Với chính sách thống trị tàn bạo của bọn thực dân - phong kiến, đời sống của công nhân, nông dân hết sức khổ cực. Vì vậy ngay từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, họ đã vùng lên đấu tranh chống lại kẻ thù của giai cấp và dân tộc. Thực tiễn phong trào đấu tranh của nhân dân đặc biệt là công nhân ngày càng phát triển và có sự chuyển hoá từ "tự phát" lên "tự giác", nhất là trong những năm 1927 - 1928. Nhưng do chưa tìm được con đường cách mạng đúng đắn, chưa có sự lãnh đạo của Đảng, nên các cuộc đấu tranh vẫn chưa thực hiện được mục tiêu của mình và đã bị đàn áp đẫm máu.
Đài tưởng niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại thôn An Tiêm, xã Triệu Thành, Triệu Phong
Trong bối cảnh đó, Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại thành công như một luồng gió mới thổi vào phong trào cách mạng của các dân tộc trên thế giới, mở ra con đường đấu tranh cách mạng mới... Đúng lúc đó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, một nhà yêu nước vĩ đại, một lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta, sau bao năm ra nước ngoài tìm đường cứu nước, đã đến với Cách mạng Tháng Mười Nga, ở đó Người đã tìm thấy chân lý cách mạng và con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ chủ nghĩa yêu nước, người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đi theo con đường cách mạng vô sản. Người đã rời nước Nga Xô Viết, về phương Đông hoạt động, trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Đầu năm 1925, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thành lập tổ chức yêu nước, lấy tên là Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, tại Quảng Châu Trung Quốc, bao gồm những thanh niên Việt Nam yêu nước đang hoạt động ở Trung Quốc. Sự ra đời của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng trong nước, thu hút những tri thức cách mạng và thanh niên yêu nước lần lượt sang Quảng Châu gia nhập Hội. Trong tổ chức này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã cử các đồng chí cộng sản làm hạt nhân, đào tạo đội ngũ cán bộ đưa về nước hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin mặc dù thực dân Pháp có cố tình bưng bít, xuyên tạc nhưng ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn bằng mọi cách chiếu rọi vào Việt Nam. Từ đây phong trào cách mạng Việt Nam có những bước phát triển mới.
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã chiếu rọi đến mảnh đất Quảng Trị. Lớp lớp người con ưu tú của quê hương hăng tham gia Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt cách mạng Đảng. Tháng 10-1926, Chi bộ Thanh niên Quảng Trị được thành lập và đến giữa năm 1927, tổ chức Thanh niên Quảng Trị đã phát triển được 4 chi bộ, trong đó có hai chi bộ thanh niên ở Quảng Trị. Trong tổng số 17 hội viên thì có đến 3 hội viên là đồng chí Đoàn Lân, Trần Ngung và Lê Ngọc Uynh là người con tiêu biểu của Triệu Thành.
Cuối năm 1927, Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Trị được thành lập đã cử cán bộ ra nước ngoài dự các lớp huấn luyện chính trị, rồi trở về mở các lớp huấn luyện trong tỉnh. Nhờ đó, trình độ chính trị và năng lực của hội viên ngày càng được nâng cao. Các Hội viên tích cực hoạt động, tìm cách giác ngộ quần chúng, phát triển tổ chức vào thanh niên tiên tiến, trí thức ở các vùng trong tỉnh.
Cùng vào khoảng thời gian này, cuối năm 1927, Chi hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đồng chí Hội ở An Tiêm được thành lập gồm ba đồng chí: Đoàn Lân, Trần Ngung và Lê Ngọc Uynh. Tiếp thu chủ trương của Tỉnh hội, Chi hội thanh niên An Tiêm tích cực mở rộng, xây dựng, phát triển hội viên, truyền bá chữ quốc ngữ, vận động bài trừ các hủ tục; đồng thời, hình thành một số Hội biến tướng như hội lợp nhà, hội đưa đám, hội hiếu hỷ, hội làm kinh tế. Đến cuối năm 1928, Chi hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đồng chí Hội ở An Tiêm đã kết nạp thêm 8 hội viên mới là: đồng chí Đoàn Bá Thừa, Lê Dỏ, Nguyễn Phú, Trần Phò, Nguyễn Hoành, Lê Mậu Quý, Nguyễn Vấn và Lê Thị Tuyết.
Vào đầu những năm 1929, trước sức mạnh của phong trào cách mạng, nhận thấy tôn chỉ và khẩu hiệu của Thanh niên không còn phù hợp với tình hình, những người tiên tiến trong Việt Nam cách mạng Thanh niên ở trong và ngoài nước lần lượt giải thể Việt Nam cách mạng Thanh niên và tổ chức ra các chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Tân Việt Cách mạng Đảng.
Để xúc tiến việc xây dựng tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng, ngày 15-5-1929, đồng chí Trần Văn Cung đến Quảng Trị gặp đồng chí Nguyễn Đình Cương bàn việc giải tán Thanh niên, thành lập nhóm cộng sản ở địa phương. Ngày 16-5-1929, tổ chức cộng sản đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị được thành lập gồm 7 đồng chí, trong đó có 2 người con của quê hương Triệu Thành là đồng chí Đoàn Lân, Trần Ngung. Nhóm cộng sản đã đề ra phương thức hoạt động đúng đắn, coi trọng công tác xã hội như mở lớp dạy chữ, vận động xoá bỏ hủ tục, tiêu dùng hàng nội, giúp đỡ dân nghèo.
Để truyên truyền cách mạng, phát triển, lôi kéo, gây ảnh hưởng với các tổ chức quần chúng, nhóm cộng sản thông qua đồng chí Đoàn Bá Thừa vận động bà Đoàn Thị Ái ở An Tiêm nuôi dưỡng đồng chí Trần Hữu Dực mở lớp dạy trẻ, làm nơi liên lạc, in ấn tài liệu và là cơ sở hoạt động của nhóm.
Ngày 16-9-1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc-Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ đưa truyền đơn và tài liệu của Đông Dương cộng sản Đảng vào gặp và giao cho nhóm cộng sản ở Quảng Trị in ân thêm và tán phát rộng rãi trong tỉnh và khu vực Trung trung kỳ.
Trong bối cảnh có nhiều đảng phái muốn tranh giành, lôi kéo quần chúng, gây ảnh hưởng chính trị, nhóm cộng sản đầu tiên của tỉnh tìm mọi biện pháp rải hết số truyền đơn và thư của Đông Dương cộng sản đảng trong thời gian nhanh nhất.
Vụ rải truyền đơn cộng sản vào tối 17-6-1929 làm chấn động dư luận, gây tiếng vang trong tỉnh. Để đối phó, bọn quan lại của Chính phủ Nam triều tung mật thám về mọi nơi theo dõi nghiêm ngặt nhằm lùng bắt đảng viên và Hội viên thanh niên. Số người bị bắt ngày càng nhiều, chỉ tính trong tháng 7 và 8-1929, toàn tỉnh Quảng Trị có 60 người bị bắt, trong đó có 39 Hội viện Việt Nam cách mạng Thanh niên cùng với nhiều đảng viên Tân Việt, Hội viên Hội Hương nghiệp xã hội. Ở Triệu Thành mặc dù đã được bà con bảo vệ, nuôi dưỡng, nhưng đồng chí Đoàn Lân, Trần Ngung, Lê Ngọc Uynh vẫn bị địch bắt.
Những ngày bị giam cầm tại nhà lao Quảng Trị, các đồng chí trong nhóm cộng sản đầu tiên mà nổi bật là đồng chí Trần Hữu Dực, Đoàn Lân, Trần Ngung ... tìm cách liên lạc giúp đỡ anh chị em bên ngoài, vừa tổ chức tìm cách đối phó với địch, chăm sóc người ốm đau, đấu tranh chống lại chế độ hà khắc trong tù và tìm nguồn để xuất bản tờ báo Tiến Lên.
Nhận định những khó khăn ở quê nhà sau khi bị địch khủng bố, đồng chí Đoàn Lân người con ưu tú của quê hương Triệu Thành đã liên lạc với bên ngoài trước khi bị đày lên Lao Bảo đã vạch ra phương hướng khôi phục phong trào cho đồng chí Đoàn Bá Thừa và một số hội viên Thanh niên: “Cứ tiếp tục hoạt động theo mục tiêu, phương hướng của Đông Dương Cộng sản Đảng, muốn tìm “Đỏ” thì ra Bắc Kỳ, vùng Nghệ An, Hà Tĩnh”.
Báo Tiến Lên, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đoàn Lân được nhiều hội viên Thanh niên tìm đọc và làm theo. Nhiều đồng chí tìm cách tuyên truyền, vận động, giải thích để quần chúng giữ vững tinh thần cách mạng, bảo vệ các quyền lợi đã giành được. Một số đồng chí khác thoát khỏi sự truy lùng của giặc, tìm cách chuyển vùng hoạt động, tiếp tục gây dựng, bắt mối để xây dựng cơ sở Đảng ở Quảng Trị.
Trước sự lùng sục, bắt bớ, vây ráp, đàn áp của kẻ thù việc xây dựng đảng ở Quảng Trị bị chững lại mất 4-5 tháng. Mãi đến tháng 11-1929, trong dịp kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga, qua thư chỉ đạo của đồng chí Đoàn Lân, tại đình làng An Tiêm, chi bộ An Tiêm được thành lập gồm 4 đồng chí: Đoàn Bá Thừa, Nguyễn Kháng, Nguyễn Bệc, Lê Thị Trúc1. Đồng chí Đoàn Thừa được bầu làm Bí thư.
Sự ra đời của chi bộ An Tiêm - chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng cho phong trào cách mạng ở Quảng Trị tiến lên một bước mới, hòa nhịp và có ý nghĩa lớn đối với phong trào cách mạng cả nước. Sau khi thành lập, chi bộ đảng cộng sản đầu tiên đã đề ra chương trình và tổ chức hoạt động, tích cực tuyên truyền giác ngộ gây cơ sở, tổ chức đoàn thể cách mạng, làm nền móng vững chắc để Xứ ủy quyết định thành lập thêm 2 chi bộ là: Chi bộ Tường Vân (Triệu Phong) do đồng chí Lê Thị Quế làm Bí thư và Chi bộ Tân Tường (Cam Lộ) do đồng chí Lê Thế Tiết làm Bí thư vào đầu năm 1930 ở tỉnh Quảng Trị.
Sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên-chi bộ An Tiêm, sau đó là chi bộ Tường Vân, Tân Tường ra đời là sản phẩm tất yếu của quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Trị chống lại sự thống trị của thực dân Phong kiến; của quá trình truyền bá chủ nghĩa Máclênin và vận động cách mạng của Đảng viên và quần chúng yêu nước. Điều này đã tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Quảng Trị vào ngày 21-4-1930.
Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị-Chi bộ An Tiêm được thành lập ở một địa điểm không quá xa trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị là một điều bất ngờ đối với địch; tuy vậy, cũng nhờ thành lập tại địa điểm này mà Đảng đã quy tụ, tập hợp thêm những người yêu nước, những người có xu hướng tiến bộ, những con em của quê hương đi theo tiếng gọi của Đảng và đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của quê hương, đất nước như đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trần Hữu Dực, Hoàng Thị Ái, Đặng Thí, Đoàn Thị, Đặng Soa, Bùi Lan, Vĩnh Mai....
Tự hào về truyền thống của quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Triệu Thành trong 90 năm qua luôn chú trọng và đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; đặc biệt công tác chăm sóc, bảo vệ, tôn tạo địa điểm nơi thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được chú trọng và đã trở thành địa chỉ “đỏ” thu hút tầng lớp nhân dân đến tham quan, học tập và nâng cao trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước. Nguyễn Thị Thu Hà
1 Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, Tập I, Trang 67