Chạnh lòng khu định cư Sông Ngân 

Dự án định canh định cư tập trung khu vực Sông Ngân (xã Linh Thượng, H.Gio Linh) được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt tại Quyết định số 699 ngày 18-4-2008, diện tích 250 ha do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư. Đến năm 2010, UBND tỉnh điều chỉnh dự án còn trên 130 ha.

Năm 2011, các hạng mục dự án bắt đầu được triển khai như đường, điện, nhà ở, trường mầm non... để đón 50 hộ dân (250 nhân khẩu) là đồng bào Vân Kiều đến sinh sống. Mỗi hộ dân tham gia dự án được cấp nhà, đất ở, đất ruộng, đất trồng rừng. Năm 2015, thôn Sông Ngân cũng chính thức được thành lập. Sau mấy năm, những gì trông thấy tại Sông Ngân lại quá đỗi trăn trở, chạnh lòng.

Nhiều nhà đã bỏ hoang. 

Nhà dự án xây bằng bờ - lô, tường không tô, lợp bằng fibro xi-măng. Đến nay, chỉ lác đác vài nhà dân có tu sửa kiên cố hơn, còn lại chưa có điều kiện kinh tế nên xuống cấp trầm trọng. Hình ảnh chung đập vào mắt là những ngôi nhà đơn sơ, tạm bợ, thậm chí không có cửa. "Chưa tô trát nên mùa mưa thì tường thấm ướt hết, mùa nắng thì hầm hập nhưng lo nhất là gió bão, cứ thấp thỏm sợ", bà Hồ Thị Thiên chia sẻ đầy lo lắng vào sáng 13-8. Cũng vì sự bấp bênh ấy, một số hộ dân đã bỏ hoang nhà để về nơi cũ, một số chỉ duy trì sản xuất, canh tác là chính. "Rừng trồng chưa khai thác nên đi làm thuê bóc vỏ cây, cũng có nhà nuôi được trâu, bò. Nhưng để sửa chữa nhà còn khó lắm. Mới đây, có nguồn cho vay sửa chữa nhà, 25 triệu đồng/hộ", vợ chồng anh  Hồ Văn Thảo cho biết khi đã nộp hồ sơ vay và chờ nguồn tiền về nhằm kịp sửa chữa cho đàn con yên ấm mùa mưa sắp tới.

Nhiều nhà ở khu định cư Sông Ngân đơn sơ đến mức còn không gắn cửa chính.

Thế nhưng, điều khiến bà con trăn trở nhất chính là việc học của con cháu, nhất là trẻ mầm non phải sang học ké tại thôn Khe Me dù Sông Ngân có trường. Ông Hồ Văn Truyền- Bí thư Đảng ủy xã Linh Thượng xác nhận đang xảy ra nghịch lý này. Theo quan sát của chúng tôi, ngôi trường mầm non được xây dựng khang trang ở vị trí bên đường thôn với 1 phòng học, 1 phòng bếp và công trình phụ. Tuy nhiên, trớ trêu là trường học cũng gần một hồ nước sâu. Chị Hồ Thị Hôm- Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết tại hồ này đã xảy ra 1 trường hợp trẻ đuối nước nên bà con lo lắng trường đưa vào sử dụng không có tường rào có thể xảy ra tai nạn, nguy hiểm với trẻ. Cùng một số lý do khác, kể từ khi được xây dựng đến nay, trường mầm non tại Sông Ngân chưa 1 ngày hoạt động và tạm thời cho thôn sử dụng làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Vì dự án đã khép lại, hạng mục trường mầm non khó có kinh phí để bổ sung xây tường rào. Người dân cũng muốn đóng góp kinh phí nhưng lo cái ăn, cái mặc đã lắm chật vật, họ bất lực nhìn trường xuống cấp, lãng phí thấy rõ.

"Đưa con sang thôn Khe Me học ké trường mầm non, đường xa, bất tiện, chưa kể có lúc nước đổ về ngập cầu tràn, coi như mắc kẹt lại đó", một phụ huynh ngậm ngùi.

BẢO HÀ

490 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 904
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 904
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77214688