Chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh 

(Chinhphu.vn) - Quý I/2023 có 99 người bệnh được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả chi phí khám, chữa bệnh trên 500 triệu đồng. Cùng với bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT là chính sách an sinh xã hội ưu việt, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau.
Chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh - Ảnh 1.

Người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán số tiền KCB không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng

Chi trả cho người bệnh lên tới 4,1 tỷ đồng

Theo BHXH Việt Nam, năm 2022 cả nước có 64 người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh (KCB) trên 1 tỷ đồng. Quý I/2023 có 99 người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB trên 500 triệu đồng (trong đó có 8 người được chi trả trên 1 tỷ đồng). 

Một số trường hợp được quỹ BHYT chi trả cao từ năm 2022 đến hết quý I/2023: Người bệnh được chi trả cao nhất là 4,1 tỷ đồng (sinh năm 2018, ở thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), mắc "Rối loạn khác của chuyển hóa carbohydrat"; người bệnh bị "Rối loạn chuyển hóa tyrosine" (sinh năm 2017, ở xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) được quỹ BHYT chi trả trên 3,5 tỷ đồng; người bệnh bị "Rối loạn chuyển hoá glycogen typ 2 (bệnh Pompe)" (sinh năm 2017, ở phường Đề Thám, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) được BHYT chi trả gần 3,5 tỷ đồng.

Từ những trường hợp cụ thể trên, có thể thấy, cùng với chính sách BHXH, BHYT là chính sách an sinh xã hội ưu việt, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn…

Luật BHYT quy định tất cả người dân đều có quyền tham gia BHYT và có phạm vi hưởng BHYT như nhau. Người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán số tiền KCB không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm. Ngoài ra, người tham gia sẽ được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí KCB BHYT theo quy định, không bị giới hạn về tuổi tác, số ngày điều trị và tổng chi phí KCB BHYT.

Theo Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc, danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán với hơn 1.000 hoạt chất, sinh phẩm tân dược và hàng trăm thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu. Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.

Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế. Trong đó có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn, như: Phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đĩa đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim… Một số loại vật tư y tế được quỹ BHYT thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Đáng lưu ý, quỹ BHYT đang thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo, như nhóm bệnh về tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn. 

Thời gian qua, nhiều người có thẻ BHYT bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí KCB, nhờ đó giúp nhiều người bệnh có thêm động lực, niềm tin tiếp tục điều trị bệnh, giúp nhiều gia đình không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí "khổng lồ" của việc KCB cho người thân.

Tạo 'điểm tựa' an sinh vững chắc

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, cùng sự nỗ lực, chủ động, trách nhiệm của ngành BHXH Việt Nam, những năm qua, các chính sách BHXH, BHYT đã được thực hiện tốt trên cả nước. Các kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định sâu sắc hơn giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT.

Theo BHXH Việt Nam, diện bao phủ BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện (BHTN) ngày càng được mở rộng với 17,5 triệu người tham gia BHXH tính hết năm 2022. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên hơn 16 triệu người năm 2022, tăng trên 7,5 lần; số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6.000 người năm 2008 lên gần 1,5 triệu người năm 2022, tăng 250 lần; số người tham gia BHTN tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần.

Người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn được đảm bảo kịp thời. Kết quả, từ năm 2010 đến hết năm 2022 có gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ BHTN. Đến cuối năm 2022, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng của cả nước khoảng 3,3 triệu người.

Với những ý nghĩa thiết thực của chính sách BHYT, những năm qua, số người tham gia BHYT cũng có sự tăng trưởng nhanh và vượt mục tiêu đề ra.

Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên hơn 91,1 triệu người năm 2022, tăng 12,8 lần, đạt tỉ lệ bao phủ 92,04% dân số - cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân. Cùng với đó, cơ hội tiếp cận các dịch vụ KCB BHYT ngày càng mở rộng, số lượt KCB BHYT được quỹ BHYT chi trả cũng tăng cao. Từ năm 2003 đến 2022, có trên 2.368 triệu lượt người được đảm bảo quyền lợi KCB BHYT.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, chính sách BHXH, BHYT đã thực sự phát huy hiệu quả tích cực, giúp hàng triệu người dân, người lao động ổn định cuộc sống, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. 

Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn từ quỹ BHXH, BHTN được Quốc hội, Chính phủ ban hành. 

Các gói hỗ trợ từ các quỹ này với tổng số tiền trên 47.000 tỷ đồng đã được ngành BHXH Việt Nam chi trả từ quỹ BHXH, BHTN, hỗ trợ nhanh gọn, chính xác đến tận tay người hưởng.

Thu Cúc

254 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 458
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 458
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78056635