Chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm ATGT 

(Chinhphu.vn) – Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 9 tháng đầu năm 2019 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chiều 16/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo đảm ATGT.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Thường trực đã thẳng thắn đánh giá về một số kết quả và hạn chế của công tác bảo đảm trật tự ATGT 9 tháng đầu năm 2019 trong cả nước.

Theo Phó Thủ tướng, trong quý III năm 2019, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đã tích cực vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục có những chuyển biến rất tích cực; tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí, số người chết do TNGT giảm sâu nhất trong nhiều năm. Cụ thể là, số vụ TNGT 9 tháng đầu năm 2019 giảm 567 vụ (giảm 4,28%), số người chết giảm 353 người (giảm 5,87%), số người bị thương giảm 700 người (giảm 6,78%);... Theo Phó Thủ tướng điều này đã giảm gánh nặng cho mỗi gia đình và xã hội khi không may bị TNGT và chúng ta cần phải tiếp tục kéo giảm sâu hơn nữa trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng biểu dương Ủy ban ATGT quốc gia và các bộ, ngành đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng nhằm tạo sự lan tỏa trong xã hội, góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông trong nhân dân.

Đặc biệt, việc Bộ Công an tiếp tục duy trì lực lượng tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm về ma tuý, nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải; ban hành kế hoạch thực hiện cao điểm nghỉ lễ 2/9 và tháng cao điểm về an toàn giao thông cho học sinh đến trường, chú trọng tuyên truyền và xử lý vi phạm về mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện... nhất là đối với học sinh, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, ngành GTVT cả nước cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo về xử lý “điểm đen” TNGT và siết chặt quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; đội ngũ y bác sĩ cả nước đã nỗ lực rất lớn trong việc cứu chữa nạn nhân TNGT, kéo giảm thiệt hại về người do các vụ TNGT gây ra.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận và đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT. Đồng thời, biểu dương 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2018, trong đó 22 địa phương giảm trên 10% số người chết. Đặc biệt các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tây Ninh, Lào Cai, An Giang, Bến Tre giảm trên 30% số người chết vì TNGT.

Đánh giá về những hạn chế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ ra những tồn tại, yếu kém đã diễn ra từ nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Đó là, tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi,... kinh phí bố trí để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về bảo vệ hành lang ATGT còn ít được quan tâm; việc xử lý “điểm đen” TNGT trên quốc lộ, tỉnh lộ, xử lý lối đi tự mở qua đường sắt có triển khai thực hiện nhưng còn chậm.

Trong đó, vẫn còn tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích còn rất đáng lo ngại trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát của CSGT và các đợt khám sức khoẻ bắt buộc tập trung do ngành GTVT, Y tế thực hiện, tỷ lệ còn thấp so với thực tế; vai trò chủ động xây dựng, phát hiện, ngăn ngừa lái xe sử dụng ma tuý, chất kích thích của chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải còn rất hạn chế.

Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xa hội, nhất là tai nạn liên quan đến xe mô tô, xe tải nặng, tai nạn do lái xe vi phạm quy định trật tự ATGT. Còn 16 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2018, trong đó 6 tỉnh tăng trên 10% là: Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Khánh Hòa.

Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến các hạn chế, tồn tại nêu trên, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đăng kiểm, vẫn còn tình trạng mua bán giấy phép lái xe, giấy khám sức khỏe giả tràn lan trên mạng xã hội... Việc này, các bộ ngành, địa phương phải báo cáo tại cuộc họp tổng kết cuối năm 2019.

“Đối với các vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan cần điều tra nghiêm túc các khâu từ cấp phép giấy phép bằng lái xe, đăng ký, đăng kiểm, quản lý của doanh nghiệp đối với lái xe, kiểm tra nồng độ cồn và có sử dụng ma tuý hay không?”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Có nơi việc thực thi pháp luật về trật tự ATGT còn hạn chế, sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm trật tự ATGT có lúc còn chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý lái xe, dữ liệu về trật tự ATGT giữa ngành Công an và GTVT.

Bên cạnh đó, số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong các dịp cao điểm; ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép, vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe... còn diễn ra khá phổ biến.

“Còn tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước, tình trạng vi phạm quy định về quy hoạch và xây dựng ảnh hưởng đến trật tự ATGT còn diễn ra phổ biến, đặc biệt là dọc hành lang các tuyến quốc lộ trọng điểm và trong các đô thị lớn; trách nhiệm này thuộc về Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, nhất là UBND các cấp. Có trường hợp sửa xong hố ga trên đường nhưng không đậy lại, hay không cảnh báo dẫn đến tai nạn chết người. Trường hợp này có cả vi phạm hành chính và hình sự, phải xử lý nghiêm, nếu đến mức khởi tố hình sự thì phải khởi tố hình sự”, Phó Thủ tướng chỉ rõ trách nhiệm.

Thực hiện nghiêm các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT

Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2019, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Phát huy những kết quả đã đạt được và nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế và những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT trong 9 tháng đầu năm, đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình triển khai thực hiện nghiêm và có hiệu quả Nghị quyết 12 của Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021; quyết liệt triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia và những giải pháp đã nêu trong báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia để tiếp tục duy trì đà kéo giảm TNGT và khắc phục ùn tắc giao thông trong Quý IV năm 2019.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiến hành làm ngay một số công việc như:

Ủy ban ATGT Quốc gia cần tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch Năm ATGT 2019; tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương về việc thực hiện Nghị quyết số 12 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 273/TB-VPCP ngày 2/8/2019 và tại các địa phương có TNGT tăng trong 9 tháng đầu năm; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân TNGT năm 2019 của Liên Hợp Quốc, phối hợp UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2019 vào ngày 17/11/2019.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, truyền thông; chủ động nghiên cứu, khai thác, sử dụng có hiệu quả mạng xã hội để tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông đúng quy định pháp luật; đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ thông tin trên mạng xã hội, đấu tranh, ngăn chặn tin giả, tin xấu trên mạng xã hội.

Phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề "Đã uống rượu, bia - không lái xe”.

Chia sẻ dữ liệu người vi phạm giao thông về cơ quan, đơn vị, trường học

“Các cơ quan, đơn vị, trường học đều cần biết, cần được chia sẻ dữ liệu thông tin về vi phạm giao thông của người vi phạm để quản lý, giáo dục, nhắc nhở”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Đối với Bộ GTVT, thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về bảo đảm trật tự ATGT năm 2019; sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 46/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; khẩn trương trình Chính phủ Đề cương xây dựng dự thảo Luật thay thế Luật Giao thông đường bộ 2008 để khắc phục các vướng mắc, bất cập, đáp ứng tình hình thực tế hiện nay.

Hoàn thành kế hoạch xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên mạng lưới quốc lộ năm 2019 và tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý “điểm đen” trên đường tỉnh lộ, đường huyện; phê duyệt và triển khai thưc hiện phương án cải thiện ATGT trên tuyến quốc lộ 5; xây dựng đề án cải thiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trên Quốc lộ 1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm; đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2024 các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết - Dầu Giây và mở rộng các cầu hẹp trên Quốc lộ 1A qua các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Khẩn trương chỉ đạo việc triển khai duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đường cất hạ cánh và đường lăn của sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Chỉ đạo toàn ngành GTVT xây dựng kế hoạch vận tải dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, lễ hội Xuân 2020; tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATGT đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là hành vi ép lái xe phải hoạt động quá thời gian làm việc theo quy định là nguyên nhân dẫn đến vi phạm về ma tuý và ngủ gật gây ra TNGT.

Đối với Bộ Công an, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự ATGT theo kế hoạch năm 2019 của Bộ, nhất là Thông tư quy định về công tác thống kê tai nạn giao thông, phù hợp với thông lệ quốc tế và Nghị định số 09 quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.

Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, đặc biệt tập trung vào các hành vi lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý; vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; không thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô; sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện; mở cao điểm bảo đảm trật tự ATGT vào cuối năm, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống thông tin chỉ huy và hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên các quốc lộ trọng điểm và một số tuyến đường bộ cao tốc.

Bộ Xây dựng báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 cùa Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt; xây dựng kế hoạch thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về xây dựng và quản lý xây dựng dọc hành lang các tuyến quốc lộ trọng điểm như quốc lộ 1A, quốc lộ 5, quốc lộ 51.

Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng và ban hành Đề án tuyên truyền vận động nhân dân phòng, chống tác hại của rượu, bia, thực hiện đã uống rượu, bia không lái xe giai đoạn 2019-2021 và Đề án tuyên truyền về ATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, giai đoạn 2019-2021. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tổng kết việc xét nghiệm ma tuý, chất kích thích đối với lái xe kinh doanh vận tải

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Y tế tổng kết việc thực hiện công tác xét nghiệm ma tuý, chất kích thích thần kinh và nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải; tiếp tục tổ chức kiểm tra công tác khám và cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc; chuẩn bị tốt điều kiện cứu chữa nạn nhân TNGT trong dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán và Lễ hội xuân 2020.

Các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, đặc biệt là trước và trong dịp cao điểm Tết Dương lịch, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18; Nghị quyết số 12 của Chính phủ, Kế hoạch Năm ATGT 2019 tại địa phương; tổ chức Hội nghị kiểm điểm kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT 9 tháng đầu năm, định hướng nhiệm vụ Quý IV năm 2019.

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác quản lý hoạt động vận tải; đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thuỷ nội địa; tập trung xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT, làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ trước điểm giao cắt với đường sắt. Xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm TTATGT dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ Hội xuân năm 2020.

UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các giải pháp tổ chức, phân luồng giao thông, đặc biêt là khi trời mưa, triều cường gây ngập đường, các đoạn tuyến có công trình đang thi công hoặc khi có sự cố giao thông, để giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông; tiếp tục thực hiện lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm./.

Lê Sơn

341 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1001
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1001
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87202711