Sáng 14/10, tại Yên Bái, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Dự và chỉ đạo Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phạm Văn Trà; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và tỉnh Yên Bái, cán bộ lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sỹ quan, nhà khoa học…
|
Thượng tướng Lê Huy Vịnh phát biểu tại Hội thảo |
Đoàn chủ tịch Hội thảo gồm các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng, Tiến sỹ Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo; Đỗ Đức Duy-Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, đồng Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tham gia Đoàn chủ tịch còn có Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 và Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh, Hội thảo lần này là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến các đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, trong đó có Chiến dịch Tây Bắc năm 1952.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định, kết quả của Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng đoàn kết một lòng vượt qua mọi gian lao, thử thách; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận giá trị lịch sử và hiện thực của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, Chiến dịch Tây Bắc nói riêng. Thông qua Hội thảo giúp chúng ta nhận thức sâu sắc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Nhằm giành lấy những thắng lợi quan trọng để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đi đến thắng lợi quyết định, Hội nghị Ban Chấp Trung ương lần thứ 3 (tháng 4/1952) đã nghiêm túc kiểm điểm, quán triệt đường lối kháng chiến trường kỳ, phương châm, nhiệm vụ chiến lược và thống nhất chủ trương: Tiếp tục phát huy quyền chủ động chiến lược, mở chiến dịch tiến công địch trong Thu Đông 1952 với phương châm: “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm sơ hở của địch mà đánh”. Theo đó, tháng 9/1952, trên cơ sở phân tích đánh giá tương quan lực lượng khách quan và khoa học, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch tiến công Tây Bắc, nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, giải phóng đất đai, giành dân, phá âm mưu lập “Xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp.
Sau gần 2 tháng tiến hành chiến dịch (từ ngày 14/10 - 10/12/1952), trải qua 3 đợt chiến đấu, mặc dù trong đợt 3, ta đã thực hiện thắng lợi quyết tâm của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng phần lớn đất đai và nhân dân các dân tộc trên địa bàn chiến lược, phá được âm mưu chiếm đóng của địch; nối thông Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc, vùng tự do Thanh – Nghệ - Tĩnh, Thượng Lào và căn cứ địa cả nước.
|
Các đại biểu dự Hội thảo |
Thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc là tổng hợp của nhiều nhân tố, là kết quả của quá trình 7 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh, là kết tinh sức mạnh tổng hợp của cả nước, trực tiếp là các đơn vị chủ lực của Bộ cùng quân và nhân dân các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu (nay là Lai Châu và Điện Biên) và các chiến trường phối hợp. Thắng lợi đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam, đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển lên tầm cao mới; tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để quân và dân ta giành được thắng lợi quyết định trong Đông – Xuân 1953 – 1954, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), để lại nhiều bài học quý báu, mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Hội thảo nhận được hơn 90 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, viện nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Mỗi tham luận đều đi sâu phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể. Đặc biệt, các tham luận: “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Bài học về xây dựng nền quốc phòng toàn dân” của Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng” của Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Bài học về công tác tham mưu chiến lược” của Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng… đã làm rõ tầm nhìn chiến lược, sự linh hoạt, sáng tạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh về quyết định mở chiến dịch và lãnh đạo, chỉ đạo chiến dịch thắng lợi.
Trình bày tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, đánh giá bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực trong những năm đầu thập niên 1950; âm mưu, thủ đoạn mở rộng chiếm đóng và lập “Xứ Thái tự trị” ở vùng Tây Bắc của thực dân Pháp, để làm rõ thuận lợi, khó khăn khi tiến hành chiến dịch; chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, khẳng định tầm nhìn chiến lược và tài thao lược của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh khi quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng làm rõ quá trình chuẩn bị, tổ chức và thực hành tác chiến của các lực lượng vũ trang; vai trò của đảng bộ các địa phương và các lực lượng dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công; sự phối hợp của các chiến trường, các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương trong chiến dịch Tây Bắc. Đồng thời làm sáng tỏ bước phát triển của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, các tham luận đi sâu phân tích nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch. Đó là nghệ thuật chọn hướng tiến công; nghệ thuật sử dụng lực lượng; nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến dịch; nghệ thuật chọn mục tiêu chủ yếu, đánh trận then chốt; cách đánh sáng tạo được hình thành và phát triển trong suốt quá trình chiến dịch…
Kết quả của Hội thảo góp phần nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Tây Bắc; đồng thời, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để vận dụng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, phấn đấu từ năm 2030, xây dựng quân đội hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.