Người dân Sơn La tích cực tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng. Ảnh: NQ

 
Rừng được bảo vệ, dân thêm thu nhập
 

 

Đó là những kết quả nổi bật trong thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La. Thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng từng bước được nâng cao. Cơ bản người dân đã có ý thức hơn trong thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng trên cơ sở hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mình. Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, chính quyền cơ sở ở Sơn La đã thực sự vào cuộc một cách tích cực. Từ công tác vận động, tuyên truyền đến tổ chức, điều hành quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng chống chữa cháy rừng đã dần được quan tâm thực hiện tốt hơn. Qua đó giúp giảm đáng kể tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh về cả số vụ và mức độ thiệt hại. Theo thống kê, so với năm 2010, số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép ở Sơn La đã giảm trên 700 vụ. Trên địa bàn tỉnh không có các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Đồng chí Bùi Mạnh Cường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường La (Sơn La) cho biết: “Thành công lớn nhất của chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là tác động đến nhận thức của người dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Từ khi thực hiện chính sách, người dân đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng; tích cực trồng, chăm sóc các diện tích rừng được giao”.
 

Tìm hiểu được biết, bắt đầu triển khai từ năm 2009, đến nay việc thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng ở tỉnh Sơn La đã và đang trở thành bước đột phá trong việc giải quyết nhiều vấn đề gắn với công tác nhiệm vụ phát triển rừng theo hướng bền vững. Không chỉ góp phần giảm thiểu suy thoái rừng mà còn góp phần nâng cao chất lượng rừng, làm tăng khả năng phòng hộ của rừng, đảm bảo cân bằng sinh thái giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn chế hạn hán, lũ lụt; chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng còn giúp các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Qua 8 năm triển khai, bình quân mỗi năm đã có khoảng trên 100 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả cho các đối tượng. Riêng trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn thu tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đạt hơn 437 tỷ đồng. Năm 2016, Sơn La đã chi trả hơn 114 tỷ đồng cho gần 47.000 chủ rừng, với diện tích 609.483ha trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Kinh phí chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đồng thời cũng đã tạo nguồn tài chính lớn, ổn định phục vụ có hiệu quả cho công tác bảo vệ, phát triển rừng. Anh Lò A Sông ở bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) vui vẻ cho biết: “Từ khi được chi trả tiền dịch vụ bảo vệ rừng, người dân trong bản ai cũng phấn khởi. Những hộ có rừng đều tự bảo nhau tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng vì rừng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn trước rồi”.
 

Phát huy hiệu quả chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng
 

Thực tế thời gian qua ở Sơn La cho thấy, kinh phí chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng có vai trò quan trọng trong kết hợp với nguồn vốn ngân sách góp phần đảm bảo nhu cầu công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các địa phương. Theo đó, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã trực tiếp giúp nhiều địa phương có kinh phí để triển khai công tác bảo vệ rừng; các chủ rừng và các hộ nhận khoán rừng có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Các chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn và hộ nhận khoán bảo vệ rừng cũng được hưởng toàn bộ tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả. Việc thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng vì vậy về cơ bản đã có những tác động tích cực đến công tác quản lý và bảo vệ rừng trên phạm vi toàn tỉnh nói chung và ở các khu vực, địa phương có cung ứng dịch vụ môi trường rừng nói riêng.
 

Một điểm nổi bật góp phần khẳng định rõ hiệu quả chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng ở Sơn La đó là cấp uỷ, chính quyền các cấp đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động gom các chủ rừng có diện tích nhỏ lẻ thành quản lý theo cộng đồng. Tại những mô hình quản lý rừng theo cộng đồng, nguồn kinh phí thanh toán chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng sẽ được sử dụng để bảo đảm cho hoạt động của các tổ, đội quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời được sử dụng cho các nội dung hoạt động chung của cộng đồng dân cư. Với cách làm này, những năm qua trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có hàng nghìn công trình nông thôn như nhà văn hóa, vệ sinh môi trường nông thôn, đường giao thông, công trình nước sạch... được triển khai xây dựng mới hoặc tu sửa trên cơ sở kinh phí chi trả trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Các công trình này đã vừa đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày của nhân dân, vừa góp phần giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Nguyễn Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu (Sơn La) chia sẻ: “Thực hiện gom các chủ rừng có diện tích nhỏ lẻ thành quản lý theo cộng đồng đã góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng dân cư, vừa giúp bảo vệ rừng tốt hơn vừa có thêm nguồn lực để xây dựng, duy tu các công trình phúc lợi xã hội. Tại nhiều địa phương, một phần nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được sử dụng phục vụ phát triển giao thông nông thôn đã giúp việc tiêu thụ nông sản của người dân dễ hơn, thu nhập cao hơn, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt”.
 

Tuy nhiên, việc thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng ở Sơn La hiện nay cũng đang đứng trước một số vấn đề khó khăn. Theo thống kê, đến nay kinh phí bảo đảm trả tiền dịch vụ môi trường rừng ở Sơn La đang được duy trì trên cơ sở nguồn thu theo quy định từ các nhà máy thủy điện và nhà máy sản xuất nước sinh hoạt, với khoảng 100-120 tỷ đồng/năm. Trong khi toàn tỉnh đang có tới hơn 600 nghìn ha rừng nên thực tế đơn giá chi trả còn thấp, người dân tuy đã được hưởng lợi nhưng nguồn thu nhập từ rừng cũng chỉ giúp bảo đảm một phần cuộc sống. Cùng với đó, mức chi trả giữa các khu vực còn có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể, trong khi mức chi trả cho các chủ rừng thuộc lưu vực sông Đà là 269.000 đồng/ha/năm thì lưu vực sông Mã chỉ được chi trả 38.800 đồng/ha/năm. Điều này ít nhiều đang gây tâm lý thắc mắc, so bì giữa các chủ rừng, các hộ nhận giao khoán rừng, nhất là tại những khu vực có đơn giá chi trả thấp.
 

Được biết hiện nay, để tạo thêm nguồn thu, tỉnh Sơn La đang triển khai thực hiện dự án nghiên cứu, đề xuất đối tượng phải chi trả, mức chi trả, phương thức chi trả. Theo đó, sẽ đề xuất bổ sung thêm vào danh sách chủ thể phải đóng góp phí dịch vụ môi trường rừng là những những đối tượng như: Các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước; các cơ sở nuôi trồng thủy sản; các đối tượng kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng... Đây sẽ là điều kiện để Sơn La tăng cường thêm nguồn lực, góp phần tăng thu nhập cho các chủ rừng và các hộ nhận khoán rừng.
 

Có thể thấy, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Sơn La đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Để tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả này, cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với những đối tượng có nghĩa vụ đóng phí dịch vụ môi trường rừng, các địa phương cần chú trọng đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân trong tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng từ đó có điều kiện được hưởng lợi ngày càng nhiều từ rừng. Đây vừa là cơ sở để Sơn La tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; vừa là điều kiện để phát huy vai trò của tích cực của người dân trong tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng theo hướng thiết thực, bền vững./.

Như Quỳnh (CTV)