Chăn nuôi lợn hướng tới tập trung công nghiệp 

(ĐCSVN) - Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, ở nhiều tỉnh, thành chăn nuôi lợn đã dịch chuyển sang hướng tập trung công nghiệp, trang trại lớn và hộ chuyên nghiệp.

 

 

 

Chăn nuôi lợn hướng tới tập trung công nghiệp, quy mô lớn. (Ảnh: PV)

Hiện nay, tỷ trọng thịt lợn trong “rổ thực phẩm” vẫn chiếm đến 70% tổng nhu cầu về thịt. Đây là sự chênh lệch rất lớn. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đang tính toán, cơ cấu lại vật nuôi theo hướng giảm áp lực cho con lợn. Dự kiến, Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030 sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua trong thời gian tới. Một điểm đáng lưu ý trong đó là có nội dung cơ cấu lại các loại vật nuôi. Việt Nam sẽ giảm tương đối đàn lợn, tăng gia cầm, gia súc ăn cỏ để phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Trong bối cảnh mới, Bộ NN&PTNT vẫn chủ trương ưu tiên tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn trên cơ sở dựa vào doanh nghiệp lớn để tạo ngành sản xuất hàng hóa, đầu tư công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và xúc tiến thương mại, kết nối thị trường. Tham gia chuỗi có các nông hộ với chăn nuôi trang trại chuyên nghiệp. Đảm bảo phát triển bền vững, tăng năng suất, hạ giá thành (xuống dưới 35.000đ/kg hơi), tăng sức cạnh tranh, sẵn sàng tham gia xuất khẩu.

Tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức để phát triển

Sản xuất thịt lợn vẫn luôn là ngành hàng thịt chủ lực và truyền thống lâu đời tại Việt Nam, là thế mạnh của ngành chăn nuôi nước ta. Thêm nữa, nhu cầu nhập khẩu thịt lợn trên thế giới vẫn cao, chủ yếu từ các nước châu Á. Thịt lợn cũng là mặt hàng có lợi thế để xuất khẩu về lâu dài. Bởi, Việt Nam đang ở Top 10 các nước xuất khẩu nhiều thịt lợn của thế giới.

Cùng với đó, ngành sản xuất thịt lợn đã thu hút một số doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành theo hướng công nghệ cao, chuỗi khép kín an toàn, kết nối thị trường phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu: Tập đoàn Masan, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (DOFICO), Công ty CP GreenFeed, Tập đoàn DABACO, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Deheus, Công ty Thực phẩm Vinh Anh, Posco Deawoo (Hàn Quốc), Tập đoàn Tân Long, Công ty C.P Việt Nam…

Bộ NN&PTNT cũng đã ký thỏa thuận với Tổ chức Thú y thế giới để hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi sản xuất theo chuỗi đạt tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu. Trước hết sẽ tập trung vào việc nhà nước đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn lớn để họ tìm kiếm thị trường, đồng thời trên cơ sở yêu cầu của các tập đoàn để xây dựng các vùng nguyên liệu, chế biến xuất khẩu.

Về mặt chính sách, Luật Chăn nuôi đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 19/11/2018. Đây là văn bản pháp lý quan trọng định hướng phát triển và quản lý ngành chăn nuôi trong thời kỳ hội nhập.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết, năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, sản lượng thịt lợn cả nước chỉ đạt 3,3 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018, thiếu hụt nguồn cung thịt lợn dẫn tới sự tăng giá mạnh. Năm 2019, giá thịt lợn tại trang trại tăng 22% so với năm 2018. Đầu năm 2020, tình hình tái đàn của các nông hộ gặp nhiều khó khăn, giá cả thịt lợn tăng cao, thậm chí ở mức quá cao phần do tác động của dịch tả lợn châu Phi, phần do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Hơn nữa, không chỉ lo về dịch bệnh, ngành chăn nuôi lợn đang chịu sức ép từ việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định EVFTA. Cụ thể, với EVFTA, thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh của các nước vào Việt Nam từ 22,5% sẽ về 0% sau 7 năm; thuế nhập khẩu lợn tươi sống từ 37,5% sẽ về 0% sau 9 năm. Với CPTPP, thuế nhập khẩu thịt tươi hoặc ướp lạnh là 27%, xóa bỏ sau 10 năm; đối với thịt đông lạnh, thuế suất 15%, xóa bỏ sau 8 năm. Trong khi đó, giá bán lẻ thịt lợn của Việt Nam cao hơn 20-25% so với giá thịt đông lạnh nhập khẩu. Giá thịt lợn hơi tại trang trại cao hơn 40-60% so với giá tại trang trại của các nước phát triển…

Tập trung phát triển ngành hàng lớn, mạnh, cạnh tranh

Yêu cầu đặt ra hiện nay với ngành là tổ chức lại để chăn nuôi lợn nước ta trở thành ngành hàng lớn, mạnh, đủ sức cạnh tranh, có hướng tới xuất khẩu. Theo đó, rất cần sự quan tâm của Chính phủ, bộ, ngành thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp.

Cụ thể, phải tập trung phát triển các vùng chăn nuôi lớn, an toàn dịch bệnh, đầu tư công nghệ cao, ứng dụng công sinh học trong xử lý chất thải và hạn chế ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghiệp 4.0 trong chăn nuôi lợn khi có điều kiện. Phải sản xuất chế biến tiêu thụ và phát triển thị trường theo chuỗi khép kín do doanh nghiệp chủ đạo.

Điều tra, rà soát lại và có chính sách bổ sung để hỗ trợ chăn nuôi nông hộ tăng quy mô, tham gia các chuỗi, các HTX Chăn nuôi hoặc chuyển sang nghề khác. Tăng cường nguồn lực cho hoạt động thú y trong phòng bệnh, kiểm soát dịch bệnh và kiểm dịch thú y.  Thực hiện chăn nuôi không dùng kháng sinh, thông qua các giải pháp: vệ sinh tốt, chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vắc xin, bảo vệ sức khỏe đường ruột, thay thế kháng sinh trong thức ăn bằng các chất kháng khuẩn, sử dụng hỗn hợp axit hữu cơ, các chế phẩm có nguồn gốc thực vật…

Có chính sách dự trữ sản phẩm thịt lợn đông lạnh, giúp hỗ trợ bình ổn giá khi cần thiết. Điều tiết hợp lý việc nhập khẩu thịt đông lạnh và kiểm soát chặt chẽ thông qua hàng rào kỹ thuật. Nắm chắc thống kê chăn nuôi để chủ động điều tiết cung cầu thịt lợn. Đẩy mạnh công tác dự báo, thông tin thị trường; khơi thông thị trường xuất khẩu thịt lợn…Chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm. Đặc biệt, cần sớm ra đời Hiệp hội ngành hàng sản xuất, chế biến và tiêu thụ thịt lợn.

Đáng chú ý là, các doanh nghiệp cần xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam. Các địa phương thận trọng trong công tác tái đàn, tránh dịch tái bùng phát, chỉ khuyến khích tái đàn đối với hộ chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học. Đối với các địa phương sau khi công bố hết dịch, cần theo dõi chặt chẽ việc tái đàn, tránh ồ ạt, dẫn tới dư nguồn cung.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chuỗi liên kết; tăng đầu tư vào vùng chuyên canh nguyên liệu, kết nối với hộ sản xuất; cải thiện con giống, kỹ thuật chăn nuôi để tăng năng suất, giảm giá thành; tập trung nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm.

Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, một trong những giải pháp quan trọng nhất khôi phục lại chăn nuôi lợn sau chuỗi ngày lao đao vì dịch tả lợn châu Phi chính là tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Ở đó có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã và nông hộ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cho biết: Người chăn nuôi và doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học là trên hết.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chăn nuôi lợn gắn với an toàn sinh học ở mức độ cao sẽ là giải pháp hữu hiệu cho người chăn nuôi trong giai đoạn này, dẫn đến hình thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp với thế mạnh của nó sẽ từng bước thay thế và vượt trội đối với hình thức chăn nuôi nông hộ cả về đầu con, sản lượng do những thế mạnh của hình thức chăn nuôi.

Có thể thấy, chăn nuôi lợn và ngành hàng thịt lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi đã dẫn đến một cuộc cách mạng làm thay đổi hình thức chăn nuôi, cơ cấu tiêu dùng thịt lợn trong bối cảnh phải chung sống lâu dài với dịch bệnh này cho đến khi có vắc xin thương mại hiệu quả áp dụng phổ biến cho chăn nuôi lợn trên toàn cầu.

 

 
Lê Nguyễn
461 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1185
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1185
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87133693