Tháng 3/1970, Mỹ tiến hành cuộc đảo chính ở Campuchia, lật đổ chính phủ Xihanuc, thành lập chính phủ do Lon Non cầm đầu. Tháng 4/1970, 10 vạn quân Mỹ - ngụy, phối hợp với quân Lon Non tấn công khu vực Móc Câu, Mỏ Vẹt (đông bắc Campuchia), hòng tiêu diệt lực lượng ta và thủ tiêu cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam đang đóng ở đây.
Đối với Lào, từ tháng 8/1969, Mỹ và tay sai mở cuộc hành quân “Cù Kiệt” đánh chiếm cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, làm bàn đạp tiến sâu vào vùng giải phóng, uy hiếp căn cứ địa cách mạng Sầm Nưa.
Về phía ta, vượt qua những khó khăn sau Tết Mậu thân, từ năm 1970, lực lượng ta trên các chiến trường đã từng bước được khôi phục, sẵn sàng chuyển sang phản công và tiến công khi thời cơ đến. Tháng 7/1970, trên chiến trường Campuchia, ta và bạn đã loại khỏi vòng chiến đấu 54 nghìn tên địch, giải phóng hoàn toàn 5 tỉnh miền Đông và phần lớn nông thôn 10 tỉnh bạn, bao gồm 61/102 quận với 4,5/7 triệu dân của đất nước Campuchia. Trên chiến trường Lào, liên quân chiến đấu Việt - Lào đã giải phóng được A Tô Pơ và Salavan, nối liền nam - bắc hành lang chiến trường Đông Dương, hình thành căn cứ địa cách mạng ba nước Đông Dương ở vùng ngã ba biên giới.
Cay cú bởi những thất bại năm 1970 càng khiến Mỹ - ngụy quyết tâm triệt tiêu sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam, “chặt đứt” bằng được tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Đầu năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon phê chuẩn kế hoạch mở ba cuộc hành quân đánh vào tuyến hành lang vận chuyển chiến lược của ta: Cuộc hành quân “Toàn thắng 01/71 NB” đánh lên vùng Đông Bắc Campuchia; cuộc hành quân “Quang Trung 4” đánh ra vùng ngã ba biên giới thuộc A Tô Pơ, Nam Lào và cuộc hành quân đánh ra khu vực Đường 9 - Nam Lào mang mật danh “Lam Sơn 719”. Giới cầm quyền Mỹ kỳ vọng lớn vào thắng lợi của các cuộc hành quân này, trong đó “Lam Sơn 719” là cuộc hành quân quy mô nhất, đặt mục tiêu lớn nhất trong kế hoạch quân sự năm 1971 của địch.
Tấn công Đường 9 - Nam Lào, Mỹ - ngụy âm mưu cắt đứt tiến tới phá hủy hoàn toàn tuyến vận tải chiến lược và cơ sở hậu cần, kho tàng của ta đóng ơ khu vực Đường 9; chặn đứng và triệt bỏ tận gốc nguồn tiếp tế, khiến lực lượng vũ trang của ta, mà trước hết là bộ đội chủ lực ở miền Nam không thể đánh lớn trong mùa khô 1971 - 1972, buộc phải quay về hoạt động nhỏ lẻ, phân tán trong khuôn khổ một cuộc chiến tranh du kích; làm cho cách mạng miền Nam, Lào, Campuchia “lụi tàn”; đồng thời để kiểm chứng sức mạnh và khả năng tác chiến của quân ngụy - “công cụ” chủ yếu của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Bản thân Tổng thống Richard Nixon hy vọng tìm kiếm một thắng lợi quân sự ở Đường 9 - Nam Lào để tạo thêm lợi thế trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm 1972.
Thực hiện cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, Mỹ - ngụy đã huy động một lực lượng rất lớn lên tới 42 nghìn quân; trong đó, quân đội Sài Gòn có 33 nghìn (gồm các đơn vị thiện chiến nhất và cả lực lượng dự bị chiến lược là thủy quân lục chiến và quân dù) và 9 nghìn quân Mỹ, với sự yểm trợ của không quân, hải quân, pháo binh… của Mỹ. Riêng máy bay, Mỹ huy động đến 1.000 chiếc, trong đó có 600 máy bay lên thẳng, 300 máy bay phản lực, 50 máy bay vận tải hạng nặng C130, C123, đặc biệt có 50 máy bay chiến lược B52- loại máy bay chiến đấu tối tân, hiện đại bậc nhất thế giới lúc bấy giờ. Mỹ - ngụy dự kiến tiến hành chiến dịch trong khoảng 3 tháng, với 4 giai đoạn và kết thúc trước mùa mưa năm 1971.
Về phía ta, từ giữ năm 1970, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã nhận định và đánh giá chính xác về thế chiến lược so sánh lực lượng giữa ta và địch; Bộ Chính trị dự đoán trong mùa khô sắp tới, đế quốc Mỹ có thể có những hành động phiêu lưu mới, có thể chúng sẽ đánh Trung - Hạ Lào và vùng giải phóng Đông Bắc Campuchia. Bộ Chính trị chỉ thị cho các chiến trường chuẩn bị sẵn sàng đánh địch trên hướng Đường 9, vùng ba biên giới và Đông Bắc Campuchia; yêu cầu Quân ủy Trung ương chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng xây dựng phương án tác chiến, tổ chức lực lượng mạnh để giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định về mặt chiến lược.
Cuối tháng 1/1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tán thành nhận định của Bộ Tổng tham mưu: Cuộc hành quân ra Đường 9- Nam Lào, với lực lượng và phương tiện chiến tranh hiện đại, nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam của ta là một bước phiêu lưu quân sự cực kỳ nghiêm trọng của đế quốc Mỹ và ngụy Sài Gòn. Hành động của địch sẽ gây cho ta nhiều khó khăn, nhưng lại tạo cho ta cơ hội và thời cơ để ta tiêu diệt địch.
Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: Trong bất cứ tình huống nào cũng phải đánh bại cuộc hành quân của địch, tiêu diệt cho được một bộ phận quan trọng lực lượng chiến lược cơ động của chúng, bảo vệ cho kỳ được kho tàng và bảo đảm công tác vận tải chi viện cho các chiến trường.
Nhằm thực hiện quyết tâm đã xác định, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công tiêu diệt địch ở Đường 9 - Nam Lào. Bộ quốc phòng chỉ đạo các cơ quan triển khai xây dựng kế hoạch tác chiến, tổ chức lực lượng, chuẩn bị chiến trường chu đáo, chính xác, tạo thế trận phản công địch.
Đầu tháng 2/1971, Bộ Tư lệnh chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (gọi tắt Bộ Tư lệnh 702) chính thức được thành lập. Thiếu Tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, Thiếu Tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy. Thượng Tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng làm đại diện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, trực tiếp chỉ đạo Mặt trận Đường 9. Bộ Tư lệnh 702 được xem như là cơ quan tiền phương của Bộ Quốc phòng, có thể quyết định những vấn đề quan trọng, kịp thời, nhất là về chỉ đạo tác chiến chiến dịch để giành thắng lợi trong mọi tình huống.
Về lực lượng, ta huy động 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324, 2), 4 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn pháo cao xạ, 3 trung đoàn công binh, 3 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp, một số tiểu đoàn đặc công cùng với lực lượng tại chỗ của các mặt trận: B5 (Đường 9- Bắc Quảng Trị), B4 (Quân khu Trị - Thiên), Đoàn 559. Việc bố trí một lực lượng rất mạnh để đối phó với cuộc hành quân lớn của địch ngay từ đầu đã tạo được thế trận chủ động, đồng thời tỏ rõ quyết tâm rất lớn Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong cuộc quyết chiến với Mỹ - ngụy tại Đường 9 - Nam Lào năm 1971.
Có thể nói, với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Đường 9 - Nam Lào trở thành nơi “quyết chiến chiến lược” giữa ta và Mỹ - ngụy. Trận Đường 9 - Nam Lào vì thế, không chỉ quyết định chiến cuộc năm 1971, mà còn làm xoay chuyển cục diện chiến tranh trên chiến trường miền Nam và Đông Dương.
Nguyễn Ngọc Tuấn – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy