Các phần tử chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã tái khởi động chiến dịch với “Phong trào tự ứng cử” nhằm cài cắm các mầm móng chống đối vào Quốc hội, HĐND các cấp để hình thành lực lượng đối lập, biến nghị trường thành diễn đàn thực hiện mưu đồ chống phá, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm suy yếu từ bên trong, tiến tới hiện thực hóa chiến lược diễn biến hòa bình trên đất nước ta. Với quy trình 05 bước, 03 vòng hiệp thương, công tác chuẩn bị nhân sự bầu cử được các cơ quan chức năng tiến hành cẩn trọng, kỹ lưỡng, công khai, dân chủ, đúng trình tự, luật định. Số đối tượng cơ hội chính trị với tham vọng tự ứng cử đã bị loại do không đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định nhưng chúng vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá, xuyên tạc, vu khống cuộc bầu cử bằng nhiều thủ đoạn nham hiểm, đi ngược lại mong muốn và lợi ích của Nhân dân
Phong trào này đã trở thành hấp dẫn của cộng đồng mạng, tưởng chừng đây là những phong trào thể hiện tính tích cực, tốt đẹp, được khuyến khích, nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội vì quyền con người, tuy nhiên trên thực tế đó là sự giả tạo, ngụy trang, bằng những vỏ bọc, lời nói tốt đẹp để che lấp cho những ý đồ chống phá. Thực chất phong trào tự ứng cử là những hoạt động mang tính chất cá nhân, nhằm phục vụ ý đồ chính trị của một nhóm người vốn có tư tưởng cực đoan, bất mãn với danh nghĩa đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền. Chúng dựng lên phong trào này nhằm “nắn dòng dư luận” che dấu bản chất, hành vi phá hoại quá trình tổ chức bầu cử ở nước ta.
Quay trở về 05 năm trước, một làn sóng tự ứng cử của các nhà dân chủ giả hiệu và một số văn nghệ sỹ biến chất cố tình chứng minh rằng họ xứng đáng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định để trở thành đại biểu của Nhân dân, nhưng trên thực tế qua các hội nghị hiệp thương, lấy ý kiến cử tri tại nơi làm việc và nơi cư trú thì họ chỉ nhận được sự phản đối của dân. Không được ủng hộ, một số đối tượng đã thể hiện rõ sự bất mãn, thường xuyên lên mạng xã hội tuyên truyền, xuyên tạc rằng Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương gây cản trở, phối hợp để loại bỏ người tự ứng cử, đồng thời xuyên tạc việc bầu cử là không khách quan, không dân chủ.
Ở nước ta, thực tiễn 70 năm xây dựng Quốc hội chỉ ra rằng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, các cơ chế và cách thức tổ chức bầu cử không ngừng được đổi mới, ngày càng khoa học, dân chủ hơn. Thông qua bầu cử, người dân đã thể hiện được đầy đủ, toàn diện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ mình trong việc xây dựng cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực lập pháp, từ năm 2005 đến nay, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 238 luật và pháp lệnh; trong đó, có 40 luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị và pháp luật về quyền con người, quyền công dân; 66 luật, pháp lệnh về lĩnh vực kinh tế; 74 luật, pháp lệnh về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, thể thao, du lịch, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình...Qua đó, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật làm cơ sở pháp lý vững chắc để đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Những con số biết nói trên không chỉ khẳng định được vị trí, vai trò của Quốc hội đối sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, mà nó còn là minh chứng cụ thể, rõ nét về tính khách quan, minh bạch, dân chủ trong cơ chế bầu cử.
Đầu năm 2021 đến nay, Bộ Công an đã phát hiện các đối tượng phản động, lưu vong móc nối với các đối tượng phản động, chống đối trong nước để tổ chức “Phong trào tự ứng cử”, và tiến tới phát động “Phong trào tẩy chay bầu cử”. Có thể thấy, mục đích cơ bản nhất của chiêu trò tự ứng cử mà các nhà dân chủ đang thực hiện là nhằm phá hoại bầu cử, đồng thời thông qua việc tự ứng cử đại biểu quốc hội các đối tượng đánh bóng tên tuổi của bản thân trong giới dân chủ. Ngoài ra những thông tin được các đối tượng xấu đưa ra đã trở thành cái cớ cho các thế lực thù địch bên ngoài xuyên tạc, biến tướng, vu khống, công kích công tác bầu cử của Việt Nam.
Việc nâng cao cảnh giác trước âm mưu chống phá cuộc bầu cử quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cần được nhận diện và chủ động đấu tranh quyết liệt, làm thất bại những thủ đoạn xuyên tạc, gây rối, bôi nhọ, phá hoại của các thế lực thù địch, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị là điều cần thiết, bảo đảm tốt nhất quyền, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của cử tri. Tuấn Kiệt