CHI BỘ LẬP THẠCH - DẤU ẤN 90 MÙA XUÂN 

Phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà là địa phương giàu truyền thống cách mạng, nơi đây mùa Xuân năm 1930 chi bộ Lập Thạch được thành lập –là một trong những chi bộ đầu tiên của Quảng Trị và là tiền thân của Đảng bộ phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà ngày nay. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Lập Thạch.

Ngay sau khi thành lập, chi bộ đã lãnh đạo Nhân dân củng cố và xây dựng chính quyền, thành lập các tổ chức đoàn thể của quần chúng. Việc tuyên truyền, vận động phát triển đảng viên được xúc tiến mạnh mẽ. Làng Lập Thạch được mệnh danh là “làng đỏ”, chi bộ Lập Thạch với số lượng đảng viên đông, được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng đã trở thành một chi bộ mạnh. Trong những năm tháng đầy cam go, khốc liệt này thì Đình làng Lập Thạch ghi dấu ấn lịch sử khi được chọn là nơi diễn ra các cuộc hội nghị bí mật, là địa chỉ đỏ mà kẻ thù dù mặc sức rình rập, nhòm ngó cũng không thể phát hiện.

 Trên tinh thần chỉ đạo của chi bộ, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, các cuộc biểu tình diễn ra sôi nổi, có hiệu quả hòa chung với khí thế cách mạng cả nước những năm 1930-1931, trong đó phải kể đến cuộc mít tinh ở Cồn Nổi, soi Lập Thạch với sự tham gia của 300 quần chúng thuộc 2 làng Lập Thạch và Lạng Phước. Với khẩu hiệu “Đánh đổ đế quốc phong kiến, lập chính quyền Xô viết công - nông - binh”, “Tự do cơm áo cho người nghèo”; cuộc mít tinh ở cồn Mả Chứa (Đông Lai, Cam Giang) thu hút trên 1.500 người tham dự gồm đảng viên và quần chúng cách mạng của 3 địa phương Triệu Phong, Đông Hà, Cam Lộ. Công tác tuyên truyền, vận động được chi bộ quan tâm thực hiện đã phát huy hiệu quả, đảng viên trực tiếp về các làng vận động và hướng dẫn quần chúng tham gia cuộc mít tinh, riêng làng Lập Thạch có đến trên 200 người tham gia do đồng chí Nguyễn Khắc Kháng phụ trách. Tuy vậy, để đến được đích thắng lợi cuối cùng thì sự hi sinh, mất mát là điều không thể tránh khỏi, nhân dân Lập Thạch hiểu rất rõ điều đó và không tiếc máu xương hi sinh vì độc lập, dân tộc, dưới sự đàn áp khủng bố man rợ của thực dân Pháp và Vua quan Nam Triều, từ tháng 5/1931 cả tỉnh Quảng Trị bị bắt khoảng 500 người, riêng làng Lập Thạch bị bắt 55 người, tất cả đảng viên và một số quần chúng cách mạng.

Giữa những năm 1932 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ về chất và lượng của phong trào yêu nước, các cơ sở cách mạng bắt đầu được khôi phục dần. Chi bộ Lập Thạch củng cố nhanh, tiếp tục hoạt động. Trong những năm 1936-1939, hòa chung với phong trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh diễn ra mạnh mẽ trên cả nước, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Lập Thạch các phong trào đấu tranh theo chủ trương mới “Cải cách dân chủ ở nông thôn”, hình thức công khai hợp pháp, các phòng trào đấu tranh diễn ra sôi nổi, tiêu biểu như Phong trào đón Gôda, Cuộc vận động bầu Viện dân biểu Trung Kỳ...

Từ những đốm lửa đầu tiên ấy, ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin đã bùng lên trên mảnh đất Lập Thạch, lan tỏa thành cao trào cách mạng suốt thời kỳ 1936 - 1939. Ngày 15/8/1945 dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Lập Thạch, với chủ trương giành chính quyền về tay Nhân dân, kêu gọi Nhân dân đoàn kết một lòng đứng về phía Việt Minh giành độc lập tự do. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, tất cả hương lý xin thôi việc đứng về phía Việt Minh. Làng Lập Thạch giành chính quyền trước Hà Nội 3 ngày, trước toàn tỉnh Quảng Trị 8 ngày. Ngày 22/8/1945, được lệnh của Ủy ban khởi nghĩa phủ Triệu Phong tổ chức cướp chính quyền ở Phủ và Tỉnh, Lập Thạch được giao nhiệm vụ cướp chính quyền ở Tỉnh. Từ nửa đêm, Đại đội tự vệ chiến đấu hàng ngũ chỉnh tề cầm cờ đỏ sao vàng đi đầu và hơn 100 quần chúng xếp hàng ba, vác mỏ xảy sắt…cùng với các đoàn quân kéo vào thị xã; đến sáng lệnh khởi nghĩa được phát ra các cánh quân vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu. Đoàn Lập Thạch kéo về Tòa sứ làm áp lực cho cán bộ Việt Minh và tự vệ Thị xã vào tiếp quản các cơ quan chính quyền. , góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Ngày 24/8/1945, nhân dân Lập Thạch cùng tham dự mít tinh do Ủy ban khởi nghĩa tỉnh tổ chức, chào mừng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, đồng thời tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng tỉnh, kêu gọi thanh niên gia nhập quân giải phóng, đoàn Lập Thạch có 03 đồng chí được tiếp nhận vào đoàn quân giải phóng.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Vừa xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích, vừa bám đất, bám làng để sản xuất, chiến đấu. Công tác phát triển đảng viên trẻ được chi bộ sâu sát thực hiện, chỉ trong vòng 2 năm 1949 – 1950, Lập Thạch đã có gần 100 đảng viên. Nhiều trận đánh có du kích tự vệ Lập Thạch tham gia như trận Cồn Rùng, trận tập kích đồn Lai Phước, trận phục kích bốt Lương An...được chi bộ chỉ đạo có hiệu quả; đội du kích Lập Thạch do chị Nguyễn Thị Niên xã đội phó chỉ huy làm nhiệm vụ binh vận, rải truyền đơn, phá hoại đường của địch, cài mình…đã tạo đà cho phong trào cách mạng của làng Lập Thạch phát triển mạnh mẽ, cùng với cả tỉnh lập nên những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau hiệp định Giơ ne vơ năm 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã biến mảnh đất Đông Hà - Quảng Trị thành một căn cứ phòng thủ vững chắc vào loại bậc nhất của chúng, đồng thời mục đích tiêu diệt các đảng phái của ta, tập trung xây dựng tổ chức cơ cấu ở làng xã. Kể từ tháng 7/1955 đến cuối năm 1956-1957, chúng tìm mọi cách đàn áp để xóa cái làng Cộng sản Lập Thạch. Vì vậy, từ đó cho đến năm 1962 Lập Thạch cũng như các vùng lân cận, cách mạng đã bị địch xóa trắng, Đảng hoạt động trong vòng bí mật, bất hợp pháp, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị đòi thực thi Hiệp định. Công tác rà soát, phân loại đảng viên, sắp xếp lại tổ chức được chi bộ gấp rút thực hiện. Toàn xã Triệu Lễ lúc này còn 60 đảng viên, riêng Lập Thạch có 11 đảng viên. Với địa thế là nơi có nhiều hầm bí mật nhất, Tỉnh ủy chọn Lập Thạch và Vân An là nơi đặt cơ quan lãnh đạo của tỉnh. Trước tình thế vô cùng khó khăn và nguy nan của cách mạng, nhân dân Lập Thạch vẫn một lòng theo Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của chi bộ và ủng hộ to lớn về nhân lực lẫn vật lực cho kháng chiến.

Dưới sự chỉ đạo của chi bộ, sau một thời gian dài hoạt động bí mật, các cánh quân của ta tập kích địch từ nhiều hướng, ngụy quyền thôn xã hoàn toàn bị tan rã, quê hương Lập Thạch được giải phóng ngày 18/4/1972. Sau 20 năm, khát vọng độc lập, tự do và ý chí căm thù giặc sâu sắc của nhân dân Lập Thạch như được tích tụ để biến thành trận bão lửa dội xuống đầu kẻ thù. Vào 15h00 ngày 28/4/1972 lá cờ giải phóng tung bay trên bầu trời Đông Hà, báo hiệu một trang sử mới: Đông Hà hoàn toàn giải phóng. Mỗi tên đất, tên làng ở Lập Thạch đều gắn với những chiến công chói lọi, cùng với cả tỉnh, cả nước chiến đấu, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân xã Triệu Lễ (nay là Đông Lễ) đã động viên hàng vạn người con ưu tú tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử của dân tộc, của quê hương QuảngTrị - trở thành biểu tượng của tinh thần chiến đấu ngoan cường, quả cảm và tình đoàn kết quân dân, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Đông Lễ hôm nay và mãi mãi mai sau.

90 năm là một quãng thời gian rất ngắn so với chiều dài hàng ngàn năm lịch sử dân tộc, song, đó là quãng thời gian đặc biệt, Nhân dân Lập Thạch nói riêng và Nhân dân Đông Lễ nói chung chưa bao giờ phải đối phó với nhiều kẻ thù đến thế, cũng chưa từng chứng kiến cuộc chiến đấu giữ nước dài lâu đến vậy, có những thử thách, cam go tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, song Nhân dân Lập Thạch dưới sự lãnh đạo sáng suốt của chi bộ, với ngọn lửa đấu tranh cách mạng chưa bao giờ và chưa lúc nào nguội tắt trên mảnh đất này đã lập nên những chiến công hiển hách đi vào lịch sử. Ghi nhận những thành quả đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và Nhân dân Đông Lễ vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân vào ngày 29 tháng 01 năm 1996.

Với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy nội lực, cán bộ, đảng viên và Nhân dân chi bộ khu phố Lập Thạch nói riêng và Đảng bộ phường Đông Lễ nói chung đã từng bước vươn lên, vượt qua khó khăn của những ngày đầu thành lập, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, củng cố hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh của địa phương. Ttrong giai đoạn phát triển mới, với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao, bằng bản lĩnh chính trị vững vàng và tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, thời gian tới, Đảng bộ phường Đông Lễ tiếp tục chú trọng xây dựng Đảng bộ vững mạnh trên cả ba mặt: tư tưởng, chính trị và tổ chức, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, xây dựng phường Đông Lễ phát triển toàn diện và bền vững./. Trần Hồng Lĩnh

1094 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1154
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1154
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76434356