Chia sẻ các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh 

(ĐCSVN) – Các diễn giả trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ nhiều nội dung về kinh tế, quản trị và kinh doanh đương đại, chia sẻ bài học kinh nghiệm quốc tế gắn với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh phục hồi sau COVID-19 liên quan tới tăng trưởng và phát triển bền vững.

 

Các diễn giả chính và thành viên Ban tổ chức Hội thảo (Ảnh: PV) 

Với mong muốn tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận và công bố những công trình nghiên cứu khoa học cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế, quản trị và kinh doanh, ngày 25/11, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh” lần thứ năm (Contemporary Issues in Economics, Management and Business - 5th CIEMB 2022). Đây là Hội thảo quốc tế lớn nhất mà Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thường niên và năm nay là năm thứ năm của chuỗi Hội thảo này.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, Hội thảo lần này nhằm tạo ra một diễn đàn cho các học giả trong nước và quốc tế từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau thuộc các ngành Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh có cơ hội để trao đổi và trình bày các công trình nghiên cứu của mình. Qua đó, Hội thảo sẽ cung cấp nền tảng cho các cuộc tranh luận về các vấn đề đương đại trong các lĩnh vực nghiên cứu trên, hỗ trợ cho các chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển bền vững toàn cầu. Đồng thời, sẽ gia tăng cơ hội hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học trong khu vực và quốc tế.

Các diễn giả trao đổi sau phần tham luận chính (Ảnh: PV) 

Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả chính là những chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới về các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế, quản trị và kinh doanh trình bày và chia sẻ những nghiên cứu mới nhất. Trong đó phải kể đến GS. Robert Breunig, Đại học Quốc gia Úc, Úc; GS. Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP toàn cầu; GS. Alex Vanderstraeten, Đại học Ghent, Bỉ; PGS. Juthathip Jongwanich, Đại học Thammasat, Thái Lan.

Tại Hội thảo, GS. Robert Breunig, Đại học Quốc gia Úc đã chia sẻ một số chính sách ứng phó với COVID-19 của Úc và bài học kinh nghiệm với Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tới sự giảm sút của lực lượng lao động và cách giữ chân lao động sau đại dịch, thậm chí có chính sách đánh giá về tác động của rút lương hưu sớm với thất nghiệp cũng như xem việc rút lương hưu sớm như một giải pháp kích thích tiêu dùng… trong đó xác định hành vi phù hợp với giai đoạn trước mắt hơn là tối ưu hóa liên thời gian trong giải quyết việc làm và lao động thời COVID-19.

Trong khi đó, GS. AlexVanderstraeten, Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ nhấn mạnh rằng, đại dịch COVID -19 đã chứng minh rằng sức khỏe thể chất, tâm lý và xã hội quan trọng hơn phúc lợi vật chất. “Hãy để quản trị nguồn nhân lực (HRM) phát huy hiệu quả của nó” - ông đề xuất.

1 trong 17 phiên thảo luận nằm trong khuôn khổ Hội thảo (Ảnh: PV) 

GS. Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP toàn cầu khuyến nghị một số giải pháp gỡ nút thắt thể chế trong chính sách tăng trưởng và phát triển bền vững ở Việt Nam. Cụ thể, vị chuyên gia này cho rằng, tình hình kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn khá tích cực. Việt Nam đang làm tốt hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương. Do đó, không cần lo ngại về tình hình kinh tế trong ngắn hạn, nhưng cần phải cảnh giác về những điều sẽ xảy ra trong năm tới. Hiện tại, có hai nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thực sự. Đầu tiên là nhân tố trong nước, đó là sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, điều này rất quan trọng vì tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, đặc biệt ở nhóm ngành dịch vụ. Thứ hai là xuất khẩu ở Việt Nam. Việt Nam là một nền kinh tế rất hướng ngoại. Và xuất khẩu càng nhiều thì kinh tế Việt Nam sẽ càng phát triển. Cả hai nhân tố này sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong quý đầu tiên của năm tới.

Dịp này, GS. Jonathan Pincus khuyến nghị chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ cần phản ứng nhanh chóng khi các điều kiện thay đổi. Do tốc độ tăng trưởng hiện nay rất mạnh, chính sách tài khóa có thể duy trì ở mức trung lập nhưng nếu có sự suy giảm đột ngột trong tiêu dùng, thì chính phủ cần phải chi nhiều tiền hơn một chút để kích cầu.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Từ hơn 130 bài nghiên cứu được gửi về, Hội thảo đã lựa chọn khoảng 80 bài để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo và mời đến trình bày các nhà nghiên cứu, học giả đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước, cũng như từ các quốc gia khác trên thế giới như Anh, Úc. Bỉ, Ba Lan, Thái Lan, Pakistan, Brazil, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Philipin, Pháp, Nam Phi, Lào… Hội thảo được tổ chức thành 17 phiên thảo luận song song về các chủ đề chuyên sâu của kinh tế, quản trị và kinh doanh, với sự chủ trì của các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các diễn giả khách mời từ nước ngoài. 

 

 
Lê Anh
373 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 920
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 920
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87035272