Chặn triệt để nông sản, thực phẩm 'bẩn' 

(Chinhphu.vn) - Ngành nông nghiệp đã kiểm tra 44.932 cơ sở, xử phạt hành chính 3.013 cơ sở sản xuất kinh doanh chất lượng vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản với số tiền phạt 23,9 tỷ đồng.
 
Các mô hình sản xuất rau sạch ngày càng phát triển - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tăng diện tích sản xuất theo quy chuẩn

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), nhờ sự phối hợp vào cuộc của chính quyền, các cấp Hội Nông dân, Hội Phụ nữ từ Trung ương đến địa phương là những yếu tố quyết định đến kết quả của chương trình, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng có nhiều tiến bộ, không phát hiện hiện tượng “rau hai luống, lợn hai chuồng”.

Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho thấy, từ đầu năm đến nay toàn ngành nông nghiệp đã kiểm tra 44.932 cơ sở, xử phạt hành chính 3.013 cơ sở sản xuất kinh doanh chất lượng vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản với số tiền phạt 23,9 tỷ đồng. Việc phát hiện, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm đã củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào hàng nông lâm thủy sản nội địa.

Điều đáng ghi nhận là, công tác tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) sản phẩm nông thủy sản đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản được xếp loại A/B đạt 98,1%, tăng so với năm 2019 (97%). Đã ngăn chặn triệt để việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi, hạn chế việc sử dụng hóa chất/kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (không phát hiện chất cấm Salbutamol, Clenbuterol trong 939 mẫu thịt lợn, 398 mẫu nước tiểu lợn, thuốc an thần Acepromazine trong 68 mẫu thịt gia súc; tỷ lệ mẫu nhiễm hóa chất, kháng sinh, kim loại nặng trong thủy sản nuôi giảm xuống còn 0,45% so với 0,98% năm 2019; tỷ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm vi sinh vật giảm xuống 15% so với 18,9% cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt, nhờ huy động mọi nguồn lực của xã hội, phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các cấp Hội Nông dân, Hội Phụ nữ từ trung ương đến địa phương, đến nay không phát hiện hiện tượng “rau hai luống, lợn hai chuồng”, lạm dụng hóa chất kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản qua hoạt động giám sát và hệ thống thông tin nóng.

Việc phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc cho kết quả khả quan. Tính đến nay cả nước đã có 430.000 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng gấp 11 lần so với năm 2019) với 6.045 doanh nghiệp được chứng nhận (tăng gấp 3,1 lần năm 2019); 664 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản là 15.833 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương (tăng gấp 3 lần năm 2019); 816 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP và tương đương với sản lượng 608.144 tấn thịt và 315.034 triệu quả trứng.

Quản lý chặt dư lượng thuốc trên thực phẩm

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2020, việc quản lý chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi cũng được tăng cường. Cụ thể, năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Cục An ninh Kinh tế, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại một số địa phương tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đối với 23 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh: Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Định, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Hà Giang, Tuyên Quang. Đã lấy 47 mẫu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), 39 mẫu phân bón hiện đang kiểm tra chất lượng, kiểm tra nội dung ghi nhãn và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm. Xử lý và buộc tái xuất 16 lô thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nhập khẩu không đảm bảo yêu cầu chất lượng; ban hành 40 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm về lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, phân bón với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng.

Dù đã đạt được nhiều tiến bộ những Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng thừa nhận, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm còn một số tồn tại. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm. Tổ chức bộ máy làm công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản tại các địa phương biến động, không đồng nhất.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, trong năm 2021, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP hài hòa với các chuẩn mực quốc tế và tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo ATTP.

Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Chủ động tổ chức và đôn đốc các địa phương triển khai giám sát, kiểm tra theo quy định; chỉ thanh tra đột xuất khi có bằng chứng, dấu hiệu vi phạm; xử lý kịp thời, nghiêm khắc các vi phạm về ATTP, đảm bảo tính răn đe. Chủ động xử lý các sự cố mất ATTP và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam.

Đỗ Hương

177 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1305
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1305
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87154361