Chiến thắng Khe Sanh - Thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh 

50 năm về trước, phối hợp nhịp nhàng với các chiến trường miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, mặt trận Khe Sanh đã thực hiện xuất sắc đòn nghi binh chiến lược, kéo 2 trong số 7 sư đoàn Mỹ, thu hút khối lượng rất lớn binh khí kỹ thuật và khối lượng bom đạn lên một chiến trường nhỏ hẹp ở vùng rừng núi để kìm chế, tiêu hao, tiêu diệt địch, tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân ta trên toàn miền Nam tổng tiến công và nổi dậy đập tan chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. Thất bại nặng nề ở chiến trường Khe Sanh nói riêng và miền Nam nói chung buộc Tổng thống Gionxon phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vỹ tuyến 20 trở ra; chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Paris và không ra tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2; Hàng loạt tướng ta cấp cao của quân đội Hoa Kỳ “ngã ngựa”, chính trường nước Mỹ rung chuyển dữ dội. Đây là thắng lợi to lớn, quan trọng, góp phần tạo đà cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên quê hương Quảng Trị; đi vào lịch

Từ tháng 6/1966, ta đã quyết định mở Mặt trận đường 9 - bắc Quảng Trị (B5), nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, thu hút và giam chân một bộ phận quan trọng sinh lưc Mỹ, thu hút ngày càng lớn hỏa lực và binh khí kỹ thuật Mỹ - ngụy.

Ngay sau khi Mặt trận đường 9 - bắc Quảng Trị được thành lập, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Ban cán sự Đảng miền Tây (gồm miền núi hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên), Đảng bộ và nhân dân Hướng Hóa ra sức xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, kiên trì khắc phục khó khăn, vượt qua nạn đói, đẩy mạnh sản xuất, lập làng chiến đấu ở hai bên đường 9, đưa bộ đội địa phương và du kích ở phía sau ra phía trước trực tiếp chiến đấu, phá các ấp chiến lược và các khu tập trung ở Tà Cơn, Húc Hạ, A Nùa, Mỹ Yên, Làng Vây...

 Năm 1967, Trung ương nhận định, chúng ta đã thắng địch cả về chiến lược và chiến thuật, lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào, ta đang nắm quyền chủ động trên khắp chiến trường... “Diễn biến cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ: Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, mà chiến trường chính là hướng đường 9 - Khe Sanh, nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tấn công chiến lược đánh vào thị xã, thành phố trên quy mô toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy đồng loạt của quần chúng nông thôn và đô thị.

Trên tinh thân đó, Bộ Chính trị quyết mở Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh xuân hè 1968, nhằm: thu hút lực lượng chủ lực của địch, chủ yếu là quân Mỹ ra đường 9 để giam chân chúng lại, trực tiếp phối hợp và tạo thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta tại các đô thị lớn, đặc biệt là Sài Gòn, Huế, đồng thời tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chủ yếu là quân Mỹ, phá vỡ một phần tuyến phòng ngự đường 9 của chúng.

Bộ Tổng tư lệnh điều động cho chiến dịch một lực lượng mạnh, gồm 4 sư đoàn (304, 320, 324 và 325), Trung đoàn 270 và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị, 1 tiểu đoàn và 5 đại đội đặc công, 5 trung đoàn pháo binh (45, 84, 164, 204 và 675), 3 trung đoàn pháo phòng không (128, 282, 241), 1 tiểu đoàn xe tăng (4 đại đội), 1 tiểu đoàn thông tin, 1 tiểu đoàn trinh sát, 1 tiểu đoàn phòng hóa, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội súng phun lửa, 6 tiểu đoàn vận tải và lực lượng vũ trang địa phương các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa.

Toàn bộ lực lượng trên được chỉ huy thống nhất của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, do Thiếu tướng Trần Quý Hai - Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy.

Về phía Mỹ: Khe Sanh được xác định là một trong những địa bàn chiến lược ở khu vực giáp ranh giới tuyến. Năm 1966, tại khu vực nam vĩ tuyến 17 đến đường 9-Khe Sanh, Mỹ đã cho xây dựng tuyến phòng thủ vô hình, lấy tên là hàng rào điện tử McNamara. Ở vị trí “mỏ neo” khu vực ngã ba biên giới, Khe Sanh được định vị là một trong ba mắt thần của hàng rào điện tử McNamara, nơi Mỹ tập trung xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm Làng Vây và sân bay Tà Cơn. Với tham vọng ngăn chặn quân ta xâm nhập từ miền Bắc vào hoặc từ Lào sang, Mỹ coi đây là bàn đạp để cắt đứt tuyến đường mòn Hồ Chí Minh của ta; đồng thời là tấm “bình phong” che chở cho khu vực phong thủ phía đông đường 9, ngăn chặn ta tiến quân xuống vùng đồng bằng ven biển hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên.

Vào thời điểm đầu năm 1968, có nhiều nguyên nhân khiến người Mỹ tin rằng quân giải phóng sẽ thực hiện trận quyết chiến chiến lược như “một Điện Biên Phủ khác” ở Khe Sanh. Đầu tiên, từ sự tương đồng về yếu tố địa hình và vai trò chiến lược giữa lòng chảo Điện Biên Phủ và Khe Sanh. Tiếp đến, Mỹ tin rằng với sự “từ bỏ” địa bàn truyền thống nông thôn của ta thì rừng núi sẽ là bàn đạp để ta đánh vào đồng bằng và đô thị. Từ cấp chỉ huy cho đến viên đại sứ Mỹ, tất cả đều phán đoán quân giải phóng không đủ sức tấn công vào các thành phố, đô thị mà đó chỉ là “đòn nghi binh”; chiến trường chính nhất định sẽ diễn ra ở Khe Sanh. Trung ương Cục miền Nam còn cố ý để rơi những tài liệu khiến Mỹ càng tin rằng Khe Sanh chính nơi diễn ra một  cuộc quyết chiến chiến lược.

Lực lượng địch phòng ngự ở Đường 9 - Khe Sanh có khoảng 45.000 quân, trong đó có 28.000 quân Mỹ (10 tiểu đoàn của Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến, 9 tiểu đoàn pháo, 3 tiểu đoàn và 1 đại đội cơ giới; được bố trí thành tuyến trước ở phía đông: từ cứ điểm 31, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Quán Ngang đến miếu Bái Sơn; tuyến sau là Đông Hà, Cam Lộ, ái Tử và thị xã Quảng Trị; tuyến giữa là các cứ điểm Tân Lâm, Ca Lu, 241 (phía tây thị xã Quảng Trị); khu vực phía tây gồm các cứ điểm Hướng Hóa, Làng Vây, Huội San và cụm cứ điểm Tà Cơn (gồm các cứ điểm Động Tri, 832, 845…).

Đêm 20/1/1968, lực lượng vũ trang của ta bất ngờ tấn công Khe Sanh, làm đòn nghi binh để thu hút chủ lực Mỹ, đồng thời uy hiếp dữ dội tuyến phòng thủ đường 9. Đến 5 giờ 30 sáng 21-1, pháo của quân đội ta đồng loạt pháo kích vào căn cứ Khe Sanh. Ngày thứ hai, kho đạn chính của quân đội Mỹ với sức chứa 1.500 tấn đạn pháo đã bị phá hủy hoàn toàn. Sau 11 ngày đêm chiến đấu ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 quân địch, giải phóng hơn 8.000 dân huyện Hướng Hóa.

Tổng thống Mỹ Gionxon chỉ thị lập “Phòng tình hình đặc biệt” tại nhà Trắng để theo dõi sát sao diễn biến của chiến trường Khe Sanh; làm sa bàn Khe Sanh ở Washington, yêu cầu tướng Westmoreland - Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam phải ký giấy cam đoan không được để mất Khe Sanh bằng mọi giá vì đó là danh dự của nước Mỹ.  

Giữa lúc Khe Sanh trở thành tâm điểm chú ý của cả nước Mỹ thì đêm 30 rạng ngày 31/1/1968 (đêm giao thừa rạng ngày mồng 1 Tết Mậu Thân), lực lượng ta đông loạt tấn công trên toàn miền Nam, đánh thẳng vào các thành phố, thị xã, hàng trăm quận lỵ, căn cứ, kho tàng, sân bay...

Từ ngày 20/1 đến ngày 7/2/1968, sau khi tiêu diệt một số cứ điểm ở phía tây, mở thông đường số 9, bộ đội thiết giáp phối hợp với bộ binh tiêu diệt cứ điểm Làng Vây, thắt chặt vòng vây cứ điểm Tà Cơn. Lính thủy đánh bộ Mỹ ở Tà Cơn phản kích liên tục, nhưng đều bị ta đánh bại, chúng phải ẩn nấp trong các hầm, công sự cầu cứu và chờ viện binh. Để cứu vãn tình hình, Oét mo len vội vã tăng thêm lực lượng lên Khe Sanh và dùng không quân, pháp binh phản kích quyết liệt. Chỉ tính từ ngày 22/1 đến ngày 31/3/1968, địch đã bắn 150.000 quả đạn pháo và ném trên 100 nghìn tấn bom xuống các vị trí nghi ngờ có quân ta. Tổng thống Mỹ Gioxon ra lệnh mở chiến dịch mang mật danh NiagaraII ném bom rãi thảm Khe Sanh. Trong thời gian từ cuối tháng 1đến 31/3/1968, Mỹ đã huy động 2.700 lần chiếc B52, 24.000 lần chiếc máy bay tiêm kích, cộng với pháo kích từ các căn cứ, tạo nên một trận “bão lửa” trên khắp khu vực Khe Sanh.

Ngày 1-4-1968, địch huy động 1 sư đoàn kỵ binh bay, 1 chiến đoàn dù quân đội Sài Gòn, 17 tiểu đoàn biệt động quân (có 13 tiểu đoàn Mỹ), mở các cuộc hành quân “ngựa bay”, “Lam Sơn 207” và sang tháng 5, tập trung các Trung đoàn 4, 9 của Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến, mở tiếp cuộc hành quân “Scốtlen 2” quyết giải tỏa Khe Sanh.

Với quyết tâm “Biến Khe Sanh thành địa ngục trần gian của quân Mỹ”, bộ đội chủ lực phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương tiếp tục tiến công, vây hãm cứ điểm Tà Cơn, chặn đánh quyết liệt các tuyến đường bộ, đường không, các cuộc hành quân chi viện của địch. Đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ngày đêm đi gùi gạo, gùi đạn phục vụ bộ đội đánh giặc. Trong lúc nhiều gia đình đang còn thiếu đói nhưng đồng bào vẫn sẵn sàng đóng góp từng lon gạo, cũ sắn cuối cùng cho bộ đội; tiếp thêm sức mạnh để bộ đội ta siết chặt vòng vây, đẩy Mỹ - ngụy vào thế khốn quẩn.

Nguy cơ thất thủ Khe Sanh ngày một đến gần; binh sĩ đồn trú trong vòng vây của bộ đội và du kích ta ngày thêm hoang mang, tuyệt vọng, chỉ huy quân địch quyết định rút khỏi Khe Sanh. Ngày 9-7-1968, quân ta đã làm chủ Tà Cơn, ngày 15-7, giải phóng hoàn toàn Khe Sanh, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh xuân hè 1968.

Thất bại ở Khe Sanh khiến điều “cam kết” của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân với Tổng thống Hoa Kỳ trở thành “trò cười”. Đài BBC, ngày 30/6/1968 nói: “Việc rút lui Khe Sanh không phải đơn giản bỏ rơi một điểm yếu, mà là bỏ rơi một ảo tưởng và một chính sách. Tất cả nỗ lực của Hoa Kỳ dựng lên đã tan ra tro như những pháo đài xi măng cốt sắt ở Khe Sanh”. Hãng tin Roi-tơ ngày 2/7/1968 cho rằng: “Khe Sanh đã được ghi vào lịch sử cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như một nơi phải trả giá đắt nhất bằng máu”.

Sau 170 ngày đêm liên tục tiến công, vây hãm, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 480 máy bay, 120 xe quân sự, 65 đại bác và súng cối cỡ lớn, 55 kho xăng và đạn, thu hàng ngàn súng các loại. Huyện Hướng Hóa được giải phóng hoàn toàn với hơn 10.000 dân; tuyến chi viện Bắc - Nam được củng cố vững chắc, liên minh chiến đấu Việt - Lào được tăng cường, tạo động lực vật chất và tinh thần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến ngày thắng lợi.

Chiến thắng đường 9 - Khe Sanh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi Khe Sanh đã chứng tỏ sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong việc đấu trí, đấu lực với kẻ thù, không chỉ với Bộ chỉ huy quân sự Mỹ mà còn cả với những nhà hoạch định chiến lược “sừng sỏ” ở Nhà Trắng. Rút chạy khỏi Khe Sanh, tuyến phòng ngự chiến lược của địch bị bỏ ngỏ suốt từ Lao Bảo đến Cà Lu; đánh dấu sự đổ vỡ của chiến thuật phòng ngự hòng ngăn chặn sự chi viện của chiến trường miền Bắc với miền Nam, gây ra tâm lý thất bại chán chường cả về quân sự lẫn chính trị trong giới quân sự Mỹ. Cùng với thắng lợi trên toàn miền Nam, chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa đã đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” – bước leo thang cao nhất của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng ý nghĩa, bài học của chiến thắng Khe Sanh vẫn còn nguyên giá trị; mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ các bộ, chiến sỹ, đảng viên và nhân dân Hướng Hóa, Quảng Trị. 50 năm qua, phát huy tinh thần, khí thế tiến công cách mạng trong Mậu thân 1968, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hướng Hóa đã đoàn kết một lòng, vượt lên tất cả những khó khăn, thử thách trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Đặc biệt, sau hơn 30 năm đổi mới, từ một địa phương với đầy rẩy bom mìn, dây kẽm gai, chất độc hóa học... hậu quả của chiến tranh để lại rất nặng nề nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hướng Hóa đã đồng tâm nhất trí, chung lưng đấu cật kiến thiết lại quê hương. Kinh tế ổn định và tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao; Nhân dân giữ vững niềm vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước; Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo; Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn và không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả..., đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh nhà trong thời kỳ mới.

                                                                                                                                                 Nguyễn Ngọc Tuấn – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

3345 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1088
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1088
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87196039