Chỉ 100/ 4000 cơ sở đạt GMP, có lo thiếu thực phẩm chức năng? 

(Chinhphu.vn) – Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, sau gần 2 tháng triển khai áp dụng GMP trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, đến thời điểm này, cả nước có gần 100 cơ sở đạt GMP.

 

Hiện có gần 100 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đạt GMP tương ứng với hàng nghìn sản phẩm lưu hành trên thị trường. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Làm sao có đủ thực phẩm chức năng an toàn?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, với gần 100 cơ sở có chứng nhận GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay tương đương với hàng nghìn sản phẩm được đưa ra thị trường. (GMP - Good Manufacturing Practices là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất).

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, theo quy định, từ 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có giấy chứng nhận GMP thì mới được sản xuất. Cục đã có văn bản đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra của các địa phương tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, nếu doanh nghiệp chưa có chứng nhận GMP mà vẫn sản xuất thì phải xử lý nghiêm theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với các doanh nghiệp, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, các sản phẩm được sản xuất từ trước ngày 1/7/2019 vẫn được lưu hành, còn các sản phẩm sản xuất sau ngày 1/7/2019 phải có chứng nhận GMP mới được lưu hành.

“Sau hai tháng triển khai quy định áp dụng GMP đối với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, tại Cục An toàn thực phẩm đã giảm tới 50-60% việc cấp phép lưu hành sản phẩm và đăng ký bản công bố sản phẩm so với trước đây, nếu không có chứng nhận GMP thì Cục không tiếp nhận bản công bố sản phẩm”, ông Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.

Hiện tại, mỗi ngày, Cục tiếp nhận khoảng 10-15 sản phẩm đăng ký bản công bố sản phẩm, có ngày không tiếp nhận sản phẩm nào. Điều này đang chứng minh các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn sẽ bị “đánh bại” trên thị trường.

Trước đó, khi chưa áp dụng quy định đạt GMP, nước ta có khoảng trên 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, đến nay, có gần 100 cơ sở đạt GMP mới được lưu hành sản phẩm trên thị trường.

“Việc này hoàn toàn không lo thiếu thực phẩm chức năng, mà chỉ lo làm sao có đủ thực phẩm chức năng tốt, an toàn. Vì sau khi được cấp chứng nhận GMP, công suất sản xuất của các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều. Do trước đó, họ chưa sản xuất hết công suất vì chịu sự cạnh tranh không bình đẳng từ các cơ sở nhỏ lẻ, không đạt tiêu chí GMP”, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

 

Xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực hiện tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Phối hợp với Facebook để siết chặt quảng cáo sai

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, các thông tin quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, cụ thể là Facebook hiện nay rất khó kiểm soát. Có nhiều doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật, lấy danh bác sĩ hoặc cơ sở y tế uy tín… để “lừa dối” người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khi bị phát hiện và được mời lên cơ quan quản lý làm việc thì họ không nhận trách nhiệm có quảng cáo trên trên các fanpage đó mà cho rằng, có thể do cá nhân hoặc đại lý đứng ra quảng cáo, mà đại lý thì không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.

Chính vì vậy, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Facebook dừng quảng cáo các sản phẩm quảng cáo sai quy định, đồng thời cảnh báo tới người tiêu dùng, trong lúc chờ các cơ quan chức năng quản lý thì không mua, không sử dụng các sản phẩm này, vì đó là những quảng cáo sai sự thật.

“Sản phẩm nào quảng cáo chữa khỏi hẳn bệnh là hoàn toàn sai vì thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ người bệnh, thậm chí có quảng cáo đưa hình ảnh giấy công bố sản phẩm của Cục An toàn thực phẩm ký xác nhận nhưng Cục hoàn toàn chưa nhận và cũng chưa ký xác nhận công bố sản phẩm đó bao giờ…”, ông Phong cho biết.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã có buổi làm việc trực tiếp với đại diện của Facebook, đề nghị Facebook có đường liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế để có thể phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong quản lý các sản phẩm liên quan đến sức khỏe người dùng quảng cáo trên Facebook.

“Bộ Y tế rất quyết liệt nhưng chúng tôi cần sự phối hợp của các Bộ, ngành, cần sự hợp tác của Facebook trong quản lý lĩnh vực này”, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nói.

Thúy Hà

287 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 3551
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 3552
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76362654