xây dựng đường gom, xoá lối đi tự mở, đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 không còn lối đi tự mở trái phép qua đường sắt.
Ba là, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về TTATGT trong đó tập trung vào 07 nhóm hành vi vi phạm chính gồm: điều khiển phương tiện khi trong cơ thể có nồng độ cồn, ma tuý; điều khiển phương tiện quá tốc độ; sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện; chở hàng hoá quá tải trọng phương tiện và hạ tầng; đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm; ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn; không mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ cứu sinh khi đi đò ngang hoặc phương tiện thuỷ gia dụng.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hoá giao thông trong toàn xã hội. Đưa giáo dục an toàn giao thông vào chương trình khoá trong hệ thống giáo dục phổ thông; xây dựng các chương trình đào tạo nghề, đào tạo bậc Đại học, sau đại học để phát triển nguồn nhân lực về an toàn giao thông. Phát huy vai trò nòng cốt của các đoàn thể chính trị, xã hội, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng trong cuộc vận động toàn dân tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng văn hoá giao thông. Phát huy giá trị các bộ môn văn hoá, nghệ thuật truyền thống và hiện đại trong tuyên truyền, xây dựng văn hoá giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng các phương tiện, nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, định hướng các giá trị văn hoá giao thông, đấu tranh, ngăn ngừa những hiện tượng “phi văn hoá” trong giao thông.
Năm là, tiếp tục đầu tư, phát triển hoàn thiện hệ thống cứu hộ tai nạn giao thông trong cả nước; quy hoạch và đầu tư xây dựng các trạm cấp cứu y tế trên mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ; đầu tư mua sắm, trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng cứu hoả, công an cấp huyện phục vụ cứu hộ, khắc phục hậu quả tai nạn giao thông. Trong năm 2021 và 2022, Bộ Công an xây dựng và tổ chức diễn tập thực hiện kế hoạch ứng phó và giải quyết tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thuỷ nội địa; Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư trang thiết bị, nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ nhân lực của các bệnh viện tuyến huyện đảm bảo đủ khả năng cấp cứu nạn nhân TNGT; tập huấn kỹ năng sơ cứu TNGT./.