|
Khu rừng quanh Công trình Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị được người dân bảo vệ tốt |
Vì vậy, Quảng Trị đã được Bộ NN-PTNT đánh giá là địa phương làm tốt công tác chi trả DVMTR, góp phần giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho việc quản lý bảo vệ rừng cũng như trồng rừng hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Có hộ nhận gần 40 triệu đồng/năm
Ông Hồ Văn Sữa ở thôn Ra Ly, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa nhận khoán bảo vệ 70ha rừng tại khu vực bảo vệ Công trình Thủy lợi -Thủy điện Quảng Trị nên vừa rồi ông được Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh Quảng Trị chi trả gần 40 triệu đồng tiền DVMTR của năm 2017. Ông Sữa mừng ra mặt vì được nhận một lúc số tiền rất lớn và cho biết sẽ mua một chiếc xe máy cho con đi học, số còn lại dành dụm gửi tiết kiệm.
Ông Trần Văn Tý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị kiêm Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh cho biết, thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Quỹ đã thu từ các doanh nghiệp là các Cty, nhà máy thủy điện trên địa bàn sử dụng DVMTR với số tiền xấp xỉ 54 tỷ đồng. Đến nay, Quỹ đã chi trả hết gần 30 tỷ đồng cho 2.100 hộ gia đình, cá nhân và 13 cộng đồng dân cư thôn, nhóm hộ gia đình là chủ rừng. Số tiền còn lại Quỹ đang tiếp tục phối hợp với địa phương chi đến tận tay các chủ rừng và các hộ dân nhận khoán theo đúng quy định của nhà nước. Mục đích của chính sách chi trả DVMTR là thực hiện xã hội hoá nghề rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn và hệ sinh thái, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đảm bảo nguồn nước cho thuỷ điện và các nhu cầu sử dụng nước khác.
Hiện tại diện tích được hưởng chính sách chi trả DVMTR hơn 50 ngàn ha rừng, tập trung chủ yếu ở huyện Hướng Hóa và Đakrông. Quảng Trị đang tiếp tục thống kê, điều tra bổ sung các chủ rừng trên các lưu vực của một số thủy điện mới La Tó, Đakrông 1 và 4, Khe Nghi… Khi các nhà máy thủy điện này đi vào sử dụng DVMTR thì diện tích rừng được tỉnh Quảng Trị giao khoán cho người dân tăng lên hơn 3.000 ha nữa, số quỹ thu được cũng tăng lên và số gia đình được nhận tiền từ nguồn chỉ trả DVMTR cũng tăng lên, vì thế rừng ngày càng được bảo vệ tốt hơn.
Mang lại những tác động tích cực
Ông Trần Văn Tý cho biết sau nhiều năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã mang lại những tác động tích cực tới công tác QLBVR của Quảng Trị. Tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng khai thác lâm sản trái phép đã giảm đáng kể. Môi trường rừng từng bước được giữ gìn, làm tăng khả năng phòng hộ, điều tiết nước của rừng trên địa bàn. Thực hiện chính sách này không những bước đầu chi trả hợp lý công lao động cho các đối tượng nhận quản lý rừng mà còn giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác QLBVR cũng như đầu tư cho công tác trồng rừng do đã làm tốt việc giữ rừng.
|
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng chi trả tiền cung ứng dịch vụ cho người dân xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa |
Tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông từ khi có chính sách chi trả DVMTR đã tạo lòng tin và sự khích lệ cho người dân. Cùng với đó Quỹ đã góp phần cải thiện điều kiện sống, giải quyết việc làm cho hàng ngàn người trên địa bàn rừng núi, góp phần thực hiện thành công chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, ngày 2/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99, đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách chi trả DVMTR trước đó. Đồng thời, việc tăng mức chi trả đối với các cơ sở thủy điện (từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh) và cơ sở sản xuất nước sạch (từ 40 đồng/m³ lên 52 đồng/m³), góp phần gia tăng nguồn thu tiền DVMTR. Từ đây người dân, đặc biệt là những đồng bào dân tộc nghèo vùng sâu, vùng xa được hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách bảo vệ và phát triển rừng. Với Nghị định 147, người dân miền núi Quảng Trị được hưởng số tiền DVMTR nhiều hơn, điều kiện cuộc sống đảm bảo hơn và khích lệ người dân đóng góp công sức bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phân tích: Thành công trong việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đó là hàng năm Quỹ đã huy động được nguồn lực hàng chục tỷ đồng từ xã hội để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần làm giảm đầu tư ngân sách nhà nước cho ngành Lâm nghiệp.
Có thể nói hoạt động cung ứng và chi trả DVMTR tại Quảng Trị phù hợp với xu thế mới ở Việt Nam và xu thế chung của thế giới trong vấn đề bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào việc quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên đất đai trong lâm nghiệp, phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế đất nước.
|
LÂM HỒNG PHÚC