|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực |
Đó là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực khi trao đổi với báo chí về những nội dung chất vấn trước thềm phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
PV: Qua báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, điểm nổi bật nhất là gì thưa ông?
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực: Báo cáo tổng họp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến trước kỳ họp kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tập trung vào 6 nhóm nội dung, trong đó cử tri quan tâm đến việc làm sao giải quyết được vấn đề việc làm, về thu nhập và đời sống của người dân sau đại dịch COVID-19, với mong muốn Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế để người dân có việc làm, ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội phục hồi sau đại dịch.
Cùng với đó là sự quan tâm về việc thúc đẩy các gói hỗ trợ theo nghị quyết đột xuất của Quốc hội đã thông qua để đẩy nhanh đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; các gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người yếu thế, công nhân; hay 6.000 tỷ hỗ trợ nhà ở cho người đi thuê, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết bảo hiểm xã hội, vấn đề thông tin an toàn để phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Một nội dung khác cũng được cử tri quan tâm là việc đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thao túng thị trường, xử lý kiên quyết, kịp thời những hành vi này. Trong đó, cử tri mong muốn thấy rõ được nguyên nhân để phòng ngừa các hành vi tương tự có thể xảy ra trong thời gian tiếp theo.
Qua những vụ việc trên thực tế xuất hiện hành vi thao túng thị trường về đất đai, chứng khoán, thao túng thông tin,… đa số cử tri, nhân dân đều đặt ra câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến những sai phạm này. Chẳng hạn như có hành vi sai trái, làm ngơ hoặc tiếp tay của người có trách nhiệm, có thẩm quyền? Hay trong cơ chế chính sách hiện hành vẫn còn tồn tại những khe hở bị lợi dụng cần phải sửa đổi, bổ sung? Hay những nội dung liên quan đến đấu giá, sàn chứng khoán, quy định liên quan đến việc minh bạch của doanh nghiệp như thế nào khi lên sàn cũng cần được làm rõ; hoặc việc giám sát trong khâu tổ chức thực hiện, để quá trình thực hiện việc lên sàn, đấu giá diễn ra đúng pháp luật, công khai, minh bạch, giữ niềm tin của nhà đầu tư. Tựu chung lại, nguyên nhân cần được chỉ rõ để đề ra biện pháp, giải pháp đúng trong thời gian tới xử lý nghiêm vi phạm và ngăn ngừa hành vi tương tự có thể xảy ra.
PV: Khi Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đọc báo cáo này trước Quốc hội cũng đã đề cập đến báo chí, truyền thông là một kênh truyền tải ý kiến cử tri, giám sát hoạt động của các lĩnh vực, cơ quan nhà nước. Quan điểm của ông như thế nào?
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực: Báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói và đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Đây là kênh thông tin quan trọng giúp phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời phối hợp thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Qua kênh thông tin phản ánh của báo chí đã phản ánh trung thực, kịp thời và có tính xây dựng, có tác động rất tốt đối với các cấp lãnh đạo trong việc tiếp thu thông tin kịp thời, chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, động viên, cổ vũ nhân dân thực hiện những việc ích nước, lợi dân.
Hoạt động tổng hợp, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong thời gian qua. Báo chí, truyền thông là kênh thông tin rất quan trọng trong hoạt động của MTTQ; Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có những chương trình phối hợp cụ thể, đã có chương trình phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, đồng thời có nhiều giải báo chí về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, về phòng chống tham nhũng, tiêu cực,… Sự phối hợp với các cơ quan báo chí và các đoàn thể chính trị - xã hội cần thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm để có được các hình thức phối hợp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
PV: Từ ngày 7-9/6, Quốc hội chất vấn một số trưởng ngành, ông kỳ vọng các đại biểu truyền tải ý kiến cử tri như thế nào? Kỳ vọng các trưởng ngành trả lời như thế nào?
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực: Liên quan đến phiên chất vấn tại kỳ họp lần này, tôi tin tưởng các đại biểu Quốc hội tham dự đến từ các vùng miền khác nhau, trong đó đại biểu Quốc hội chuyên trách là những người có trình độ chuyên sâu sẽ tham gia chất vấn thẳng thắn, đi sâu vào những vấn đề mà cử tri, nhân dân đang quan tâm hiện nay, với phương châm “Hỏi ngắn và đi thẳng vào trách nhiệm”.
Hiện nay, nông nghiệp đang là một trong những vấn đề nóng được cử tri quan tâm. Trong thời gian qua, nông nghiệp nước ta đã đạt được rất nhiều thành công, tiêu biểu như sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu khá, chương trình nông thôn mới khá, nông nghiệp phát triển, trở thành “bà đỡ” ổn định xã hội trong đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Làm sao để diện phát triển nông nghiệp của nước ta mang tính hàng hóa và người dân thực sự là chủ thể? Làm thế nào để 10 triệu hộ nông dân được hưởng thành quả này và thực sự biết làm hàng hóa và bán hàng điện tử? Hoặc những nội dung liên quan đến thu hút nguồn lực trong xã hội để đầu tư vào phát triển nông nghiệp, trong khi giá cả nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, vật tư, phân bón đang tăng? Giải pháp gì để ổn định về vĩ mô, giúp cho nông dân phát triển theo thương hiệu, ổn định đa dạng thị trường? Những nội dung chất vấn sẽ cần đi sâu vào nguyên nhân dẫn đến sai phạm vừa qua và trách nhiệm của các ngành đến đâu trong hành vi tham nhũng, thao túng, để làm sao có chính sách và biện pháp tổ chức thực hiện tốt hơn phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Tôi cho rằng, hiện nay vấn đề đất đai, thị trường bất động sản đang rất nóng và được người dân quan tâm. Theo đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ phải có giải pháp rõ; nguồn lợi sinh ra từ đất đai, bất động sản phải được điều tiết, hài hòa lợi ích, để người dân, doanh nghiệp, Nhà nước đều có lợi.
Mặt khác, dòng vốn của ngân hàng phải đưa vào sản xuất kinh doanh, nếu chỉ đưa vào bất động sản hoặc các kênh khác mang tính đầu cơ thì sẽ không tạo ra sản phẩm cho xã hội. Vì vậy việc kiểm soát nguồn vốn đầu tư vào bất động sản là rất quan trọng, muốn lành mạnh hóa thị trường thì làm sao đất đai cung ra thị trường phải bảo đảm nhưng khả năng tiếp cận của người có nhu cầu thật về đất đai phải rõ để tránh đầu cơ, tạo ra thị trường không lành mạnh. Cần có thêm các chính sách liên quan đến nguồn thu từ đất đai và bất động sản, chính sách thuế để điều tiết.
Tôi cho rằng, chất vấn phải làm rõ trách nhiệm của các bộ, các ngành, giải pháp đưa ra giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, các bộ trưởng trả lời không được né tránh và phải đi thẳng vào trách nhiệm của mình, chỉ ra được giải pháp khắc phục những vấn đề mà cử tri quan tâm. Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, không né tránh, phiên chất vấn sẽ tìm ra được những giải pháp có tính khả thi và được nhân dân tin tưởng.
PV: Về giám sát lời hứa của trưởng ngành trước Quốc hội và cử tri, theo ông nên làm thế nào?
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực: Sau mỗi kỳ chất vấn đều có những sự đổi mới và có nghị quyết của Quốc hội rất rõ ràng về những ý kiến chất vấn và có kết luận trong từng vấn đề. Vì vậy, trong quá trình thực hiện nghị quyết này, đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải có trách nhiệm giám sát, đồng thời báo chí, truyền thông, MTTQ Việt Nam cùng các đoàn thể với chức năng giám sát của mình phải theo dõi việc thực hiện. Giải pháp nào cũng có quy định về thời hạn thực hiện, do đó việc giám sát cần có phản ánh về tiến độ thực hiện để những nội dung này không rơi vào quên lãng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!