Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam 

Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá, Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng nó có cái yếu cơ bản là bị cô lập. Nó rất xa hậu phương của địch, mọi tiếp tế, vận chuyển đều phải dựa vào đường không. Đối với ta, Điện Biên Phủ cũng là nơi xa hậu phương lớn. Để tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ, khó khăn lớn nhất của ta cũng là vấn đề cung cấp. Nhưng quân dân ta có nhiều khả năng khắc phục khó khăn hơn kẻ địch. Đó là hậu phương của ta đang chuyển mình trong cuộc cải cách ruộng đất. Hơn nữa, quân đội ta cũng đã trưởng thành sau các chiến dịch Biên Giới, Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, có tiến bộ trong tác chiến, trang bị kỹ thuật, nhất là với ý chí “quyết chiến, quyết thắng” có thể đánh được tập đoàn cứ điểm.

Để đảm bảo công tác chuẩn bị và chỉ huy chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng uỷ Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ Mặt trận. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp Mặt trận do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị làm Chủ tịch. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh được cử vào Thanh Hoá là vùng tự do đông dân, nhiều gạo, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng thì về chiến trường quen thuộc là đồng bằng Liên khu 3 trực tiếp phổ biến nhiệm vụ, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tháng 11/1953, Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng nơi này thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương - xương sống của “Kế hoạch Nava”. Lực lượng của địch ở đây lên tới 16.000 quân cùng nhiều vũ khí hiện đại, nhằm làm bàn đạp chiếm lại Tây Bắc, khống chế chiến trường Lào, đồng thời giữ quân chủ lực ta ở Việt Bắc để quân Pháp rảnh tay hoạt động ở đồng bằng Bắc Bộ và đánh chiếm Liên khu 5. Chúng hết lời ca ngợi và tuyên truyền đây là “một cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm, không thể công phá”.

Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, Bộ Chính trị nhận định, sau nhiều chiến dịch tổ chức thắng lợi, ta đang ở thế chủ động chiến lược, còn địch ở thế bị động. Từ đó, đi đến quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược - đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Như vậy, ta đã từ “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” trước đây, tiến tới chọn chỗ mạnh nhất của địch là tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tiêu diệt. Đây là một quyết định táo bạo mà sáng suốt. Trên cương vị tối cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được” .

Khi tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra trận, Bác Hồ căn dặn vị chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ Mặt trận Điện Biên Phủ: “Tổng Tư lệnh Mặt trận, Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”.

Chính nhờ sự tin tưởng cao độ của lãnh tụ tối cao đối với mình mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có một “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”, khi hầu hết Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm chính trị, Chủ nhiệm hậu cần, các cán bộ giàu kinh nghiệm của những đại đoàn tham gia chiến đấu, nhiều cán bộ trung đoàn, liên đoàn đều thấy nên đánh nhanh, giải quyết nhanh. Trong giờ phút khó khăn ấy, nghĩ lại lời Bác dặn “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”, Đại tướng đã đưa ra quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Và thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh tính đúng đắn của quyết định trên. Qua đây, chúng ta có được bài học sâu sắc trong việc chọn người giao trọng trách trong công tác sử dụng cán bộ và niềm tin tuyệt đối của lãnh tụ tối cao đối với những cán bộ đã được ủy thác trọng trách.

Quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn bạc, phân tích rất kỹ để tìm ra phương án thích hợp huy động sức mạnh của toàn quốc chi viện cho chiến dịch đảm bảo chắc thắng. Một cuộc vận động Nhân dân chi viện Điện Biên Phủ đã được triển khai rầm rộ, với quy mô lớn chưa từng có. Hội đồng cung cấp Mặt trận được thành lập để chỉ đạo các địa phương, các ngành kinh tế, tài chính, tổ chức động viên nhân lực, vật lực của cả nước.

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, Tất cả để đánh thắng”, chỉ trong một thời gian ngắn ta đã huy động được một khối lượng lớn sức người sức của từ nhiều vùng miền, từ nhiều giai cấp, tầng lớp trong cả nước. Theo số lượng tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân đã đóng góp trên 25.000 tấn gạo, trên 260 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm, trên 26.000 lượt dân công với trên 18 triệu ngày công, xấp xỉ 21.000 xe đạp thồ. Ngoài ra còn có hàng trăm xe thô sơ, hàng trăm con ngựa thồ và hàng nghìn chiếc thuyền... Mỗi một tấn hàng hóa chi viện tới được Tây Bắc, đến tay bộ đội là cả một kỳ công của bao người, đổi bao mồ hôi, xương máu của lực lượng vận tải. Khắc phục khó khăn trên, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương huy động nguồn hậu cần tại chỗ. Đây là một nguồn rất quan trọng không tốn nhiều công sức vận chuyển, vừa nhanh chóng, vừa đỡ lộ bí mật. Trong đó, đồng bào Tây Bắc đã làm tốt nhiệm vụ này thông qua việc nỗ lực tăng gia sản xuất, đóng góp hàng triệu tấn gạo, thịt, rau cho chiến dịch. Bên cạnh đó, Nhân dân Tây Bắc còn chăm lo cho bộ đội từ cái kim sợi chỉ, viên thuốc chữa bệnh và gửi hàng vạn bức thư cổ vũ thăm hỏi chiến sĩ…

Trong không khí thi đua “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, ở mọi vùng miền, địa phương đều thi đua với nhau chi viện cho mặt trận. Đồng bào cả nước sát cánh bên nhau xẻ núi, san đồi, làm đường phá thác để mở lối cho quân đi, cho thuyền chở hàng qua lại. Nhờ đó mà điều lo lắng và khó khăn nhất tưởng chừng như không vượt qua được là vấn đề hậu cần chiến dịch đã được giải quyết thành công. Chính sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân là yếu tố tạo nên thành công vượt bậc đó. Và Người đã tập hợp, huy động được sức mạnh đó chính là Đảng ta, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh - người chỉ huy tối cao của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là người chỉ huy tối cao của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo, động viên, hướng dẫn các cán bộ, chiến sỹ. Sự động viên chỉ đó không chỉ dành cho các lực lượng tham gia chiến dịch, mà còn thể hiện sâu sắc đối với từng cán bộ, chiến sỹ, từ những vấn đề rộng lớn tới những tình huống cụ thể trong chiến đấu và sinh hoạt.

Tròn bảy thập kỷ đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam quật cường, bất khuất. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã truyền cho các chiến sỹ ta một ý chí quyết chiến quyết thắng, một nghị lực, một sức mạnh phi thường, một niềm tin sắt đá để quân và dân ta vượt qua khó khăn hiểm nguy giành thắng lợi hoàn toàn. Trí Ánh (tổng hợp)

 

574 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 728
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 728
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77010575