Tuy nhiên thời gian gần đây, đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh, thiếu niên có biểu hiện xuống cấp, lệch chuẩn; tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, sử dụng các chất kích thích diễn biến phức tạp, có chiều hướng ngày càng gia tăng, đang là vấn đề quan tâm, lo lắng của toàn xã hội.
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU, ngàu 03/5/2019 “về việc tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên”, yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đổi mới công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 15/01/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, Chương trình hành động số 13-CTHĐ/TU, ngày 15/1/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030”. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc chăm lo giao dục thế hệ trẻ, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành và toàn xã hội nhằm giáo dục bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức, lối sống văn hóa, hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ.
Yêu cầu các ngành liên quan xây dựng các chuyên đề giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động đoàn, hội, đội. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải có cam kết không để xảy ra tai, tệ nạn học đường trong nhà trường và liên đới chịu trách nhiệm về hành vi đạo đức do học sinh của trường gây ra ngoài xã hội.
Tăng cường công tác phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục bằng các hình thức thích hợp nhằm nâng cao đạo đức học đường, đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng, lành mạnh....; có kế hoạch, giải pháp cụ thể, kịp thời ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của thế hệ trẻ, nhất là qua các trang mạng xã hội, trang web phản động, đồi trụy. Thiết lập các kênh thông tin về bạo lực học đường, các vấn nạn trong thanh, thiếu niên ở các cơ sở giáo dục (camera giám sát, hộp thư góp ý, đường dây nóng...) để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời.
Đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thế hệ trẻ; phối hợp với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thế hệ trẻ. Xây dựng và nhân rộng các mô hình xã hội học tập, gia đình văn hóa, ông bà, cha mẹ, anh chị mẫu mực, con cháu hiếu thảo, trẻ em chăm ngoan, vợ chồng hòa thuận, gia đình đoàn kết, thương yêu nhau, bảo vệ cái tốt, cái đúng, chống lại cái xấu, cái ác. T.Trang (biên tập)