|
Báo cáo PCI 2018 ghi nhận những tín hiệu rất tích cực từ Hà Nội. |
Duy trì liên tục từ năm 2005 đến nay, Điều tra PCI 2018 tiếp tục ghi dấu ấn với sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp dân doanh trong nước. Cụ thể, cuộc điều tra năm vừa qua nhận được phản hồi từ 10.681 doanh nghiệp đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố.
Trong đó bao gồm 8.681 doanh nghiệp trả lời điều tra toàn bộ về các vấn đề về môi trường kinh doanh và 2.000 doanh nghiệp mới thành lập trong hai năm 2017 và 2018 tham gia đánh giá riêng về các thủ tục gia nhập thị trường. Đây là năm thứ tư liên tiếp điều tra PCI nhận được trên 10.000 phản hồi từ các doanh nghiệp dân doanh và là năm nhận được số lượng phản hồi lớn nhất kể từ khi Điều tra PCI bắt đầu được tiến hành tại Việt Nam vào năm 2005.
Con số phản hồi cao này cho thấy PCI tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp dân doanh trong nước ghi nhận như một kênh hiệu quả truyền tải tiếng nói của mình về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại các địa phương của Việt Nam.
Nhất quán từ những năm đầu thực hiện, Chỉ số PCI 2018 được xây dựng nhằm đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi của chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Nhìn vào hành trình của PCI trong những năm qua, có thể thấy PCI đã trở thành “ngọn hải đăng”, chất xúc tác và là thước đo cho những nỗ lực cải cách ở các địa phương. Nhiều Nghị quyết của Chính phủ đã giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra và công bố chỉ số PCI. Đồng thời trên thực tế, nững bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh cũng là những bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì được thứ hạng cao hoặc có bước cải thiện mạnh về thứ hạng Chỉ số PCI.
Báo cáo PCI 2018 cho thấy một bức tranh có nhiều khởi sắc khi PCI 2018 đã có những cải thiện đáng kể so với những năm trước đây. Tỉnh trung vị đã đạt điểm số PCI 61,76 điểm, cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, kể từ khi bắt đầu tiến hành PCI.
Điểm trung vị tăng lên và xu hướng hội tụ điểm số PCI giữa các các tỉnh, thành phố đi sau với các tỉnh, thành phố dẫn đầu đã cho thấy sức lan toả và bao trùm hơn trong nỗ lực cải cách và nâng cao năng lực điều hành kinh tế ở các địa phương. “Dàn nhạc cải cách ở các địa phương đã đồng thanh, đồng điệu hơn”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định.
Năm nay, Quảng Ninh vẫn giữ vững được vị trí dẫn đầu năm thứ hai liên tiếp. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao ba tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp, Long An, Bến Tre đã tiếp tục có được sự tiến bộ vượt bậc. Các doanh nghiệp cũng ghi nhận nỗ lực cải cách của các tỉnh, thành phố khác trên cả nước như Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.... và nhiều tỉnh, thành phố khác.
|
Một số xu hướng tích cực ghi nhận từ báo cáo PCI 2018. |
Đặc biệt, đã có những tín hiệu rất tích cực từ Hà Nội, lần đầu tiên Thủ đô - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và sự thông thoáng của môi trường kinh doanh. Đây là thứ hạng cao nhất mà Hà Nội có được từ trước đến nay, đã đưa Hà Nội vượt khỏi nỗi ám ảnh “Hà Nội không vội được đâu” để tiến lên phía trước, là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế của cả nước và hướng tới một tầm nhìn trở thành một Thành phố có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong ASEAN trong thời gian tới.
Hành trình của PCI cũng ghi nhận rất nhiều những sáng kiến cải cách hay, những mô hình mới hiệu quả, như trung tâm hành chính công với phương châm bốn tại chỗ: nhận hồ sơ, thẩm định, giải quyết và trả hồ sơ; cơ quan xúc tiến đầu tư độc lập với phương châm theo sát bước chân của nhà đầu tư…
Cùng với đó là những mô hình như cafe doanh nhân và những cuộc đối thoại thân tình giữa doanh nhân và chính quyền; ngày thứ 2 đầu tuần dành cho doanh nghiệp; chương trình đồng khởi trong khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, chỉ số PCI mấy năm qua cũng đã cho thấy sự chững lại của các ngôi sao cải cách và sự gian nan của những nỗ lực bứt phá, đột phá của nhóm dẫn đầu. Điểm số PCI của các nhà vô địch vẫn chỉ mới qua ngưỡng 70/100 điểm kỳ vọng.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, điều này cho thấy, một mặt, dư địa cải cách vẫn còn nhiều, mặt khác cũng cho thấy những khâu, những việc cải cách dễ dàng các tỉnh, thành phố đều đã triển khai và bây giờ chúng ta đụng đến những khâu, những việc khó khăn hơn, thậm chí là cốt lõi cần phải được tháo gỡ.
Đáng chú ý, Đà Nẵng đã tụt hạng khi rơi xuống vị trí thứ 5 với 67,65 điểm. Trong khi đó vào năm 2017, chỉ số PCI của Đà Nẵng là 70,11, xếp vị trí thứ 2 trên cả nước.
Kết quả điều tra PCI nêu rõ, đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại Đà Nẵng sụt giảm rõ rệt. Các doanh nghiệp cũng phản ánh về khoảng cách giữa chỉ đạo điều hành của chính quyền TP với các sở, ngành, huyện thị có sự gia tăng.
Trong các năm từ 2013-2016, Đà Nẵng liên tiếp giữ vững ngôi đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, địa phương này đã đánh mất lợi thế khi để Quảng Ninh "soán ngôi" vào năm 2017, và đến nay nay tiếp tục tụt hạng sâu.
Kết quả khảo sát PCI 2018 cho thấy, một nhu cầu cấp thiết đặt ra là đẩy mạnh xã hội hoá, đẩy mạnh phân cấp, thực hiện định hướng các bộ ngành tập trung làm thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế để tiếp tục mở đường cho những nỗ lực cải cách ở cấp địa phương và cơ sở.
Đúng như PGS TS Trần Đình Thiên nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, đã nhận xét về PCI: “ Ở Việt Nam, trong quá trình đổi mới kinh tế, cho đến nay, hiếm thấy công trình nào thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và trực tiếp đến như vậy”.
Theo đánh giá PCI, một tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch với thông tin từ các cơ quan nhà nước được công khai, dễ tiếp cận đối với các doanh nghiệp; 4) Việc thực hiện các quy định pháp luật, thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi, cùng với gánh nặng thanh tra, kiểm tra giảm thiểu; 5) Chi phí không chính thức thấp; 6) Môi trường kinh doanh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh, thành phố năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp và công tác chỉ đạo điều hành có hiệu quả, hiệu lực thực thi cao; 9) Chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh, trật tự cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. |
Thanh Hằng