Chính phủ cần tăng cường công tác dự báo, kịp thời đưa ra chính sách phù hợp, hiệu quả 

(Chinhphu.vn) - Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chúng ta vẫn giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế... là những kết quả rất tích cực, làm nền tảng cho những năm tiếp theo.
Chính phủ cần tăng cường công tác dự báo, kịp thời đưa ra chính sách phù hợp, hiệu quả - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh: Kết quả KT-XH những tháng đầu năm 2023 là nỗ lực của Chính phủ và sự hỗ trợ, đồng hành của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội - Ảnh: VGP/LS

Nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, đưa kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (đại biểu Long An) đánh giá: Báo cáo của Chính phủ được trình bày tại Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2023 đã đưa ra một bức tranh khá toàn diện về tình hình KT-XH của đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đã được Chính phủ rút ra để công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các cấp chính quyền đạt được kết quả cao hơn, tốt hơn.

Có thể khẳng định, đất nước ta bước vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức và những khó khăn, thách thức nhiều hơn rất nhiều so với những thuận lợi và cơ hội.

Những khó khăn, thách thức do tác động của tình hình phải kể đến là những tác động tiêu cực kéo dài do đại dịch COVID-19 toàn cầu gây ra đối với các nước; cùng với đó là những diễn biến hết sức phức tạp của tình hình khu vực và thế giới trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, nhiều nền kinh tế lớn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở trong tình trạng suy thoái; cầu của nền kinh tế thế giới sụt giảm dẫn theo sự thu hẹp của thị trường…

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh, cùng với những khó khăn của nội tại nền kinh tế, nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, độ mở của nền kinh tế lớn trong khi quy mô của nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao nên những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới tác động tiêu cực đến các hoạt động phục hồi và phát triển KT-XH của Việt Nam sau cao điểm phòng chống dịch COVID–19…

"Có thể khẳng định, trong bối cảnh khó khăn chồng chất hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện các kết luận của Trung ương và nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt và nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành và đưa nền kinh tế tiếp tục được phục hồi và phát triển, nhiều mặt phát triển và tăng trưởng rất mạnh và ấn tượng", đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.

Kết quả chung của sự nỗ lực này là chúng ta đã giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đề ra, duy trì được tốc tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh khó khăn chung, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về năng lượng, thu-chi ngân sách, an ninh lương thực, lao động việc làm... Đặc biệt, những nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, mới phát sinh đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, xử lý rất hiệu quả, được nhân dân đánh giá cao.

Kết quả KT-XH những tháng đầu năm 2023 cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, và sự hỗ trợ, đồng hành của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Đặc biệt, Quốc hội đã có những giải pháp linh hoạt trong công tác lập pháp, kịp thời giải quyết các vấn đề bất cập, vướng mắc về thể chế, pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình thực tế, nhất là công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau đại dịch.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài bị thu hẹp; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; một số lĩnh vực trọng yếu của ngành công nghiệp bị thu hẹp về quy mô sản xuất, tăng trưởng chưa được như kỳ vọng do thiếu đơn hàng...

Nhận định tình hình thế giới, khu vực thời gian tới tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, phải thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao; vừa phải tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và kịp thời ứng phó với những vấn đề mới phát sinh, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa công tác dự báo, đánh giá tình hình, kịp thời đưa ra chính sách phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống để phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất các kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023.

"Trong bất luận hoàn cảnh nào, cũng phải nhất quán thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các giải pháp về phục hồi và phát triển KT-XH cần được thực hiện đồng bộ và quyết liệt hơn nữa cùng với đó tập trung thúc đẩy phát triển các lĩnh vực là động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu", PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ.

Đồng thời, trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, cần tìm mọi giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó bảo đảm tốc độ tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động.

Đại biểu cũng đề xuất Chính phủ cần có những giải pháp, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ các cấp; tránh tư tưởng thờ ơ, ỷ lại; không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong thực thi công vụ. "Phải giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực", đại biểu nhấn mạnh.

Chính phủ cần tăng cường công tác dự báo, kịp thời đưa ra chính sách phù hợp, hiệu quả - Ảnh 2.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển: Sớm đưa các nguồn lực tài chính vào nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh - Ảnh: VGP/LS

Cần tiếp tục phân bổ vốn đối với các dự án, nhiệm vụ đã đầy đủ thủ tục đầu tư trước ngày 31/3/2023

Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã giao Chính phủ xây dựng phương án phân bổ số vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH để bố trí cho các dự án thuộc Chương trình khi đủ điều kiện theo quy định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31/3/2023.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau như Chính phủ đã báo cáo, việc tổng hợp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn chậm, chưa bảo đảm quy định về thời hạn trình để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến "trước ngày 31/3/2023" theo quy định. Và nếu thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 69/2022/QH15 thì toàn bộ số vốn chưa phân bổ của Kế hoạch đầu tư công trung hạn chuyển vào dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn; số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH không thực hiện phân bổ tiếp. Trong trường hợp này sẽ dẫn đến việc nhiều dự án đang triển khai rồi, đang hoàn thiện thủ tục, đang chuẩn bị, nếu dừng lại mà không phân bổ vốn thì rất khó để thực hiện tiếp các nhiệm vụ, mà cũng đều là những nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với phát triển KTXH. Chính vì vậy, Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải báo cáo lại với Quốc hội.

"Tôi tán thành với việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nội dung này, đề nghị Chính phủ làm sâu thêm nguyên nhân của việc chậm trễ và có giải pháp căn cơ để khắc phục, bảo đảm rút ngắn thời gian, sớm đưa các nguồn lực về tài chính vào nền kinh tế, vào sản xuất kinh doanh", đại biểu Đỗ Đức Hiển bày tỏ quan điểm.

Về các nội dung cụ thể, Chính phủ và cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí việc tiếp tục phân bổ vốn đối với các dự án, nhiệm vụ đã đầy đủ thủ tục đầu tư trước ngày 31/3/2023, đáp ứng tiêu chí, nguyên tắc phân bổ; các nhiệm vụ, dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, là các nhiệm vụ, dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh và những vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước.

Đại biểu lưu ý làm rõ đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT- XH, từ nay đến hết năm 2023 chỉ còn 6 tháng để hoàn thành việc thực hiện, giải ngân theo yêu cầu của Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Do đó, cần hết sức cân nhắc trong việc phân bổ các nguồn vốn, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng không giải ngân được hết.

Lê Sơn - Đình Hải (thực hiện)

176 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1234
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1234
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87152075