Chỉ khoảng 300 DN Việt có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu 

(Chinhphu.vn) – “Ước tính, hiện nay chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cũng chỉ mới cung ứng các phụ tùng thay thế chứ chưa tham gia sản xuất các sản phẩm chính”.

Đây là thông tin đưa ra bởi Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Hội thảo "Việt Nam trước ngã rẽ tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới" do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức sáng nay (7/9).

Theo ông Đỗ Thắng Hải, hiện rất ít DN có thể kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong khi đó, số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, trong số các DN tư nhân đang hoạt động tại Việt Nam thì DN lớn chiếm chưa đầy 2%, trong khi DN vừa chiếm từ 2-5% còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Được đánh giá là nền kinh tế năng động và là một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư và kinh doanh, nhưng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn rất khó khăn và sức cạnh tranh còn thấp.

“Việc kết nối DN trong và ngoài nước còn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ đối tác nước ngoài đến khu vực DN trong nước còn hạn chế. Điều đáng lo ngại nhất là DN tư nhân rất khó khăn, rất ít DN có thể kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu”, Thứ trưởng nhận xét.

Cùng quan điểm trên, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng, mặc dù được kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu nhưng DN Việt Nam chủ yếu chỉ thực hiện hoạt động sản xuất có công nghệ thấp nhất, bao gồm: Phần cứng công nghệ thông tin và truyền thông, dệt may.

Bên cạnh đó, việc thiếu vắng các nhà cung cấp tiềm năng có đủ năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng và độ tin cậy của các công ty đa quốc gia là một trong những trở ngại đối với việc hình thành liên kết ở Việt Nam.

Đáng chú ý, dữ liệu điều tra của WB cho thấy, trong khi một nửa số DN FDI có chứng chỉ về chất lượng được quốc tế công nhận (như ISO 9001) thì chưa đến 10% DN trong nước có được chứng chỉ này.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, hội nhập quốc tế cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đem lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam về mặt tăng trưởng xuất khẩu, cơ hội việc làm và giảm nghèo nhưng hiệu quả chưa cao trong việc phát triển những kết nối của nền kinh tế trong nước và sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu đến thời điểm này.

​Do vậy, ông Ousmane Dion khuyến nghị, dù là quốc gia có luồng thu hút FDI tốt nhưng việc đem lại sức lan tỏa cần tích cực hơn, đặc biệt là việc tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Báo cáo của WB cũng đưa ra một số khuyến nghị chính để giúp Việt Nam tiến sát hơn với mục tiêu của mình.

Đó là cải thiện sự phối hợp giữa các bộ, ngành, tạo thuận lợi về trao đổi thông tin, liên hệ giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đồng thời hỗ trợ có mục tiêu nhằm phát huy thế mạnh của một số nhà cung ứng trong nước.

Nếu đạt được vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài quy mô lớn, qua đó tạo thêm việc làm và tạo thêm cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước.

Nhưng để đạt được mục tiêu đó, theo báo cáo, cần phải có một gói sáng kiến cải cách toàn diện như: Thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hạ tầng thông qua đẩy mạnh huy động vốn của khu vực tư nhân và áp dụng cách tiếp cận tổng hợp hơn trong phát triển các hành lang giao thông; phát triển các thị trường dịch vụ cạnh tranh và tự do hóa các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài; hợp lý hóa các thủ tục biên giới để nâng cao minh bạch và khả năng tiên liệu; thúc đẩy quan hệ với các nước phát triển để đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ và đầu tư về công nghệ.

Phan Trang

440 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1042
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1042
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87190081