Âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ nhằm mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam
Nhằm cứu vãn sự thất bại không thể tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam bằng một chiến lược mới và mở cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, nơi mà chúng cho là “gốc rễ”, là hậu thuẫn của cách mạng miền Nam, để triệt tiêu công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và sự giúp đỡ của các nước cho cách mạng Việt Nam. Tháng 2 năm 1964, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn (Johnson) đã thông qua “chương trình thử nghiệm 4 tháng” gồm 3 nội dung chủ yếu:
- “Kế hoạch hành quân 34A”, do thám bằng máy bay chiến lược U2, bắt cóc công dân Bắc Việt Nam để khai thác tin tình báo, sử dụng các đội nhảy dù phá hoại và gây chiến tranh tâm lý, tiến hành các cuộc tập kích từ biển vào để phá đường xe lửa và cầu đường.
- Mở các cuộc tiến công bằng không quân ở Lào, lan dần đến biên giới Bắc Việt Nam, coi đó là một sự “khởi xướng” cho cuộc chiến tranh không quân ào ạt chống lại Bắc Việt Nam.
- “Kế hoạch Đề-sô-tô” (Desoto), tổ chức các cuộc tuần tra bằng tàu khu trục Mỹ ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, nhằm phô trương lực lượng, gây tác động tâm lý và thu thập tin tức tình báo về các trận địa ra đa cảnh giới, trận địa phòng thủ của Bắc Việt Nam.
Thực chất đây là chương trình hoạt động phô trương sức mạnh và tìm cớ để gây chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
Ngày 17 tháng 4 năm 1964, Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ đưa ra kế hoạch đánh phá các tuyến vận chuyển chiến lược của ta chạy dọc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia nhằm ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam. Kế hoạch này được mang tên Oplan 37, dự định thực hiện qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Truy kích việt cộng qua biên giới Lào và Cam-pu-chia.
Giai đoạn 2: Mở các cuộc oanh kích và dùng mìn đánh phá các mục tiêu đã dự định trong nội địa miền Bắc.
Giai đoạn 3: Tăng cường oanh tạc mạnh mẽ và liên tục chống miền Bắc.
Theo chỉ thị của Giôn-xơn, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ thông qua kế hoạch dùng không quân, hải quân đánh phá 94 mục tiêu trên miền Bắc nước ta. Dự kiến thực hiện kế hoạch qua 4 giai đoạn trong 13 tuần.
Ngày 02 tháng 8 năm 1964 sau khi tàu Ma-đốc bị tàu phóng lôi của Hải quân ta tiến công đánh đuổi buộc chúng phải rút ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Ngay lập tức Mỹ lớn tiếng vu cáo “tàu phóng lôi của Việt Nam vô cớ công kích tàu Ma-đốc của Mỹ đang đi trên vùng biển quốc tế...”, và “Bắc Việt Nam khiêu khích trắng trợn, Bắc Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế...”.
Cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” do giới cầm quyền Mỹ dựng lên thực chất là bịa đặt, cố tình lừa dối nhân dân Mỹ nhằm thông qua cho được bản nghị quyết của Quốc hội Mỹ về các hoạt động quân sự ở Việt Nam, được gọi là “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ” - một nghị quyết mà thượng nghị sĩ Mỹ Uay-ni-mo-zơ (Wayne Morse, bang O-ri-gan (Oregon) đã mô tả như một bản “tuyên chiến đề ngày trước”. Đó là đường hướng, chính sách của chính quyền Mỹ đối với Việt Nam được tính toán cho việc leo thang mở rộng chiến tranh chứ không phải là bất ngờ hay là một “sự trả đũa”.
Đến 12 giờ 25 phút ngày 05 tháng 8 năm 1964, chúng sử dụng 8 máy bay phản lực đánh vào Bến Thủy - Thành phố Vinh. Cuộc tiến công quy mô lớn bằng không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam đã bắt đầu.
Quyết tâm chiến lược của Đảng ta
Tháng 12 năm 1963, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III họp bàn về một số vấn đề quốc tế và tình hình nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam. Hội nghị đã phân tích tình hình so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam và vạch phương hướng, nhiệm vụ tiến lên làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Đồng thời, hội nghị cũng chỉ rõ: Chúng ta phải cảnh giác, sẵn sàng đối phó với trường hợp Mỹ mạo hiểm mở rộng chiến tranh bằng chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, vì vậy, phải quán triệt phương châm “chiến tranh lâu dài, đồng thời tranh thủ thời cơ giành thắng lợi trong thời gian không lâu lắm”.
Trung ương xác định “Điều quan trọng nhất, quyết định nhất trong bất cứ trường hợp nào vẫn phải nỗ lực tăng cường lực lượng của ta về mọi mặt, đặc biệt là lực lượng quân sự”. Từ đó đã đề ra phương hướng cho quân đội xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ miền Bắc, tăng cường lực lượng chủ lực và đẩy mạnh tác chiến tập trung ở miền Nam, cùng toàn dân đánh bại cuộc “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và sẵn sàng đánh thắng Mỹ nếu chúng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc.
Thực hiện chủ trương của Đảng, để chủ động bảo vệ miền Bắc, ngày 09 tháng 01 năm 1964, Bộ Tổng tham mưu tổ chức hội nghị phòng không nhân dân toàn miền Bắc lần thứ nhất để bàn các biện pháp đánh bại các cuộc tập kích của máy bay địch.
Ngày 27 và 28 tháng 3 năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt. Hội nghị này được coi như “Hội nghị Diên Hồng” của dân tộc trong thời đại mới. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hơn 300 đại biểu là những cán bộ lão thành, những nhà hoạt động chính trị được nhân dân yêu quý, những người tiêu biểu cho các giới, các ngành, đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua, trí thức tiến bộ và nhân sĩ yêu nước... đại diện cho đồng bào các dân tộc, tôn giáo trong cả nước. Sau khi nghe và thảo luận báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày, toàn thể hội nghị đã biểu thị sự đoàn kết nhất trí xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tại hội nghị, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ âm mưu và hành động chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, khẳng định thất bại của cuộc “Chiến tranh đặc biệt” là không thể tránh khỏi. Người tuyên bố, “Hiện nay, bọn hiếu chiến Mỹ và bè lũ tay sai mới của chúng lại ba hoa hô hào “Bắc tiến”! Nhưng chúng phải hiểu rằng: Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại. Vì nhân dân cả nước ta sẽ kiên quyết đánh lại chúng; vì các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ toàn thế giới sẽ hết sức ủng hộ ta; vì nhân dân Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ sẽ phản đối chúng”. Và Người đã kêu gọi, “Mỗi người phải làm việc bằng hai để đền đáp lại đồng bào miền Nam ruột thịt”; đồng thời yêu cầu, “Quân đội và các lực lượng vũ trang nhân dân phải luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự trị an, kiên quyết đập tan mọi hành động của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng”.
Quán triệt Nghị quyết Trung ương và Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, đầu tháng 4 năm 1964, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Phòng không-Không quân đã quyết định triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm làm chuyển biến nhận thức tư tưởng trong toàn Quân chủng trước tình hình, yêu cầu nhiệm vụ mới. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Sẵn sàng khi có lệnh là đi, có địch là đánh; nhiệm vụ ở đâu cũng làm, khó khăn mấy cũng vượt; kẻ địch nào cũng đánh, đánh là phải tiêu diệt”. Đồng thời xây dựng tinh thần đoàn kết giúp nhau tiến bộ, tích cực học tập, đẩy mạnh thi đua, hăng hái ghi tên đi chiến đấu và thi đua giành đơn vị quyết thắng, mỗi người làm việc bằng hai, quyết tâm bắn rơi máy bay địch, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.
Đầu tháng 5 năm 1964, Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Phòng không-Không quân ra nghị quyết lãnh đạo nhằm tạo động lực mạnh mẽ, chủ động chuẩn bị tốt mọi mặt, từng bước đưa Quân chủng chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu với quyết tâm cao nhất.
Tháng 6 năm 1964, Bộ Chính trị ra chỉ thị về tăng cường sẵn sàng chiến đấu, đập tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ và nhận định: “Do thất bại liên tiếp ở miền Nam và ở Lào, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đang lúng túng và nhất định chúng sẽ điên cuồng đối phó lại. Chúng đang chuẩn bị và trước sau sẽ tập kích bằng đường biển và đường không vào miền Bắc nước ta. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, kịp thời đập tan âm mưu của địch, giáng cho chúng những đòn thích đáng nếu chúng dám liều lĩnh khiêu khích và phá hoại miền Bắc”.
Từ đầu tháng 7 năm 1964 toàn Quân chủng Hải quân và Quân chủng PK-KQ chuyển sang trạng thái thời chiến. Trước những hành động khiêu khích phá hoại ngày càng tăng của Mỹ ngụy ở vùng biển Khu 4, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại căn cứ sông Gianh và hiệp đồng với các lực lượng của Quân khu 4 bảo vệ vùng biển phía Nam.
Bị tổn thất lớn ngay trong trận đầu của kế hoạch mở rộng chiến tranh xâm lược nhưng giới cầm quyền Mỹ lúc đó vẫn lấy làm đắc ý, vì họ đã kiếm được cớ để khởi sự cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam. Và dĩ nhiên việc “trừng phạt” lực lượng tàu bé nhỏ của Hải quân Bắc Việt trong một trận không được, chúng tiếp tục “trừng phạt” cả miền Bắc Việt Nam. Từ đó cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đã dần leo tới nấc thang tột đỉnh của tội ác và cuối cùng chúng đã chuốc lấy thất bại nhục nhã, bị quân dân ta đánh bại hoàn toàn uy thế của không lực Hoa Kỳ bằng chiến thắng lịch sử “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 trên bầu trời Hà Nội.
Ý nghĩa lịch sử
Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần toàn dân tộc, chiến thắng của ý chí quyết tâm chiến đấu dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hải quân nhân dân Việt Nam và của quân dân miền Bắc nước ta; là biểu tượng của bản lĩnh Việt Nam kiên cường bất khuất, của dân tộc yêu tự do, độc lập, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược; của trí tuệ, lòng yêu nước, căm thù giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.
Chiến thắng ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 đã tô thắm thêm truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; tiếp tục khẳng định sự đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đồng thời khẳng định về sự rèn luyện bản lĩnh, ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm kiên cường, tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động, mưu trí sáng tạo, vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt của bộ đội Hải quân, quyết tâm đánh thắng kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần, có trang bị vũ khí hiện đại, khi chúng liều lĩnh xâm phạm chủ quyền vùng trời, vùng biển của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính; của nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh”, đánh địch bằng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; là thắng lợi của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân và dân ta trong cuộc đọ sức quyết liệt với sức mạnh của hải quân và không quân hiện đại của giặc Mỹ.
Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 là chiến công tiêu biểu đầu tiên có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi, cổ vũ động viên khí thế tiến công của quân và dân ta quyết tâm đánh bại các bước “leo thang” chiến tranh của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, sát cánh cùng tiền tuyến lớn miền Nam tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng để đánh thắng Mỹ, ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng trận đầu tạo tiếng vang lớn trên thế giới về dân tộc Việt Nam nhỏ bé nhưng đã hạ gục uy thế của “không lực Hoa Kỳ”, đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng triệu người đang đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ trên thế giới.
Bài học kinh nghiệm
Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc không chỉ đối với lịch sử mà còn với cả hiện nay và mai sau:
Một là, luôn giáo dục quán triệt sâu sắc tình hình yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Hai là, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, tích cực làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, không để bị động, bất ngờ trong các huống.
Ba là, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, gian khổ, dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng kẻ thù xâm lược trong mọi điều kiện hoàn cảnh cho dù chúng có khả năng hơn ta gấp nhiều lần.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và nắm chắc lực lượng, chỉ đạo chặt chẽ từng giai đoạn của cuộc chiến đấu, bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, nắm vững thời cơ, vận dụng cách đánh hợp lý, đạt hiệu quả cao.
Năm là, kịp thời điều chỉnh đội hình, phối hợp hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, bố trí xen kẽ nhiều loại vũ khí, hỏa lực tập trung từ xa đến gần, ở cả tầm thấp và tầm trung là yếu tố quan trọng bắn rơi máy bay địch.
Sáu là, luôn giữ vững tính tổ chức, tính kỷ luật, đoàn kết hiệp đồng và làm tốt công tác chính sách trong chiến đấu.
Bảy là, không ngừng nâng cao trình độ làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự, khai thác sử dụng hiệu quả các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có.
Để phát huy tinh thần chiến thắng trận đầu trong chiến tranh phá hoại miền Bắc trong giai đoạn cách mạng mới, chúng ta cần thường xuyên chăm lo xây dựng, tăng cường đoàn kết quân dân, nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình kết nghĩa, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn; làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và các chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo kết hợp với tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho xây dựng, phát triển Quân chủng Hải quân, Quân chủng PK - KQ hiện đại; phối hợp chặt chẽ trong xây dựng các cơ sở chính trị vững chắc. Tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy tối đa sức mạnh toàn dân, xây dựng được cách đánh độc đáo, đánh địch từ xa đến gần, bằng tất cả các loại vũ khí, trang bị hiện có, giải quyết được kịp thời các tình huống tác chiến trên biển theo chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ đã xác định ở từng cấp, tạo cơ sở bảo đảm cho phát huy sức mạnh tổng hợp đánh thắng địch trong bất cứ tình huống nào, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./. Thu Thủy
------------------------------
* Bài viết sử dụng tư liệu của “Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận đầu trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc XHCN (1964 - 2024)” của Ban Tuyên giáo Trung ương.