Chiến thắng Đường 9, Khe Sanh - mốc son trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc 

Ngày 09/7/1968 đã ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân Hướng Hóa; một mốc son chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đánh dấu một chiến công đầy hiễn hách trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta trên chặng đường chiến đấu gian lao, đầy oanh liệt, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đầu năm 1965, trước sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ nhanh chóng triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ và quân đội các nước đồng minh vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, với âm mưu kết thúc chiến tranh bằng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, sau ba năm trực tiếp tham chiến, Mỹ chẳng những không thực hiện được âm mưu đề ra, mà ngày càng sa lầy và đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Trong khi đó, quân và dân ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân, đẩy mạnh và liên tục tiến công, đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, giành và giữ thế chủ động chiến lược.

Cuối năm 1967, trước sự uy hiếp ngày càng mạnh của ta trên toàn chiến trường miền Nam, Mỹ - Ngụy lâm vào thế bị động về chiến lược, buộc chúng phải chuyển vào phòng ngự, tập trung bảo vệ các vùng trọng điểm, trong đó có tuyến phòng thủ chiến lược Đường 9 - Khe Sanh, hòng ngăn chặn tuyến vận chuyển chiến lược của ta từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Để thực hiện ý định đó, tại đây, địch xây dựng hệ thống công sự trận địa kiên cố, vững chắc; bố trí khoảng 45.000 quân (28.000 quân Mỹ), cùng nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại và sự chi viện tối đa của hỏa lực các cấp.

Nhận rõ sự lúng túng, bế tắc về chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đánh giá đúng thế và lực của cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, dùng đòn tiến công của bộ đội chủ lực đánh vào hệ thống phòng thủ của Mỹ - Ngụy ở Đường 9 - Khe Sanh kết hợp với đòn tiến công chiến lược chủ yếu đánh vào thị xã, thành phố, trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng; đồng thời, phát động quần chúng ở nông thôn và đô thị nổi dậy trên toàn miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết tâm chiến lược của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, từ đêm 20/01/1968, quân và dân ta tổ chức tiến công tập đoàn phòng ngự Đường 9 - Khe Sanh, buộc quân đội Mỹ phải tăng cường lực lượng cơ động tinh nhuệ để đối phó. Trải qua 170 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt, ngày 09/7/1968, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc thắng lợi; ta đã phá tan hệ thống phòng thủ chiến lược của Mỹ trên Đường số 9, tiêu diệt một bộ phận quân trọng sinh lực địch, giải phóng huyện Hướng Hóa, giữ vững tuyến đường chi viện Bắc - Nam; tạo điều kiện cho hướng tiến công chiến lược chủ yếu đánh vào các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. 

Thực tế đã chứng minh, qua 170 ngày, đêm chiến đấu liên tục, trong điều kiện vô cùng ác liệt, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 480 máy bay, 120 xe quân sự, 65 đại bác và súng cối cỡ lớn, 55 kho xăng và đạn dược, thu hàng ngàn súng các loại, hàng trăm tấn đồ dùng quân sự và lương thực, giải phóng hoàn toàn quận lỵ Hướng Hóa với hơn 10 ngàn dân.

Thắng lợi của Chiến dịch là sự tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, vấn đề tổ chức, sử dụng lực lượng có vai trò hết sức quan trọng. Trong bức điện khen ngày 13/7/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cuộc thắng lợi của ta ở Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, nó góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của toàn miền Nam từ đầu năm đến nay. Cùng với những thắng lợi của ta ở các chiến trường khác, nó mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa”.

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh thể hiện ý chí quyết tâm cao của quân và dân Việt Nam trước quân đội nhà nghề được trang bị hiện đại của Mỹ. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta mở chiến dịch tiến công hiệp đồng quân binh chủng, đột phá trực tiếp vào tuyến phòng ngự mạnh của quân Mỹ, đánh bại các sư đoàn thủy quân lục chiến, kỵ binh không vận của quân đội viễn chinh Mỹ, buộc chúng phải tháo chạy khỏi Khe Sanh.

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Xuân - Hè 1968 mang tầm vóc và ý nghĩa chiến lược quan trọng, gây chấn đồng nội tình nước Mỹ và thế giới, viết nên “một câu chuyện thần kỳ”, góp phần đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Nhà Trắng; trở thành biểu tượng sức mạnh, ý chí quyết tâm và lòng tự hào của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968 là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong suốt quá trình chiến dịch; thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hậu phương với tiền tuyến; đồng thời, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 55 năm ngày giải phóng Hướng Hóa là dịp để ôn lại chặng đường vẻ vang hào hùng của dân tộc ta, của tỉnh, của huyện Hướng Hóa, từ đó nhân lên niềm tự hào, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, kiên cường trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong lao động, học tập biến quyết tâm sớm đưa Hướng Hóa trở thành huyện miền núi kiểu mẫu như lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Lệ Thu

522 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 902
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 902
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87118044