Chi phí không chính thức – rào cản trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Trị 

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã tập trung hoàn thiện cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Tuy nhiên, chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Trị mặc dù có những chuyển biến rõ rệt nhưng chưa ổn đinh, xếp hạng vẫn còn khiêm tốn và nhiều tiêu chí chưa đáp ứng yêu cầu. Một trong những “rào cản” làm PCI của Quảng Trị còn ở mức tương đối thấp đến từ chỉ số thành phần chi phí không chính thức. Bởi lẽ, dù địa phương có nhiều lợi thế về lao động, tài nguyên, cơ sở hạ tâng và các chính sách ưu đãi hấp dẫn để kêu gọi đầu tư nhưng nếu môi trường pháp lý, kinh doanh không minh bạch, thông tin không công khai và đặc biệt là chi phí không chính thức lớn thì doanh nghiệp sẽ cảm thấy quan ngại với các quyết định đầu tư và các lợi thế thu hút đầu tư của địa phương cũng sẽ dần bị “lu mờ”.

Chỉ số chi phí không chính thức sử dụng để đo lường các khoản chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để chi trả các khoản phí không liên quan đến sản xuất, đầu tư, tiền phạt và các khoản phí bất thường khác trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Việc phải trả các khoản chi phí không chính thức có thật sự mang lại kết quả như mong đợi của doanh nghiệp hay chỉ là việc các cán bộ Nhà nước sử dụng quy định của địa phương để trục lợi cá nhân. Chỉ số này được đo lường bằng các chỉ tiêu đánh giá mức độ tác động của vấn đề bằng cách lượng hóa tần suất xảy ra, loại chi phí và quy mô các khoản phí phát sinh thêm. Đó là: tỷ lệ % số doanh nghiệp cho rằng các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề cũng phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức, tỷ lệ % số doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức, mức độ nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, tỷ lệ công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức và ý kiến của doanh nghiêp về các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được.

Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố thường niên cho thấy chỉ số chi phí không chính thức có ở tất cả 63 tỉnh thành với mức độ khác nhau và gánh nặng này có xu hướng ngày càng tăng, năm 2013 là 50%, năm 2014 là 64,5% và năm 2015, 2016 là 66%. Đối với tỉnh Quảng Trị, chi phí không chính thức có dấu hiệu ngày càng tăng cao và chỉ số thành phần cấu thành PCI này có xu hướng ngày càng giảm điểm đang là cản trở đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng như ảnh hưởng lớn đến chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh của địa phương. Chỉ số chi phí không chính thức của tỉnh Quảng Trị năm 2010 đạt 6,15 điểm đứng thứ 10/63, năm 2011 đạt 7,79 điểm đứng thứ 11/63, năm 2012 đạt 5,86 điểm đứng thứ 12/63, năm 2013 đạt 5,13 điểm đứng thứ 55/63, năm 2014 đạt 3,77 điểm đứng thứ 60/63, năm 2015 đạt 4,13 điểm đứng thứ 60/63 và năm 2016 đạt 4,77 điểm đứng thứ 50/63.

Lý giải về sự sụt giảm mạnh trong những năm gần đây này, một trong những nguyên nhân cơ bản chính là việc các doanh nghiệp than phiền khi phải trả một khoản không nhỏ dành cho chi phí “bôi trơn”. Số liệu PCI năm 2016 của tỉnh Quảng Trị do VCCI báo cáo cho thấy 70,1% doanh nghiệp cùng ngành phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức (xếp thứ 45/63 tỉnh, thành và giá trị tối thiểu của cả nước là 45,16%), 14,29% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (xếp thứ 50/63 tỉnh, thành và giá trị tối thiểu của cả nước là 3,49%%), 62,64% hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp (xếp thứ 43/63 tỉnh, thành và giá trị tối thiểu của cả nước là 40,66%). Chi phí không chính thức quá lớn “bủa vây” doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu tư, giá thành sản phẩm, việc minh bạch vốn của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và đặc biệt là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khó được nâng cao.Việc chi trả các khoản chi phí không chính thức sẽ làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp đồng nghĩa với việc đầu tư vào địa phương sẽ giảm sút và ngược lại.

Trong xu thế phát triển hiện nay, tỉnh nhận thức rất sâu sắc vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vừa giải quyết việc làm, vừa nộp ngân sách lại vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI đã xác định cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời quan tâm, chú trọng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp cũng là một trong những giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Và những nỗ lực, cam kết của chính quyền địa phương trong việc cắt giảm các chi phí không chính thức cũng như tạo ra sân chơi bình đẳng cho các khu vực kinh tế là bước đi đúng đắn và hiệu quả góp phần từng bước nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Do vậy, tỉnh cần đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rà soát các khoản thu thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định và thực hiện công khai, minh bạch, kiểm soát chặt chẽ các khoản thu. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm khắc các đơn vị, cá nhân tự ý đặt ra các yêu cầu, thủ tục, khoản phí ngoài quy định trong quá trình giải quyết các hồ sơ liên quan buộc người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư phải nộp hay thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành về thái độ, trình độ, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc trong việc tiếp nhận, hướng dẫn và xử lý hồ sơ. Tại bộ phận một cửa của các cấp, các ngành cần phải niêm yết, công khai minh bạch các chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính để các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân, doanh nghiệp kịp thời phản ánh khi cần thiết.

Tháo gỡ các rào cản của chi phí không chính thức vừa nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế vừa tạo dựng hình ảnh môi trương kinh doanh trong sạch và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào sự năng động, tiên phong và quyết tâm của chính quyền địa phương, sự chuyên nghiệp, mẫn cán của cán bộ công chức mà còn cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng doanh nghiệp./.

                                                                                                                                              Nguyễn Lan Hương - Sở Kế hoạch và Đầu tư

 

2118 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1447
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1447
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88990254