Ngày 17/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị “Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững”.
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: BT)
Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 15/10/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại hơn 8.200 xã thuộc hơn 650 huyện của 63 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy 5,6 triệu con với tổng trọng lượng hơn 320.000 tấn (chiếm khoảng 8,3% tổng trọng lượng lợn của cả nước).
Từ tháng 6 trở đi, tình hình phát sinh dịch bệnh có xu hướng giảm. Nhưng, đến tháng 8/2019, bệnh dịch phát sinh thêm 856 xã, 60 huyện, 1 tỉnh. Và tháng 10 (tính đến 15/10/2019), bệnh phát sinh thêm 157 xã, 3 huyện.
Mặc dù có dấu hiệu giảm nhưng đây là dịch bệnh chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh, vi rút tồn tại lâu ngoài môi trường, sức đề kháng rất cao, do đó, trong thời gian tới, nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh và lây lan. Bệnh có thể lây theo 3 hướng chính: lây lan nhanh đến các địa bàn chưa có dịch; tái phát tại các ổ dịch cũ đã qua 30 ngày; có thể xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn.
Hiện nay, công tác phòng chống dịch vẫn còn nhiều khó khăn khi dịch đã xảy ra trong thời gian dài, các lực lượng tổ chức triển khai thực hiện đã hoạt động quá tải. Đặc biệt khi thù lao, tiền công, và công tác phí nhiều nơi từ đầu đợt dịch đến nay chưa được chi trả, dẫn đến tình trạng chán nản, không tổ chức quyết liệt và thực hiện đúng kỹ thuật các biện pháp phòng, chống dịch. Không tổ chức tiêu hủy lợn bệnh kịp thời; không thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh, phun thuốc sát trùng,…
Chăn nuôi an toàn sinh học góp phần phòng chống dịch bệnh
Theo Cục Chăn nuôi, cần tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi lợn để chủ động nguồn thực phẩm, tránh sự thiếu hụt nguồn cung. Đặc biệt trong bối cảnh bệnh DTLCP vẫn diễn biến phức tạp thì việc tăng cường các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn là hết sức cần thiết. Đồng thời kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học trong vệ sinh, bổ sung trong thức ăn, uống, độn chuồng. Nhiều mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học trong thời gian vừa qua đã phòng, chống rất tốt với bệnh DTLCP. Điển hình là các mô hình của một số tập đoàn, công ty xây dựng ở Thừa Thiên –Huế, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hưng Yên…
Cục Thú y cũng lưu ý, chăn nuôi VietGAHP (thực hành sản xuất chăn nuôi tốt) góp phần giảm thiểu các mối nguy và nâng cao năng suất trong chăn nuôi. Đồng thời giúp truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm giá thành sản phẩm.
Tại hội nghị, đại diện của các doanh nghiệp cho rằng, để chăn nuôi bền vững, cần đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp. Trong đó, xem doanh nghiệp là đầu tàu dẫn dắt sản xuất. Với mô hình này, doanh nghiệp có khoa học kỹ thuật, nguồn nhân lực cao hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng để mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, cần kết hợp với địa phương để tuyên truyền phổ biến đến cơ sở chăn nuôi, kể cả chăn nuôi nông hộ về quy trình kỹ thuật an toàn sinh học, giới thiệu các cơ sở cung cấp con giống uy tín, chất lượng đến với người nuôi.
BT