Chiến thắng vĩ đại, giá trị trường tồn 

(ĐCSVN) - Cách đây 73 năm, vào ngày 9/5/1945, đại diện phát xít Đức đã ký biên bản đầu hàng vô điều kiện Hồng quân Liên Xô. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới là một trong những thiên anh hùng ca chói lọi nhất đã được ghi vào lịch sử nhân loại trong thế kỉ XX.

Mốc son chói ngời trong lịch sử nhân loại

Đặt hoa tại Tượng đài Mẹ -Tổ quốc ở thành phố Saint Petersburg
nhân kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5. (Ảnh: BTA)

Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô Viết được xem là cuộc chiến tàn khốc nhất trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Với bao gian khổ, hy sinh, mất mát của những binh sĩ Hồng quân dũng cảm ngoài chiến trường và những người lao động Nga quên mình ở hậu phương đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử nước Nga và nhân loại. Họ không chỉ cùng nhiều dân tộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít - kẻ thù chung đe dọa sự sống còn của toàn thể nhân loại - mà còn hậu thuẫn, tạo điều kiện khách quan để các dân tộc bị áp bức nói chung và nhân dân Đông Dương nói riêng vũ trang giải phóng dân tộc, giành quyền tự do, độc lập.

Giữa những năm 30 của thế kỷ XX, tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp. Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 và nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế mới làm cho mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản và mâu thuẫn giữa các nước tư bản với Liên Xô ngày càng sâu sắc. Giải pháp tối ưu của các nước đế quốc Đức, Italy, Nhật Bản là từng bước thiết lập chế độ phát xít, quân phiệt, đẩy nhanh tốc độ chạy đua vũ trang, xâm lược một số nước hòng chia lại thế giới và khu vực ảnh hưởng. Lợi ích của các nước tư bản trên đặt nhân loại trước thảm họa của một cuộc chiến tranh quy mô lớn sắp xảy ra.

Tại nước Đức, cùng với việc tổ chức ra bộ máy Đức quốc xã, phát động Chiến tranh thế giới thứ Hai, tiến hành diệt chủng người Do Thái, Hít-le và các cộng sự trong “Đế chế thứ ba” còn vạch ra kế hoạch Barbarose. Đây là văn kiện quân sự - chính trị có tầm quan trọng đặc biệt nằm trong chiến lược mở rộng “không gian sinh tồn” của “chủng tộc Arian” ra toàn cầu và dự kiến các phương án tấn công Liên bang Xô Viết, tiêu diệt chủ nghĩa xã hội; chiếm lĩnh các vùng đất đai nông nghiệp màu mỡ, các khu công nghiệp, các mỏ tài nguyên để phục vụ cho mục tiêu chinh phục toàn thế giới.

Lúc đầu cuộc chiến tranh diễn ra giữa hai tập đoàn đế quốc: Phát xít Đức - Ý - Nhật và Anh - Pháp - Mỹ nhằm giành giật thị trường, nguồn nguyên liệu và chia lại thế giới. Chiến tranh thế giới thứ Hai chính thức bùng nổ ngày 1/9/1939, khi phát xít Đức gây chiến, tấn công Ba Lan. Chỉ hơn 1 năm sau khi thôn tính Ba Lan, Đức đã thống trị hầu như toàn bộ châu Âu tư bản chủ nghĩa. Đại bộ phận giai cấp tư bản cầm quyền của các nước châu Âu đã nhanh chóng đầu hàng, biến thành tay sai cho phát xít Hít-le chống lại tổ quốc mình. Lúc này, chỉ còn duy nhất nước Anh vẫn kiên cường chống lại các cuộc không kích của Đức phát xít.

Đồng thời với cuộc tấn công của Đức, quân phiệt Nhật và phát xít Italy đã tiến hành xâm lược những thuộc địa cũ của Hà Lan, Anh, Pháp tại châu Á, châu Phi, Trung Đông.

Sau khi gần như đã “làm chủ” châu Âu, Đức tuyên bố cắt đứt thỏa thuận không xâm lược với Liên Xô và ngay lập tức thi hành kế hoạch Barbarose, chiến dịch tấn công khổng lồ với 3 triệu quân, chiếm đóng Thủ đô Moscow. Năm 1941, Đức đơn phương hủy bỏ Hiệp ước không xâm phạm Xô - Đức, mở các cuộc tiến công Liên Xô, nhưng không ngờ trước sự chống trả quyết liệt của quân và dân Liên Xô. Trong vòng 2 năm, từ 1941 đến 1943, hàng chục sư đoàn và lữ đoàn phát xít Đức bị tiêu diệt.

Năm 1943, sau khi chuyển sang chiến lược phản công, Hồng quân Liên Xô giải phóng Tổ quốc, rồi lần lượt giải phóng Nam Tư, Albania, Ba Lan, Romania, Hungary và Tiệp Khắc.

Trong khi Hồng quân Liên Xô tấn công dồn dập quân Đức trên mặt trận phía Đông, quân đội Anh, Mỹ đã mở mặt trận Tây Âu. Với sự giúp đỡ to lớn của các lực lượng kháng chiến, nước Pháp rồi Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Italy lần lượt được giải phóng.

Ngày 30/4/1945, lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đã phấp phới bay trên tòa nhà quốc hội Đức. Đúng 0h43 phút ngày 9/5/1945 theo giờ Moskva, thay mặt nước Đức quốc xã, thống soái Wilhelm Keitel ký biên bản xác nhận sự đầu hàng vô điều kiện của phát xít Đức.

Sau khi đánh bại phát xít Đức, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật và đã đánh gục đội quân Quan Đông tinh nhuệ nhất của Nhật, buộc Nhật phải chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ Hai chính thức kết thúc.

Trong cuộc chiến này, nhân dân Liên Xô và các nước đồng minh đã tiêu diệt phần lớn quân chủ lực của Đức quốc xã và chư hầu. Trên mặt trận Xô - Đức, quân đội Xô Viết đã tiêu diệt và bắt làm tù binh 607 sư đoàn với 10 triệu binh lính, chiếm 74, 6% tổng thiệt hại của quân đội Đức. Liên Xô đã giải phóng được 13 nước. Hồng quân Liên Xô đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc và góp phần quan trọng trong việc khôi phục nền văn minh châu Âu và thế giới.

Bằng cuộc chiến đấu dũng cảm và sự hy sinh to lớn, các lực lượng dân chủ và hoà bình, đặc biệt là nhân dân và Hồng quân Liên Xô, chủ nghĩa phát xít Đức đã bị đập tan. Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc mở ra một giai đoạn phát triển mới của thế giới.

Vào những ngày đầu tháng 5, tại nhiều quốc gia trên thế giới đều diễn ra các hoạt động kỷ niệm “Ngày Chiến thắng”. Đây cũng là dịp để cộng đồng quốc tế một lần nữa bồi hồi tưởng nhớ hàng triệu nạn nhân của cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại và tự nhắc nhở mình không được cho phép thảm họa phát-xít tái diễn dưới bất cứ hình thức nào.

Chiến thắng vẻ vang, lịch sử sang trang

Thắng lợi của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít cách đây 73 năm mãi mãi là một mốc son chói ngời trong lịch sử nhân loại. Thắng lợi này đã làm thay đổi cục diện, tạo tiền đề quan trọng đưa thế giới sang thời kỳ phát triển mới. Hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu được hình thành. Bão táp cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc đã làm lung lay, từng bước sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, thực dân tại Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh… Nhân dân các nước thuộc địa đã vùng lên mạnh mẽ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước theo con đường phù hợp với mình.

Sự kiện chiến thắng chủ nghĩa phát xít cũng mở ra một chương mới cho lịch sử chính trị thế giới, với sự ra đời của Liên hợp quốc cùng những nguyên tắc nền tảng trong quan hệ quốc tế, đó là những nguyên tắc tôn trọng quyền bình đẳng, quyền tự quyết của các quốc gia; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế…

Đồng thời, chính chiến thắng phát xít đã tạo dòng thác cách mạng mạnh mẽ. Đó là dòng thác cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng đấu tranh vì dân sinh, dân chủ. Chiến thắng phát xít cũng đã tạo ra thời cơ lịch sử cho dân tộc Việt Nam. Nắm chắc thời cơ cách mạng và chớp thời cơ từ chiến thắng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945, kêu gọi toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 16/8/1945, cũng tại Tân Trào, Đại hội quốc dân được triệu tập đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, bầu Ủy ban dân tộc giải phóng do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Thời cơ “ngàn năm có một” đã đến! Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa đến quốc dân đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm. Tiến lên!”.

Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào cả nước, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” đã nhất tề vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân, chấm dứt sự thống trị gần trăm năm của thực dân và ngàn năm của phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một chặng đường lịch sử mới đầy tự hào và vẻ vang cho dân tộc Việt Nam. Đó là kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của dân tộc Việt Nam còn góp một phần không nhỏ cùng nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh chống phát xít vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Giá trị lịch sử vững bền của chiến thắng vĩ đại

Một sự thật lịch sử không thể chối cãi rằng, chiến thắng chủ nghĩa phát xít là chiến thắng của nhân dân và quân đội Xô Viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, của các nước đồng minh và các lực lượng tiến bộ thế giới. Trong đó, vai trò quyết định thuộc về những người Xô Viết anh hùng, mà nhờ đó đã cứu loài người thoát khỏi thảm họa phát xít, đem lại cuộc sống hoà bình cho nhiều dân tộc và tạo nên những chuyển biến mang tính bước ngoặt của tình hình thế giới - thời đại không dung thứ tội ác và chiến tranh. Trong bản hùng ca bất diệt của lịch sử loài người ở thế kỷ XX có sự đóng góp, hy sinh xương máu vô cùng to lớn của quân dân Liên Xô, với khoảng 27 triệu người đã ngã xuống, 30 triệu người bị thương, hàng nghìn thành phố, thị trấn và làng mạc bị phá hủy...

Nhân loại đang ngày càng phát triển theo xu thế hòa bình, ổn định. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua đã xuất hiện những quan điểm đòi "viết lại lịch sử", bóp méo sự thật hòng hạ thấp giá trị, ý nghĩa của chiến thắng, đồng thời phủ nhận vai trò của Liên Xô (bao gồm cả nước Nga) trong việc đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa phát xít; thậm chí là trào lưu phát xít mới hòng khôi phục những thây ma của chủ nghĩa phát xít. Những luận điểm xuyên tạc nói trên đã bị các nhà khoa học lịch sử và lãnh đạo cấp cao nhiều quốc gia phản đối. Tổng thống Nga V.Putin ngày 26/1/2015 ra tuyên bố: "Bất kỳ nỗ lực nào nhằm viết lại lịch sử và xem xét lại đóng góp của chúng tôi (Liên bang Nga) đối với Chiến thắng Vĩ đại (trong Chiến tranh thế giới thứ Hai) đều đồng nghĩa công nhận tội ác của chủ nghĩa phát xít Đức, đồng thời mở đường cho tư tưởng chết người này tồn tại".

Nhân loại tiến bộ sẽ không bao giờ quên sự hy sinh của Liên Xô; không bao giờ quên ý nghĩa vô cùng to lớn của cuộc chiến tranh chống phát xít đối với cuộc chiến tranh giải phóng các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Và bài học của chiến thắng phát xít đến nay vẫn còn mang tính thời sự.

Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ và biết ơn những nỗ lực cống hiến và tổn thất hy sinh to lớn của các quốc gia, trong đó có quân đội và nhân dân Liên Xô, để làm nên chiến thắng vĩ đại chống chủ nghĩa phát xít, cứu loài người khỏi thảm họa diệt vong. Giống như tất cả những dân tộc từng bị áp bức, đau khổ do ngoại xâm, phải chịu nhiều mất mát hy sinh, tổn thất nặng nề bởi chiến tranh, nhân dân Việt Nam cũng nhận thức rất rõ ý nghĩa, giá trị của hòa bình và luôn luôn mong muốn hòa bình. Đó là lý do để nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ ra sức phấn đấu, đoàn kết quốc tế cùng các quốc gia và những người yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới xây dựng một nền hòa bình hữu nghị, phát triển ổn định, bền vững cho nhân loại. Và đó cũng là lý do dân tộc Việt Nam kiên quyết và sẵn sàng hy sinh quên mình để bảo vệ nền hòa bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Ngày nay thế giới đã và đang bước vào thời kỳ hoà bình và phát triển trên nền tảng các mối quan hệ song phương, đa phương với mong muốn cùng tồn tại hoà bình và phát triển. Tuy nhiên, tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc cùng với sản phẩm của nó là chủ nghĩa phát xít chưa phải đã hoàn toàn bị diệt vong mà đã biến tướng sang nhiều hình thức khác nhau như: chạy đua vũ khí hạt nhân, xung đột vũ trang, tôn giáo, sắc tộc... Vì thế, những bài học về cuộc chiến tranh chống phát xít hơn bảy mươi năm trước vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì mục tiêu hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội./.

Tấn Vũ

748 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 935
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 935
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87121729