Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 

(Chinhphu.vn) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Chiến lược đặt mục tiêu hiện đại hóa Thống kê Việt Nam theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và vững chắc với hệ thống tổ chức phù hợp; nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp; công nghệ hiện đại; sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng.

Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới.

 

Cụ thể, tập trung khai thác, sử dụng dữ liệu hành chính; phấn đấu vào năm 2025 đạt 50%, vào năm 2030 đạt 70% số chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn từ nguồn dữ liệu hành chính. Thay thế 85% phiếu điều tra giấy bằng phiếu điều tra điện tử trong điều tra và tổng điều tra thống kê vào năm 2025; trên 95% vào năm 2030.

 

Bảo đảm cung cấp sản phẩm thống kê kịp thời và tăng cường cung cấp dữ liệu thống kê vi mô: Đạt 80% các sản phẩm thống kê được cung cấp tới người sử dụng thông tin thống kê kịp thời vào năm 2025; đạt 95% vào năm 2030. Giảm tỉ lệ không hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê xuống dưới 15% vào năm 2025; dưới 5% vào năm 2030. Triển khai đồng bộ tư liệu hóa, chuyển đổi số hoạt động thống kê, 50% các hoạt động thống kê được chuyển đổi số vào năm 2025; 80% vào năm 2030.

 

Dự thảo cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện Chiến lược.

Theo đó, hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, sửa đổi Luật Thống kê và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo hướng bảo đảm sự độc lập của hệ thống thống kê tập trung; tăng cường vai trò chủ đạo của cơ quan thống kê trung ương về phương pháp luận, tiêu chuẩn, quy trình thống kê, điều phối hoạt động thống kê, hợp tác chia sẻ dữ liệu hành chính giữa các bộ, ngành, địa phương với cơ quan thống kê; sử dụng các nguồn dữ liệu lớn, dữ liệu mới cho hoạt động thống kê nhà nước.

Hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu. Tăng cường áp dụng phương pháp luận tiên tiến, hiện đại; đa dạng hóa hình thức và ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu thống kê. Ưu tiên sử dụng dữ liệu hành chính, dữ liệu sẵn có của các cơ quan quản lý nhà nước cho hoạt động thống kê, trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương. Đổi mới mạnh mẽ thiết kế điều tra và tổng điều tra thống kê theo hướng tích hợp các cuộc điều tra và ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong tất cả các bước của quy trình điều tra để tăng độ tin cậy của dữ liệu và giảm gánh nặng cho các đối tượng cung cấp thông tin.

 

Một giải pháp quan trọng nữa là đẩy nhanh tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê. Xây dựng cơ sở hạ tầng tạo nền tảng chuyển đổi số trong công tác thống kê. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, chuỗi khối... vào công tác thống kê. Kinh phí thực hiện Chiến lược phát triển thống kê được đảm bảo từ ngân sách Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.

 

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

 

Lan Phương

290 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 974
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 974
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87035684