Chất lượng lao động ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp 

Thực tế trên thế giới ngày nay, lao động là yếu tố quyết định đến sự thành công và tiến bộ của mỗi quốc gia - dân tộc, trong đó trình độ phát triển của lực lượng lao động là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ tiến bộ xã hội, công bằng và phát triển bền vững. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Việt Nam khẳng định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại”.

Như vậy, con người là một trong những yếu tố then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội. Muốn thúc đẩy kinh tế phát triển, thì cần nâng cao trình độ cho người lao động.Nhằm nâng cao chất lượng cho lực lượng lao động của đất nước, cần phải xây dựng tầm nhìn chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn, mang tầm quốc gia. 

1. Chất lượng lao động ở nước ta hiện nay

- Về trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động

Việt Nam tính đến hết năm 2023 có 52,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, tăng 666,5 nghìn người so với năm trước1. Trong đó, lao động chưa qua đào tạo chiếm trên 60%; 27,9 triệu lao động nam, chiếm 53,3%; 24,5 triệu lao động nữ, chiếm 46,7%. Lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 14,1 triệu người, chiếm 27,6%; lao động chưa qua đào tạo: 38 triệu người, chiếm 72,4% (nguồn: Tổng cục Thống kê năm 2023).

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng lao động qua đào tạo ngày càng được cải thiện và nâng cao, nhưng mức độ cải thiện và chênh lệch lao động có tay nghề là chưa đáng kể giữa các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước so với tốc độ phát triển của khu vực và thế giới. Tỷ trọng lao động có việc làm chưa bao giờ đi học chiếm 3,2% trong tổng số người có việc làm, trong đó nữ chiếm tỷ lệ cao hơn nam (59,0%). Số lao động trong nền kinh tế đã tốt nghiệp trung học cơ sở là 28,7%2. Ở các trình độ học vấn thấp3, thì nam chiếm tỷ lệ ít hơn hoặc tương đương so với nữ. Tuy nhiên, càng ở các trình độ cao4, thì nữ lại chiếm tỷ lệ thấp hơn nam.

Hiện nay, xu hướng tuyển dụng lao động trên thị trường đang có sự gia tăng ở nhóm có trình độ từ đại học trở lên. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dữ liệu đăng tuyển dụng của doanh nghiệp và người lao động tìm việc làm từ internet trong quý III/2023 cho thấy, có 18.300 lượt doanh nghiệp đăng tuyển dụng 66.887 lao động, 73.085 lao động tìm việc. Đáng chú ý, xu hướng tuyển dụng trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất, với 49,2%. Theo sau là nhóm trình độ trung cấp, cao đẳng với 31,5%; còn lại không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao ở vị trí nhân viên, chiếm gần 70%; trong khi các vị trí quản lý bậc trung và vị trí quản lý bậc cao chiếm tỷ lệ khá cách biệt, với lần lượt là 14,8% và 13,4%. Ở chiều người đi tìm việc cũng chủ yếu có trình độ đại học trở lên, chiếm 45,6%; trình độ cao đẳng, trung cấp và không có bằng cấp chứng chỉ không có sự chênh lệch lớn, trong khoảng từ 20%-30%. Nhu cầu tìm việc của người lao động cũng gần như có sự tương đồng với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, khi vị trí nhân viên cũng được phần lớn người lao động tìm kiếm, chiếm gần 50%; 25,1% tìm các công việc tạm thời và chỉ hơn 22% tìm việc ở vị trí quản lý bậc trung. Người tìm việc chủ yếu từ 20-40 tuổi5.

Nguyên nhân các doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng lao động có trình độ cao vì hiện nay, các doanh nghiệp đều đang dần thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ để phát triển, mở rộng, tăng khả năng cạnh tranh, cũng như thích ứng linh hoạt với sự khó khăn, áp lực của thị trường và kỳ vọng của khách hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ yêu cầu cao hơn về năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhân sự, từ đó gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên.

Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm, trong đó có khả năng ngoại ngữ, đang ngày càng đóng vai trò quan trọng ở hầu hết các ngành nghề, bên cạnh tiếng Anh là một số ngoại ngữ khác, như:Tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động Việt Nam đủ trình độ tiếng Anh để làm việc chỉ chiếm 5% lực lượng lao động. Tỷ lệ này là khá thấp so với các quốc gia không nói tiếng Anh trong khu vực như Indonesia (10%), Malaysia (21%), Thái Lan (27%)6.

Chính vì lẽ đó, ngoài việc cần nâng cao trình độ học vấn cho người lao động, thì việc nâng cao các kỹ năng mềm, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ cho người lao động đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho chất lượng lao động Việt Nam hiện nay.

Ở nước ta tính đến hết năm 2023 có 38 triệu người lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật (Bảng 1). Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 là 14,1 triệu người, chiếm 27,0%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022.

Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo chuyên môn kỹ thuật ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Cụ thể, đào tạo trình độ cao đẳng và dưới cao đẳng ở khu vực thành thị cao hơn gần 2 lần khu vực nông thôn; đào tạo trình độ đại học và trên đại học ở thành thị cao hơn gần 4 lần so với khu vực nông thôn. Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể khi xét theo giới tính, tỷ trọng nam có trình độ từ sơ cấp trở lên cao hơn nữ 2,2 điểm phần trăm, lần lượt là 20,3% và 18,1%.

Ở khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo từ đại học trở lên cao nhất, tương ứng là 13,5% và 11,6%. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ lệ dân số được đào tạo từ đại học trở lên thấp nhất, chiếm 5,2%7.

- Về tình hình sức khỏe người lao động

Năm 2023, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt Nam là 73,7 tuổi; trong đó, tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,1 tuổi, của nữ giới là 76,5 tuổi. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của Việt Nam hiện nay thấp hơn 3 quốc gia là: Singapore (83 tuổi), Brunei (78 tuổi), Thái Lan (76 tuổi)8.

Ở nước ta, tỷ lệ tử vong duy trì ở mức thấp, thể hiện những thành công của chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nói riêng và công tác bảo vệ sức khỏe, nâng cao mức sống cho Nhân dân nói chung trong những năm qua của Đảng và Nhà nước ta9

Dân số Việt Nam đang có những biến đổi nhân khẩu học mạnh mẽ với một số đặc trưng nổi bật, đó là: Dân số đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, xu hướng già hóa dân số vẫn đang diễn ra nhanh chóng; tốc độ đô thị hóa cao; mức sinh giảm xuống thấp nhất trong giai đoạn 2018-2023; các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nói riêng và công tác bảo vệ sức khỏe, nâng cao mức sống cho Nhân dân nói chung đạt được những thành công nhất định...

Thực tế trên cả nước hiện mới chỉ có 33 phòng khám bệnh nghề nghiệp trên 17 tỉnh/thành phố, trong khi tỷ lệ các bệnh nghề nghiệp đang ngày càng tăng. Theo thống kê, trong năm 2018 có 9.500 cơ sở lao động được thanh, kiểm tra trên toàn quốc, trong đó trên 50% là các cơ sở có yếu tố hại, nguy hiểm có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp10.

Theo kết quả quan trắc, các yếu tố có hại như: Vi khí hậu, bụi, ồn, ánh sáng, hơi khí độc... đều vượt tỷ lệ tiêu chuẩn cho phép, trong khi đó 72,63% người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại, nguy hiểm. Các bệnh thường gặp ở người lao động là viêm xoang, dạ dày, bệnh mắt, bệnh phụ khoa, hen phế quản, tim mạch... Trong khi đó, nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về phòng, chống các bệnh nghề nghiệp còn hạn chế. Theo thống kê của Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, trong tổng số hơn 2 triệu người lao động được khám sức khoẻ định kỳ, số người lao động đạt sức khoẻ loại I và II chiếm 70%, tỷ lệ sức khoẻ loại III đạt gần 22%, còn là sức khoẻ loại yếu. Thông qua khám bệnh nghề nghiệp, cơ quan chức năng liên quan đã tiến hành giám định được 931 trường hợp, trong đó có 113 trường hợp bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp 1 lần và 768 trường hợp được hưởng trợ cấp thường xuyên11.

2. Kiến nghị một số giải pháp

Hiện nay, Việt Nam bình quân mỗi năm tăng khoảng một triệu dân. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, chất lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhất là trong bối cảnh hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo áp lực lớn đối với cơ cấu lao động, chất lượng lao động và giải quyết việc làm cho người lao động. Nhằm nâng cao chất lượng lao động Việt Nam, trên cơ sở chất lượng lao động, kiến nghị đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường,tích cực chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe cho người lao động

- Tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, nhất là vai trò của người sử dụng lao động và chính người lao động. Xây dựng và thực hiện các công cụ chính sách về sức khỏe người lao động.

Bên cạnh đó, xây dựng khung chính sách quốc gia về sức khỏe người lao động có xem xét tới các công ước lao động quốc tế và bao gồm: Ban hành pháp luật; thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành trong các hoạt động; huy động nguồn lực để bảo vệ và nâng cao sức khỏe người lao động…

Cách tiếp cận quốc gia nhằm phòng, chống thương tích và bệnh nghề nghiệp cần được phát triển theo các ưu tiên của các quốc gia và trong sự phối hợp với các chiến dịch toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, phối hợp với ngành Y tế triển khai các chương trình sức khỏe tại địa phương, tuyên truyền vận động làm cho mỗi người dân/ người lao động hiểu và tự giác tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại gia đình và cộng đồng.

- Bảo vệ và nâng cao sức khỏe nơi làm việc.Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các ngành công nghiệp phát triển mạnh, ô nhiễm môi trường gia tăng cùng với các bệnh nghề nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất, yêu cầu về nâng cao năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe người lao động là hết sức cần thiết. Nhà nước cần cải thiện việc đánh giá và quản lý các yếu tố nguy cơ sức khỏe tại nơi làm việc bằng cách: Xác định các biện pháp can thiệp cần thiết cho công tác phòng, chống và kiểm soát các nguy cơ cơ học, vật lý, hóa học, sinh học và tâm lý xã hội trong môi trường làm việc.

Cần ban hành những quy định về bảo vệ sức khỏe tại nơi làm việc và áp dụng một bộ tiêu chuẩn vệ sinh lao động cơ bản để đảm bảo tất cả nơi làm việc phù hợp với yêu cầu tối thiểu của sức khỏe và bảo vệ an toàn, đảm bảo mức độ phù hợp cho thực thi, tăng cường kiểm tra sức khỏe tại nơi làm việc và xây dựng sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý có thẩm quyền theo hoàn cảnh cụ thể của quốc gia.

Cần xây dựng năng lực cho phòng, chống các nguy cơ nghề nghiệp, bệnh tật và thương tích, bao gồm tăng cường nguồn nhân lực, phương pháp và công nghệ, đào tạo huấn luyện cho người sử dụng lao động, người lao động những phương thức làm việc lành mạnh, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.

- Tăng cường các chương trình giám sát, tự giám sát, cung cấp các thông tin và các biện pháp hiệu quả.Hệ thống giám sát sức khỏe người lao động cần được thiết kế với mục đích xác định chính xác và kiểm soát nguy cơ nghề nghiệp, bao gồm: Thiết lập hệ thống thông tin quốc gia, xây dựng năng lực để ước tính gánh nặng nghề nghiệp của bệnh tật và thương tích, ghi chép sự phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ, bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, cải thiện báo cáo và phát hiện sớm các tai nạn và bệnh nghề nghiệp.

Cần phải tăng cường hơn nữa các nghiên cứu về sức khỏe người lao động. Các chiến lược và công cụ cần phải được xây dựng với sự tham gia của tất cả các bên liên quan để cải thiện thông tin tuyên truyền và nâng cao nhận thức về sức khỏe người lao động.

- Tăng cường chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế lao động cơ bản.Cải thiện độ bao phủ và chất lượng của các dịch vụ y tế lao động. Xây dựng năng lực thể chế nòng cốt ở cấp quốc gia và địa phương để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các dịch vụ y tế lao động cơ bản về giám sát, lập kế hoạch và chất lượng dịch vụ, thiết kế các biện pháp can thiệp mới, phổ biến thông tin và cung cấp chuyên môn chuyên ngành.

Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực cho sức khỏe người lao động bằng cách: Đào tạo thêm sau đại học trong các ngành có liên quan; nâng cao năng lực cho các dịch vụ cơ bản về y tế lao động; kết hợp vấn đề sức khỏe người lao động trong đào tạo cho cán bộ chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyên gia khác cần thiết cho các dịch vụ y tế lao động.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng của nguồn lao động

Nhằm nâng cao trình độ học vấn cho người lao động, trước hết cần đẩy mạnh cải cách giáo dục. Cụ thể là, hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, hội nhập, thúc đẩy phân tầng, phân luồng, khuyến khích học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các trường dạy nghề và đào tạo chuyên nghiệp. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trong cả nước; đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, sách giáo khoa phổ thông, khung chương trình đào tạo ở bậc đại học và giáo dục nghề nghiệp, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp theo hướng phát huy tư duy sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu, tăng thời gian thực hành, tập trung vào những nội dung, nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức.

Nâng cao các kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là các kỹ năng mềm. Theo đó, các đơn vị sử dụng lao động chú trọng khâu tuyển dụng và bố trí sử dụng lao động phù hợp và hiệu quả; đào tạo các kỹ năng cho người lao động trước khi nhận việc, đặc biệt tạo điều kiện học tập, nâng cao kiến thức cho người lao động; có chế độ đãi ngộ để giữ chân người lao động; cơ cấu, phân bố lại nhân lực từng vùng, từng khu vực, địa phương. Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân luồng trong đào tạo, hướng nghiệp cho học sinh, qua đó tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, phù hợp với nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút nguồn nhân lực từ nơi thừa sang nơi thiếu; từ thành phố, đồng bằng lên vùng sâu, vùng xa. Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đồng thời có các giải pháp căn bản để chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tích cực mở rộng hệ thống cơ sở đào tạo nhằm từng bước nâng cao chất lượng lao động tại các khu vực nông thôn và miền núi. Cùng với việc đào tạo lao động tại chỗ, Nhà nước và địa phương cần có chính sách khuyến khích, thu hút lực lượng lao động trẻ đã qua đào tạo nhưng chưa tìm được việc làm ở các khu đô thị về làm việc tại các khu vực nông thôn, miền núi./. Mai Diệu Linh (TH, nguồn Ban Tuyên giáo TW)

--------------------------------------

1. Tính đến hết năm 2023. 

2.Tổng cục Thống kê (2023b), Tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023, truy cập từ https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2024/01/tinh-hinh-thi-truong-lao-dong-viet-nam-nam-2023/. 

3. Từ chưa bao giờ đi học cho đến tốt nghiệp trung học phổ thông. 

4. Có trình độ chuyên môn kỹ thuật.  

5. Thu Hằng (2023), Lao động có trình độ đại học trở lên ngày càng được săn đón, truy cập từ https://vneconomy.vn/lao-dong-co-trinh-do-dai-hoc-tro-len-ngay-cang-duoc-san-don.

6. N.Hà (2022),Chỉ 11,67% lao động Việt Nam có trình độ chuyên môn cao (2022), truy cập từ https://nld.com.vn/cong-doan/chi-1167-lao-dong-viet-nam-co-trinh-do-chuyen-mon-cao-

0221224203620532.htm.  

7. Đỗ Như (2023), Vì sao Đông Nam Bộ được xếp vào vùng có tỷ lệ “dân số vàng”?,truy cập từ https://vneconomy.vn/vi-sao-dong-nam-bo-duoc-xep-vao-vung-co-ty-le-dan-so-vang.htm.

8. Nam Phương (2023), Năm 2023, tuổi thọ trung bình của người Việt đạt 73,7 tuổi, truy cập từ https://dantri.com.vn/suc-khoe/nam-2023-tuoi-tho-trung-binh-cua-nguoi-viet-dat-737-tuoi-20231230074951090.htm.

9. Tổng cục Thống kê (2023a), Thông cáo báo chí về tình hình dân số, lao động việc làm quý IV và năm 2023, truy cập từ https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/12/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-dan-so-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2023/.

10. Bộ Y tế (2023), Vẫn thiếu cơ sở khám bệnh nghề nghiệp trên toàn quốc (2019),truy cập từ https://moh.gov.vn/web/phong-chong-benh-nghe-nghiep/thong-tin-hoat-dong/-/assetpublisher/xjpQsFUZRw4q/content/van-thieu-co-so-kham-benh-nghe-nghiep-tren-toan-quoc

11. Bộ Y tế (2023), Vẫn thiếu cơ sở khám bệnh nghề nghiệp trên toàn quốc (2019), truy cập từ https://moh.gov.vn/web/phong-chong-benh-nghe-nghiep/thong-tin-hoat-dong/-/asset_publisher/xjpQsFUZRw4q/content/van-thieu-co-so-kham-benh-nghe-nghiep-tren-toan-quoc

 

 

491 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 650
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 650
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86992821