|
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: NHCSXH |
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH tại cuộc tọa đàm “Chỉ thị số 40-CT/TW - Điểm tựa vững chắc trong hệ thống chính sách giảm nghèo” do Báo Đại biểu nhân dân phối hợp với NHCSXH tổ chức ngày 6/11.
Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Chỉ thị số 40 có 5 nội dung, gồm: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; (2) nâng cao trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; (3) tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; (4) nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; (5) tổ chức thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Lý, việc tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách (nội dung thứ 3) là một trong những mục tiêu chủ yếu của Chỉ thị này. Ở đây Chỉ thị số 40 nêu rõ: Các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt việc tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối là NHCSXH.
Ông Nguyễn Văn Lý cho hay qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 (2014-2019), nguồn vốn ngân sách cấp cho NHCSXH tăng 1,6 lần so với trước khi có Chỉ thị này. Đặc biệt, nguồn vốn của chính quyền địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay đối tượng chính sách ở địa phương cũng tăng vượt bậc, đến nay đã đạt 14.600 tỷ đồng, tăng 10.800 tỷ đồng so với khi có Chỉ thị.
Hiện tại, 100% địa phương đã ủy thác vốn qua NHCSXH để cho vay, bình quân một địa phương cấp tỉnh uy thác 230 tỷ đồng, trong đó có địa phương đạt mức cao như Hà Nội là 2.900 tỷ đồng, TPHCM 2.200 tỷ đồng. Một số tỉnh miền núi dù rất khó khăn nhưng đã dành quan tâm cho vấn đề này, trong đó, tỉnh Đắk Lắk ủy thác 220 tỷ đồng, Quảng Ngãi 160 tỷ đồng, Lào Cai 90 tỷ đồng…
Kể từ khi có Chỉ thị số 40, hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã góp phần giúp trên 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 902.000 lao động; giúp trên 19.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; trên 301.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập…
Ông Nguyễn Văn Lý khẳng định từ khi thực hiện Chỉ thị số 40, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, tín dụng tín sách đã đến với người nghèo thuận lợi hơn và đặc biệt là người dân cảm nhận được cụ thể sự quan tâm của Đảng trong đời sống hằng ngày của mình. Đây chính là kết quả thực chất trong thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công cuộc xóa nghèo bền vững.
Cũng tại cuộc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp quá trình xóa đói giảm nghèo của đất nước đi vào chiều sâu thực chất.
Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, “mô hình tổ chức quản trị đặc thù của NHCSXH hoàn toàn phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của nước ta” đã được chứng minh. NHCSXH đã huy động và quản lý nguồn vốn có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích. Nguồn vốn dụng chính sách được nâng lên đáng kể (5 năm tăng được 69.050 tỷ đồng). Nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện đã bao phủ toàn bộ thôn bản, xã phường cả nước.
Đáng chú ý, hiệu quả của nguồn vốn tín dụng của NHCSXH còn thể hiện ở chỗ nợ quá hạn và nợ khoanh rất thấp, chỉ chiếm 0,75%/tổng dư nợ, trong đó, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,41%.
Thanh Xuân