Các diễn giả tham dự Tọa đàm (Ảnh chụp màn hình)

Với hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom, Tọa đàm “Chiến lược thích ứng và Sứ mệnh Kinh doanh tạo tác động trước khủng hoảng” ngày 13/11 đã thu hút hơn 100 đại biểu từ các điểm cầu trong cả nước tham gia đồng thời cũng được phát livestream trên Fanpage Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội.

Tọa đàm là một trong nhiều hoạt động thiết thực nằm trong khuôn khổ “Chương trình Én Xanh 2021 - Cánh Én kiên cường vượt bão giông”, do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) tổ chức. Chương trình được tổ chức hai năm một lần và khởi đầu từ năm 2017.

 
 Thông tin khái quát về chương trình Én Xanh 2021 (Ảnh chụp màn hình)

Theo bà Phạm Kiều Oanh, Sáng lập và Giám đốc CSIP,  các DNXH, DNTTĐXH đã biết biến nguy thành cơ với các phẩm chất khiến DNTTĐXH có thể vượt qua khủng hoảng gồm: sứ mạng xã hội cùng sự bền bỉ, vượt qua khó khăn; thúc đẩy sáng tạo với cộng đồng; kiên cường đứng vững, sản xuất và phát triển doanh nghiệp; sáng tạo, linh hoạt đổi mới sản phẩm, mô hình kinh doanh, phương thức làm việc…

Thảo luận với DNXH, DNTTĐ về câu chuyện ứng phó với các thách thức trong khủng hoảng để kinh doanh hiệu quả và tiếp tục sứ mệnh tạo tác động xã hội , các diễn giả đều chung nhận định: bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa hoặc phá sản. Khối DNXH và DNTTĐXH cũng không nằm ngoài vòng quay đó. Tuy nhiên, bằng tâm huyết và những thay đổi tư duy kịp thời, ứng dụng hợp lý khoa học công nghệ và đổi mới cách tiếp cận trong sản xuất – kinh doanh, nhiều trong số đó đã vững vàng vượt khó, từng bước khẳng định uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp.

Nhân dịp này, các diễn giả kiến nghị, Chính phủ cần tích cực hỗ trợ chính sách theo hướng nởi lỏng các rào cản đang hạn chế các doanh nghiệp tiếp cận các nguỗn hỗ trợ tài chính (giảm lãi suất, cho vay ưu đãi, gia hạn khoản vay... Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tăng cường hỗ trợ cho các nhóm yếu thế cách đầy đủ, đúng người, đúng nhu cầu. Riêng nhóm đề xuất về phía các tổ chức phát triển, các diễn giả cho rằng, cần kết nối đầu tư, kinh doanh đặc biệt là các nguồn đầu tư tác động, các khoản viện trợ; tiếp tục các hoạt động hỗ trợ cải thiện năng lực doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ offline sang online mà còn phải phát huy mô hình đó một cách hiệu quả./.

 

 
Lê Anh