Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, chiều 23/5, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.)
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch bao gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 01 điều về quy định hiệu lực thi hành luật.
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật gồm: Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019 là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và bảo đảm nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030.
Đồng thời, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi, bổ sung tại khoản 5, Điều 59 Luật Quy hoạch.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch; Chính phủ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp.
Ủy ban Kinh tế nhận thấy cơ quan trình dự án Luật đã chuẩn bị tương đối đầy đủ về hồ sơ, tài liệu theo quy định, cơ bản bảo đảm trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhận thấy về cơ bản, các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch của các luật nêu trên đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch. Đối với những nội dung được yêu cầu sửa đổi, bổ sung tại Luật Quy hoạch nhưng không thực hiện thì cần báo cáo, giải trình với Quốc hội.
Sau khi nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật này.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch bao gồm nhiều nội dung, nhiều vấn đề. Để sửa đổi một số điều trong một luật đã khó, giờ phải sửa đổi một số điều trong 13 luật lại càng khó. Bởi vậy cần rà soát, xem lại nội hàm của dự thảo Luật gồm những nội dung gì, lấy đó làm căn cứ sửa đổi. Đồng thời, chỉ sửa đổi, bổ sung khi những nội dung có liên quan đến nội hàm của cả Luật Quy hoạch.
Đồng tình với ý kiên trên, đại biểu Hà Hùng Cường (Quảng Bình) cho hay, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch đã đưa ra một cuộc cách mạng về những vấn đề quy hoạch. Đại biểu đề xuất, sửa luật cần rút gọn, chỉ giữ lại những vấn đề cần thiết mang tính chất quy hoạch.
Cũng theo đại biểu, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch phải sửa đổi, bổ sung 13 luật, có nhiều vấn đề liên quan. Bởi vậy, các Ủy ban có liên quan cần tham gia ý kiến về việc sửa dự thảo Luật.
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cũng cho rằng, để dự thảo Luật đảm bảo tính khả thi khi đi vào thực tiễn, các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
Nhiều ý kiến cũng cho biết, các nội dung liên quan đến các luật sửa quy hoạch, giữa các bộ đã thống nhất với nhau về nội dung, thống nhất trong Chính phủ. Tuy vậy, Ban soạn thảo Luật cần tiếp tục rà soát để đảm bảo chất lượng./.
Bích Liên