Chanh leo Quảng Trị đi Pháp 

Những lô hàng chanh leo đầu tiên được thu hoạch theo mô hình liên kết sản xuất, phát triển trên địa bàn H.Hướng Hóa (Quảng Trị), đã đạt tiêu chuẩn để “chu du” tận trời Âu, mở ra hướng đi mới cho vùng đất này.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp phấn khởi khi thăm vườn chanh leo trĩu quả của nông dân /// NGUYỄN PHÚC

Lãnh đạo ngành nông nghiệp phấn khởi khi thăm vườn chanh leo trĩu quả của nông dân

NGUYỄN PHÚC
 

“Gieo” hy vọng ở 12 héc ta

Huyện miền núi Hướng Hóa có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu phù hợp với nhiều cây trồng, từng được mệnh danh là “thủ phủ” của cây cà phê Arabica, “vương quốc” của chuối và cũng là nơi “ươm mầm” cho cây mắc ca. Giờ đây, vùng đất có nhiệt độ bình quân cả năm khoảng 220C này mở ra “cơ hội” mới cho cây chanh leo.
Tháng 5.2018, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị ký biên bản hợp tác trồng và thu mua chanh leo với UBND H.Hướng Hóa và Công ty CP Nafoods Tây Bắc. Trên cơ sở đó, tháng 6.2018, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) Quảng Trị triển khai dự án phát triển chanh leo với quy mô 12 ha tại 3 xã Hướng Phùng, Tân Liên, Tân Lập.
Theo bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Quảng Trị, đơn vị đã tập huấn, hướng dẫn, theo dõi, giám sát mô hình theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Trong khi đó, phía Công ty CP Nafoods Tây Bắc sẽ cho các nhóm hộ ứng trước 50% giá giống và thanh toán vào cuối vụ thông qua khấu trừ sản phẩm bán quả chanh leo. Công ty cũng cam kết thu mua 100% sản phẩm theo giá thị trường, trong trường hợp thị trường “có vấn đề” vẫn phải thu mua theo giá bảo hiểm (4.000 đồng/kg).
Đã có 18 hộ dân tiên phong tham gia dự án trồng loại cây có phần xa lạ với mảnh đất ở vùng biên giới Việt - Lào, tối thiểu mỗi hộ nhận 0,5 ha. “Khi trồng một loại cây lạ ai mà không lo, nhưng chúng tôi dám liều là vì biết phía sau mình còn có ngành nông nghiệp và công ty liên kết. Chúng tôi cứ làm đúng như hướng dẫn của cán bộ, còn sâu bệnh hoặc có vấn đề gì xảy ra thì xử lý rút kinh nghiệm dần”, ông Võ Trần Nhân, một hộ trồng chanh leo, cho biết.
Ông Lâm Hùng, một người trồng chanh leo khác tại H.Hướng Hóa, cũng quả quyết: “Chúng tôi không đơn thuần chỉ là gieo chanh leo xuống đất, mà còn gieo niềm hy vọng về một loại cây trồng mới, giá trị kinh tế cao, cho chúng tôi đổi đời”.

Hướng mở rộng diện tích, nâng cao giá trị

Cuối tháng 4, có mặt tại những vườn chanh leo xanh mướt ở giữa cao nguyên Hướng Hóa, nhìn nụ cười của những người nông dân, chúng tôi hiểu rằng mô hình này đã mang lại kết quả tốt. Chen chúc giữa những tán lá là hàng ngàn quả chanh leo lớn nhỏ sắp thu hoạch. Trong khi đó, một số diện tích khác đã thu hái và xuất bán cho doanh nghiệp và thị trường.
Ông Lê Hoài Hưng, Giám đốc Công ty CP Nafoods Tây Bắc, cho biết đã mua khoảng 2 tấn chanh leo tươi đầu tiên tại H.Hướng Hóa và đưa về nhà máy chế biến thành sản phẩm. Ông Hưng cũng báo tin, một phần chanh leo thu mua đã được xuất qua Pháp.
Có mặt tại vườn chanh leo Hướng Hóa, ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng hiệu quả ban đầu của mô hình cho thấy khí hậu thổ nhưỡng tại H.Hướng Hóa thích nghi tốt với cây chanh leo. Theo ông, chỉ cần nông dân phối hợp tốt với ngành nông nghiệp, doanh nghiệp thu mua để trồng chanh leo đạt chất lượng xuất khẩu thì không còn lo về đầu ra. Tỉnh Quảng Trị cũng đang bàn với Công ty CP Nafoods Tây Bắc khảo sát, mở rộng diện tích trồng chanh leo ở H.Hướng Hóa lên khoảng 500 ha vào năm 2025, đồng thời cho xây dựng nhà máy chế biến ngay tại địa phương để nâng cao giá trị kinh tế cây chanh leo.
Theo ước tính của Chi cục TT-BVTV Quảng Trị, ước tính mỗi héc ta chanh leo sẽ cho khoảng 15 tấn quả tươi (có vườn cho 20 tấn quả tươi/ha). Với giá thu mua từ 10.000 - 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi thu về cho nông dân ít nhất 100 triệu đồng/ha.
Ông Lê Đình Tường, một hộ trồng chanh leo (trú xã Tân Liên), cho hay mảnh vườn của ông trước đây trồng chuối, thu hoạch mỗi năm chỉ 10 - 12 triệu đồng. Vụ này trồng chanh leo đã cho nhiều tin vui. “Bên công ty giám định vườn của tôi ít nhất cũng được 10 tấn quả. Giá bây giờ loại 1 là 25.000 đồng/kg; loại 2, loại 3 khoảng 20.000 đồng kg; loại tệ nhất cũng được 6.000 đồng/kg... Nếu tính giá bình quân 20.000 đồng/kg thì cả vườn thu gần 200 triệu đồng. Không có loại cây nào thu được món lợi như này đâu!”, ông Tường phấn khởi nói.
611 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1393
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1393
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76190403