Thực hiện quyết định số 19 ngày 15/7/2013 của UBND tỉnh Quảng Trị, trong 3 năm từ 2014-2016, UBND huyện Hướng Hóa đã lần lượt ra các quyết định tuyển dụng công chức, viên chức cấp xã, cấp huyện.
Công tác tuyển dụng được giao cho Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Phòng Giáo dục, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện.
|
Trưởng Phòng Nội vụ huyện Hướng Hóa (phải) cho rằng, do ngân sách nộp vào thì dễ, rút ra khó nên “anh em linh động chi tiêu”. Ảnh: Quang Thành
|
Chủ tịch hội đồng tuyển dụng hàng năm là ông Võ Thanh - Chủ tịch UBND huyện.
“Sau khi nhận được thông báo tuyển dụng, mỗi ứng viên phải nộp 275.000 đồng tiền mua hồ sơ và lệ phí dự tuyển. Có năm huyện tổ chức tuyển dụng 2 đợt”, một người từng tham gia dự tuyển cho biết.
Trong 3 năm 2014-2016, có gần 1.700 người nộp hồ sơ dự tuyển công chức, viên chức tại hội đồng tuyển dụng huyện Hướng Hóa. Hội đồng đã thu hàng trăm triệu đồng lệ phí tuyển dụng.
Tuy nhiên, số tiền này không được hội đồng nộp ngân sách nhà nước mà các thành viên trong hội đồng tự ý chi tiêu sai qui định.
Chủ tịch huyện: Việc lặt vặt không để ý
Ông Võ Thanh - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa kiêm Chủ tịch hội đồng tuyển dụng cho biết: “Họ (hội đồng tuyển dụng - PV) chi tiêu mấy việc đó chứ mình Chủ tịch thì có quan tâm, để ý đến mấy cái đó đâu. Mình để ý đến ba cái chi tiêu lặt vặt đó làm chi. Những cái nhỏ mọn đó để anh em làm thôi”.
Theo ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch xã Hướng Phùng (nguyên Thư ký hội đồng tuyển dụng), tổng số lệ phí tuyển dụng trong 3 năm vào khoảng 430-450 triệu đồng. Tất cả số tiền này đều được chi tiêu, phục vụ các công tác trong tuyển dụng như trả tiền cho hội đồng, hợp đồng ra đề thi, cán bộ coi thi...
Việc chi tiêu này được Chủ tịch hội đồng phê duyệt.
“Do chủ quan nên mới để xảy ra sai sót. Nếu biết việc tự ý thu - chi phí tuyển dụng mà sai quy định thì chúng tôi đã không làm”, ông Dũng nói.
"Không nộp vào ngân sách là sai"
Ông Trần Đình Dũng, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Hướng Hóa xác nhận, phí tuyển dụng công chức, viên chức từ năm 2016 trở về trước được dùng để chi tiêu trong hội đồng chứ không được nộp vào ngân sách nhà nước.
“Không chỉ các năm 2014-2016 mà từ trước đến nay đều như vậy. Việc thu phí tuyển dụng được phê duyệt chi tiêu trong hội đồng để phục vụ công tác ra đề, thuê người coi thi. Việc không nộp tiền vào ngân sách là có sai sót”, ông Dũng nói.
Giải thích về vấn đề này, ông Dũng cho rằng, việc gửi vào thì dễ nhưng khi cần chi phí, làm thủ tục rút ra khó nên anh em tự linh động chi tiêu.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cho biết, hàng năm, trong quyết toán tài chính, Phòng Nội vụ đều không đưa lệ phí tuyển dụng vào quyết toán.
“Việc hội đồng tuyển dụng tự ý thu - chi mà không nộp ngân sách là sai nguyên tắc tài chính. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng đơn vị này vẫn không chịu thực hiện nên đã kiến nghị đơn vị thanh tra tiến hành thanh, kiểm tra”, ông Sơn cho biết.