Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản từ ngày 7 – 10/10, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường đã trả lời phỏng vấn về sự phát triển của cơ chế Hợp tác Mekong-Nhật Bản và sự đóng góp của Việt Nam đối với cơ chế này.
Đánh giá về sự hình thành và phát triển của cơ chế Hợp tác Mekong – Nhật Bản trong 10 năm qua, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho rằng Hợp tác Mekong – Nhật Bản đã đạt được những kết quả quan trọng trên 3 lĩnh vực ưu tiên của hợp tác gồm hợp tác phần cứng, hợp tác phần mềm và phát triển bền vững. Qua cơ chế hợp tác này, các nước Mekong và Nhật Bản đã liên kết để xây dựng cơ sở hạ tầng về đường bộ, cảng hàng không quốc tế, cảng biển…, góp phần hình thành một cơ sở hạ tầng kết nối trong khu vực Tiểu vùng Mekong, theo hướng kết nối Hành lang Đông – Tây và Hành lang phía nam.
Trong lĩnh vực hạ tầng mềm, Hợp tác Mekong – Nhật Bản đã góp phần tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa giữa các nước trong khu vực Mekong, thông qua việc kết nối hệ thống vận chuyển hàng hóa, tạo thuận lợi cho việc thông quan, giúp giảm chi phí, thời gian thông quan, đào tạo nguồn nhân lực. Trong phát triển bền vững, Nhật Bản là một trong số ít các đối tác đã duy trì lâu dài và liên tục sự hợp tác và sự ủng hộ đối với Ủy hội Mekong.
Chính phủ Nhật Bản cũng như chính phủ các nước Mekong đều coi trọng cơ chế Hợp tác Mekong – Nhật Bản. Trong chương trình Chiến lược Tokyo 2015 cho giai đoạn 2016-2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết dành khoảng 750 tỷ yen (khoảng 7 tỷ USD) cho Hợp tác Mekong – Nhật Bản.
Đánh giá về vai trò và đóng góp của Việt Nam cho cơ chế Hợp tác Mekong – Nhật Bản, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho biết Việt Nam đã tham gia cơ chế hợp tác này ngay từ đầu và luôn thể hiện vai trò tích cực, đóng góp, xây dựng định hướng hợp tác Mekong – Nhật Bản trong từng giai đoạn. Hiện Việt Nam đang xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 3 năm tiếp theo từ 2019-2021.
Việt Nam đưa những chương trình như Diễn đàn Mekong xanh, các chương trình hợp tác về môi trường, về nước sạch, về phòng chống thiên tai… vào trong Hợp tác Mekong – Nhật Bản. Bên cạnh đó, Việt Nam còn đưa các chương trình về phối hợp quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nước sông Mekong.
Việc Nam tích cực đóng góp vào việc định hướng, thúc đẩy sự phát triển Mekong – Nhật Bản theo hướng phù hợp với lợi ích của Việt Nam và lợi ích phát triển của cả khu vực. Các bộ, ngành Việt Nam đã tham gia khoảng 100 dự án khác nhau trong Hợp tác Mekong – Nhật Bản. Nhiều dự án lớn trong khuôn khổ này như cảng nước sâu Lạch Huyện, cảng T2 sân bay Nội Bài, nhiệt điện Ô Môn, Nghi Sơn 2, là những dự án quan trọng đối với cơ sở hạ tầng Việt Nam. Thông qua cơ chế Hợp tác Mekong – Nhật Bản, Việt Nam đã xây dựng và vận hành hệ thống thông quan điện tử, sản xuất vaccine sởi và Rubella.
Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, song song với việc sử dụng hiệu quả Hợp tác Mekong – Nhật Bản để phục vụ cho các dự án phát triển hạ tầng và phát triển bền vững của quốc gia, Việt Nam cũng thúc đẩy các dự án kết nối khu vực, kết nối Tiểu vùng Mekong, thông quan điện tử, đồng thời đưa vấn đề hợp tác nguồn nước sông Mekong trở thành một nội dung hợp tác quan trọng trong Hợp tác Mekong – Nhật Bản, có tiếng nói tích cực để phối hợp giữa cơ chế Hợp tác Mekong – Nhật Bản với hợp tác trong Ủy hội Mekong. Việt Nam luôn nhấn mạnh vai trò của các nước trong Mekong, sự phối hợp chính sách giữa các nước Mekong với nhau trong cơ chế Hợp tác Mekong – Nhật Bản, thể hiện sự tích cực, chủ động, có trách nhiệm với chính Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong Hợp tác Mekong – Nhật Bản.
Đề cập đến hoạt động song phương trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Đại sứ cho biết bên cạnh hoạt động tham dự Hội nghị cấp cao Mekong – Nhật Bản lần thứ 10, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ có những cuộc tiếp xúc song phương nhằm đưa mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản phát triển theo hướng ngày càng có hiệu quả và thực chất hơn nữa.
Theo kế hoạch, hai Thủ tướng sẽ có cuộc hội đàm để trao đổi những vấn đề hợp tác song phương cũng như hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chương trình gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Việt Nam sẽ tổ chức một diễn đàn đầu tư tại Nhật Bản, với dự kiến có 1.000 đại diện doanh nghiệp tham dự, qua đó thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư./.