"Chỉ định thầu": Cụm từ làm nóng phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT 

(Chinhphu.vn) – “Một số dự án chúng tôi kéo dài thời gian thông báo trên trang web đấu thầu để mong muốn có thêm nhà đầu tư nhưng không có. Luật cho phép Bộ GTVT chỉ định thầu nếu chỉ có 1 nhà thầu tham gia”.

Đây là phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 4/6 sau khi nghe đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) nêu vấn đề. Cụ thể, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt ra câu hỏi nhiều cử tri là doanh nghiệp trong và ngoài nước phản ánh, ở một số địa phương chỉ 1-2 doanh nghiệp và công ty con của doanh nghiệp đó được giao rất nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật thông qua chỉ định thầu, hoặc đấu thầu nhưng có hiện tượng dàn xếp mà họ không cạnh tranh được.

"Hiện tượng này kéo dài nhiều năm, tổng cộng giá trị lên tới nhiều chục ngàn tỉ đồng. Tình trạng độc quyền này khiến việc cạnh tranh vô hiệu, nhiều dự án bị kéo dài, đội vốn, có dự án lên tới 36 lần, gây lãng phí. Có việc này hay không, quan điểm và giải pháp?", ông Nghĩa đưa ra vấn đề.

Có thể thấy, đây cũng không phải vấn đề mới với ngành giao thông khi cụm từ “chỉ định thầu” đã được nêu ra rất nhiều lần tại Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015 do Bộ GTVT quản lý diễn ra vào tháng 6/2016.

Kết quả hội nghị đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy Ban kiểm tra Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội tại văn bản số 7271/BGTVT-ĐTCT ngày 27/6/2016 có nêu rõ nội dung: “Hầu hết các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu nhà đầu tư. Mặc dù quy định của pháp luật cho phép và việc chỉ định thầu cơ bản tuân thủ đúng quy định pháp luật, nhưng việc chỉ định thầu đã hạn chế tính cạnh tranh. Việc công bố danh mục kêu gọi đầu tư, đăng thông tin kết quả lựa chọn nhà đầu tư chưa chặt chẽ... dẫn đến trong dư luận nghi ngờ về tính minh bạch”.

Trả lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, không dự án nào Bộ GTVT không tổ chức đấu thầu, không mời thầu công khai trên website đấu thầu của Bộ KH-ĐT trong thời hạn một tháng theo quy định. Trong thời gian này, những nhà đầu tư quan tâm sẽ nghiên cứu thông tin, nghiên cứu hồ sơ để tham gia.

Với những dự án có 2 nhà đầu tư tham gia trở lên, Bộ GTVT sẽ tổ chức tham gia đấu thầu theo luật định.

“Tuy nhiên, trong giai đoạn đó, chúng ta triển khai rất nhiều dự án BOT. Nhiều nhà đầu tư chưa rành thủ tục hoặc vẫn đang có nhiều công việc nên không tham gia. Nhiều dự án chỉ có một  nhà đầu tư tham gia nên Bộ GTVT không thể tổ chức đấu thầu. Một số dự án chúng tôi kéo dài thời gian thông báo trên trang web đấu thầu để mong muốn có thêm nhà đầu tư nhưng không có. Luật cho phép Bộ GTVT chỉ định thầu nếu chỉ có 1 nhà thầu tham gia”, Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, việc này đã được Thanh tra Chính phủ, cơ quan chức năng nhất là Bộ KH&ĐT giám sát chặt chẽ. Luật Đấu thầu của ta hết sức chặt chẽ. Cơ quan chức năng hiện nay cũng tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện Luật. Nếu phát hiện có việc thông thầu, vi phạm Luật, căn cứ vào Luật Đấu thầu sẽ xử lý nghiêm.

Về việc một số dự án kéo dài gây lãng phí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận là có. Bởi, khi tham gia đấu thầu, nhà thầu đều mong muốn nhận được nhiều công trình dự án.

Một số nhà thầu trúng nhiều dự án, rải rác ở địa phương. Một số dự án sau khi trúng thầu, năng lực tài chính không đáp ứng được nên một số công trình chậm.

“Về ý kiến cho rằng xét duyệt dự toán, vị trí đặt trạm thu phí BT, BOT có thể dẫn đến thất thoát, tôi xin trả lời là chúng tôi đã làm hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Khi thực hiện các dự án BOT, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo viện Kinh tế của Bộ Xây dựng thẩm tra dự toán cho Bộ GTVT. Những dự án BOT khi triển khai, những quy định về vị trí, mức thu đều được giám sát chặt chẽ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Cùng ý kiến với Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) cũng chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về việc các dự án đầu tư vừa qua đều chỉ định thầu, nhà đầu tư được chỉ định thầu lại bán lại để hưởng chênh lệch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, qua báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tất cả dự án sau khi triển khai mở rộng nâng cấp QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, sau giai đoạn 2011-2012 Bộ GTVT đều tổ chức đấu thầu đúng quy định. Việc này có thể giám sát qua trang web đấu thầu của Bộ KH&ĐT.

“Dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là dự án trọng điểm, chúng ta thực hiện theo Nghị quyết 13, tại thời điểm triển khai dự án thì thời gian rất cấp bách, thời điểm đó các bộ ngành, đặc biệt là Bộ GTVT đã nghiên cứu nhiều giải pháp để xin chủ trương của Chính phủ. Bộ GTVT cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ xem xét cho chỉ định thầu để triển khai nhanh. Và Thủ tướng đã có quyết định chỉ định thầu các gói thầu liên quan đến dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Số liệu giám sát cho thấy chỉ có 1 dự án chỉ định thầu, còn các dự án sau đó đều được đấu thầu hết”, tư lệnh ngành giao thông lý giải.

Làm rõ hơn về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, quan điểm của Chính phủ về vấn đề chỉ định thầu đó là: Bộ GTVT cùng các cơ quan liên quan phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, tất cả các dự án đầu tư xây dựng bằng hình thức chỉ định thầu để xem việc chỉ định thầu có đúng không; quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án có đảm bảo chính xác không; quá trình đầu tư xây dựng, thanh, quyết toán có chính xác không; và nếu trong quá trình thanh, kiểm tra phát hiện vi phạm, sai phạm, phải xử lý nghiêm.
 

Phan Trang
617 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 600
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 600
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76754767