Đây là thông tin được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm-Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức, diễn ra sáng nay (8/8)
Xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khối FDI
Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc, chạm ngưỡng 215 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Trong 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm ở mức trên 10%.
Tuy nhiên, phân tích rõ hơn, dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng cao nhưng đóng góp chủ yếu vẫn từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong khi sự tham gia của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước còn mờ nhạt và hạn chế.
Có 6 nguyên nhân chính dẫn đến việc này được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu ra, gồm: Thiếu vắng các DN quy mô vừa, có tính hiệu quả kinh tế theo quy mô để tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu; Vai trò của các khu/cụm công nghệp trong kết nối kinh doanh còn hạn chế; Quá trình sản xuất của các DN Việt Nam ít gắn kết vào chuỗi giá trị, trên thực tế hợp tác kinh doanh của Việt Nam với DN FDI chủ yếu ở khâu tiếp thị bán hàng (29,5%) và sản xuất hàng hoá/dịch vụ (24,8%) còn khâu phát triển sản phẩm mới gần như không có sự hợp tác.
Bên cạnh đó, mối liên kết ngược/xuôi giữa 2 khối DN nội và FDI đang rất hạn chế, không tạo được hiệu ứng lan toả. Tỷ lệ sản phẩm được FDI mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước chỉ 26,6% tổng giá trị đầu vào của DN FDI, trong đó phần còn lại là mua của DN FDI khác.
Bà Phạm Chi Lan nhận định, chúng ta đang thiếu các chính sách khuyến khích và hạ tầng hỗ trợ liên kết cũng như việc đô thị hoá chưa đạt hiệu quả, chưa giúp phát triển các trung tâm kết nối kinh tế và sáng tạo dẫn đến sự “xa cách” giữa 2 khối DN này.
Một vấn đề nữa được bà Phạm Chi Lan đưa ra đó là việc Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ: Hoặc tiếp tục xuất khẩu tập trung vào gia công, lắp ráp giá trị gia tăng thấp; Hoặc đa dạng hoá và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để tham gia vào công đoạn đem lại giá trị gia tăng hơn.
“Đứng trước ngã rẽ này, Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi chỉ có 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất. Trong đó chỉ có 2% là DN lớn, 2-5% là DN vừa, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề chính của DN là thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính, thiếu tính lan toả từ các đối tác nước ngoài đến các DN trong nước và rất ít DN kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu”, bà Phạm Chi Lan cho hay.
Tăng sự liên kết trong nước và nước ngoài
Từ nhận định trên, theo bà Phạm Chi Lan, muốn nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm để tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Việt Nam phải có gói cải cách toàn diện theo chiều ngang và dọc ở các ngành cụ thể, triển khai theo một lộ trình toàn diện xuyên suốt nhiều khía cạnh.
Đặc biệt, cần tăng liên kết trong nước với nước ngoài, giữa DN xuất khẩu với các DN cung cấp đầu vào trong nước bởi khả năng kết nối của quốc gia với thị trường toàn cầu về hàng hoá, dịch vụ, vốn và lao động là yếu tố chính để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Song song với đó, DN cần nâng cao mức độ tinh thông trong hoạt động như kỹ năng, năng lực và thực tiễn quản lý bên trong giúp DN đạt được năng suất và trình độ đổi mới sáng tạo cao nhất có thể.
“Vinamilk đầu tư 10 trang trại, nuôi 25.000 con bò, tiêu chuẩn Global GAP đã xuất khẩu sản phẩm đi Mỹ, Nhật; Công ty Unifarm trồng dưa lưới, chuối, công nghệ phù hợp, giá thành phù hợp, sản phẩm đạt chất lượng quốc tế đang xuất khẩu đi Nhật, Hàn Quốc cung không đủ cầu. Đây là môt số ví dụ về những DN thành công nhờ đạt tiêu chuẩn cao, đạt mức độ tinh thông trong hoạt động”, bà Phạm Chi Lan dẫn chứng.
Bên cạnh đó, các DN lớn cần cải thiện hệ thống quản trị, gắn kết, bổ trợ nội bộ và liên kết với các doanh nghiệp khác. Có chiến lược tốt tránh mang tính ngắn hạn và thời cơ. Giảm khoảng cách về hiệu quả hoạt động và năng suất giữa khu vực DN nhà nước, DN tư nhân trong nước và DN nước ngoài...
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để hướng tới xuất khẩu bền vững, trong thời gian tới cần xây dựng các chuỗi sản phẩm nhằm góp phần gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu. Để làm được điều này, mấu chốt quan trọng là phải nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu.
Cụ thể, với nhóm công nghiệp chế biến, không thể xuất khẩu bền vững nếu công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Vì vậy, cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện, dệt may, da giày… nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa. Bên cạnh khung khổ pháp lý do nhà nước ban hành, các giải pháp này chỉ có hiệu quả nếu doanh nghiệp vào cuộc.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu; giá trị gia tăng của các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay.
Giải pháp chủ yếu, xuyên suốt đề án là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu. Đơn cử, đối với nông sản, chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ; đối với sản phẩm công nghiệp, chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa.
Phan Trang