Chi tiêu tiền thuế của dân hiệu quả nhất 

(Chinhphu.vn) – Tới chỉ đạo công tác điều hành của ngành tài chính cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ông có thể “thở phào” với kết quả thu ngân sách và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng căn dặn, phải có trách nhiệm làm sao để những đồng tiền thuế của người dân được chi tiêu một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội.

Thủ tướng đánh giá “ngành Tài chính đã hoàn thành vượt mức xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2020 và 5 năm qua” và giao nhiệm vụ: “Không có ổn định kinh tế vĩ mô thì không phát triển được. Đây là nguyên tắc quan trọng luôn phải ghi nhớ”.

Để đạt được kết quả thu ngân sách và ổn định kinh tế vĩ mô thời gian qua, đó là nhờ nỗ lực kiên trì, bền bỉ với những giải pháp phù hợp trong suốt 5 năm qua của  nhiều người, nhiều bộ ngành, cơ quan khác nhau.

Báo cáo kinh tế xã hội của Đại hội XII của Đảng năm 2016 đánh giá trong giai đoạn 2011-2015, quản lý ngân sách nhà nước được tăng cường; chính sách thu được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hội nhập; đẩy mạnh chống thất thu, chống chuyển giá, xử lý nợ đọng thuế, thu ngân sách tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ hơn, tiết kiệm và ưu tiên cho bảo đảm an sinh xã hội và phát triển con người. Nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia được cơ cấu lại một bước và trong giới hạn theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, “việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn; cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp; còn thất thu ngân sách; một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP. Tuy vẫn bảo đảm trong giới hạn quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí”, Báo cáo nêu rõ.

Nhìn lại thời điểm khoảng năm 2011, do nhiều nguyên nhân trong và ngoài nước, tốc độ tăng giá tiêu dùng tăng phi mã lên đến 18,6% năm 2011, làm sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô.

Nghị quyết 11 năm 2011 yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng cần rất nhiều thời gian để xử lý vấn đề lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là nợ công.

Tới đầu năm 2015, Giám đốc Ngân hàng Thế giới khi đó, bà Victoria Kwakwa, khi được hỏi về nợ công của Việt Nam, đã trả lời: “Việt Nam không đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ đang dần tới, song điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể phớt lờ chuyện nợ công đang tăng lên nhanh chóng”.

Tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011-2015 là hơn 18%, gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các khoản vay trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011 - 2013 có lãi suất rất cao tới 12,1% trong khi có kỳ hạn lại quá ngắn, khoảng ba năm. Đến cuối 2015, nợ Chính phủ đã lên tới 50,3% GDP, vượt trần cho phép của Quốc hội 0,3%.

Cũng cuối năm 2015, trong báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới nhận định nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn bền vững. Tuy nhiên, cơ quan này nhắc tới những quan ngại trong bối cảnh nợ công tăng, áp lực tài khoá còn tiếp diễn với thâm hụt ngân sách (tính cả trả nợ gốc) dự tính chiếm 5,6% GDP trong nửa đầu năm 2015.

Tại Đại hội Đảng lần thứ XII đầu năm 2016, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020 đã nêu mục tiêu tổng quát, trong đó “bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô” được đưa lên trước hết. Cùng với đó là nhiều nhiệm vụ, giải pháp liên quan tới thu, chi ngân sách, trong đó, bội chi ngân sách nhà nước tới năm 2020 còn khoảng 4% GDP.

Những nỗ lực không ngưng nghỉ

Sau Đại hội XII, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 với hàng loạt chỉ tiêu về nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài...

Thực hiện Nghị quyết này, dưới sự chỉ đạo nhất quán, linh hoạt, đồng bộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ luôn được phối hợp nhuần nhuyễn cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Tất Thắng nhận định: Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể.

Ông nhận xét, chỉ số giá tiêu dùng bình quân giảm từ 18,6% năm 2011 xuống ổn định ở mức khoảng 4%/năm giai đoạn 2016 – 2020; lạm phát cơ bản giảm từ 13,6% năm 2011 xuống khoảng 2,5% năm 2020. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định; bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho lĩnh vực sản xuất, nhất là các ngành ưu tiên.

Theo Bộ Tài chính, tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra (100,4%). Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5% năm 2020 (kế hoạch là 84-85%), tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 14,2% năm 2020.

Công tác huy động vốn đạt kết quả khả quan, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ ngày càng dài hơn (năm 2020 là 13,94 năm, tăng 0,5 năm so với năm 2019), lãi suất ngày càng hạ (năm 2020 bình quân là 2,86%/năm, năm 2019 là 4,51%/năm).

Bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát trong phạm vi Quốc hội cho phép (cuối năm 2020, bội chi dưới 4% GDP; nợ công 55,8% GDP; nợ Chính phủ 49,6% GDP). Theo Thủ tướng, đây là con số rất có  ý nghĩa, thể hiện sự vững mạnh của nền tài chính quốc gia trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

“Nợ công đầu nhiệm kỳ trên 64,5%, giờ còn 55,8% là một sự cố gắng rất lớn của các đồng chí”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá và nhấn mạnh, “ổn định vĩ mô là bài học kinh nghiệm xương máu trong quản lý kinh tế thì chúng ta đã giữ được điều này”.

Trong bối cảnh thu ngân sách giảm, ngành tài chính vẫn đảm bảo nguồn lực trên 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch COVID-19, hỗ trợ địa phương trên 12 nghìn tỷ đồng và trên 37 nghìn tấn gạo để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; đồng thời, thực hiện tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, dành nguồn ưu tiên cho đầu tư phát triển để vực dậy nền kinh tế và chi trả nợ đúng hạn, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia.

Những nỗ lực đó góp phần đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định, làm doanh nghiệp tiếp tục tin tưởng đầu tư,  kinh doanh với gần 135 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2020 đầy khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Tà chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, năm 2020 là một năm “đầy vất vả chông gai nhưng rất đáng tự hào” khi các chỉ tiêu về tài chính – ngân sách trong 5 năm qua đã hoàn thành tất cả các mục tiêu cơ cấu thu - chi, tỷ lệ huy động, bội chi, nợ công… như Nghị quyết 25 của Quốc hội.

“Nền tảng, tiềm lực tài chính ngày một tốt hơn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần đưa vị thế, uy tín, mức độ tín nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao”, ông nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc căn dặn: “Chúng ta chỉ có thể tự hào rằng tỷ lệ thu ngân sách cao cho thấy người dân tín nhiệm Chính phủ mà ủy thác chứ không phải Chính phủ tận thu. Nếu người dân không tín nhiệm với Chính phủ, họ tìm cách trốn thuế, tránh thuế, lách thuế khi đó ngân sách rất khó thu được thuế. Do đó, Chính phủ, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm làm sao để những đồng tiền thuế của người dân được chi tiêu một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất”.

Chỉ có như vậy, công tác tài chính mới góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực của đất nước.

Thanh Hà

235 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1052
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1052
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87120528