Ngày 5-2, đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, cho biết đã tạm đóng 4 cửa khẩu phụ và triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hàng trăm lối mòn dọc tuyến biên giới Việt - Lào để phòng chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.
Tiềm ẩn lây lan dịch từ biên giới Việt - Lào
Hiện sát biên giới Việt - Lào có nhiều công ty của Trung Quốc với nhiều người nước này làm việc nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, theo thẩm quyền, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã tạm đóng cửa khẩu phụ trong thời gian 12 giờ và gia hạn thêm 12 giờ nữa.
Phát khẩu trang cho du khách tham quan Đại nội Huế Ảnh: QUANG NHẬT
"Do tình hình phức tạp của dịch bệnh nên tôi đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị về việc đóng cửa khẩu phụ trong thời gian nhất định, có thể là 15 ngày, 20 ngày hoặc 1 tháng. Nếu lãnh đạo tỉnh đồng ý, sẽ trao đổi với nước bạn Lào để thực hiện" - đại tá Phương nói.
Theo ông Phương, người Việt có thể xuất cảnh sang Lào bình thường nhưng khi nhập cảnh phải kiểm tra đầy đủ. Biên phòng tỉnh Quảng Trị sẽ đề nghị Sở Y tế thành lập các đội kiểm soát lưu động để kiểm soát sức khỏe người nhập cảnh.
Tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay và cảng Cửa Việt cũng đã từ chối nhập cảnh đối với người Trung Quốc và người nước ngoài từng nhập cảnh Trung Quốc trước đó.
Cách ly 268 người tiếp xúc với người Trung Quốc nhiễm bệnh
Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chiều 5-2 đã cách ly tại nhà 268 người tiếp xúc gần với 2 người Trung Quốc dương tính với nCoV từ ngày 23 đến 28-1.
Theo ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, 2 người Trung Quốc nhiễm nCoV là bà Chunxia và chồng là ông JianJiang. Hai du khách này lưu trú tại 2 khách sạn ở Nha Trang. Cụ thể, từ ngày 23 đến 26-1, ở khách sạn trên đường Dương Hiến Quyền. Ngày 26 đến 28-1 ở 1 khách sạn ngoài đảo trên vịnh Nha Trang. Sau đó, 2 du khách này bay về Trung Quốc vào ngày 28-1. Sau khi xét nghiệm, phía Trung Quốc thông báo 2 du khách trên dương tính với nCoV.
Sau khi nhận được thông tin này, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành lập 5 đoàn cán bộ điều tra, giám sát dịch tễ nơi 2 người Trung Quốc nói trên lưu trú và đến khám chữa bệnh tại Khánh Hòa; lập danh sách quản lý những người có tiếp xúc gần với 2 người Trung Quốc trên và xử lý môi trường tại các khu vực, khách sạn mà 2 du khách lưu trú.
Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết ngoài 268 người này, sở cũng đang giám sát tại nhà 30 người tiếp xúc gần với nữ lễ tân dương tính với nCoV đã ra viện. Hiện nay, 11 trường hợp nghi nhiễm nằm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa đang được lấy mẫu chờ kết quả xét nghiệm.
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Như Công, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, cho biết 9 lao động người Trung Quốc được cách ly, theo dõi tại thủy điện Sông Tranh 4 (xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức) đang có sức khỏe tốt. Chín lao động này đến từ TP Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc), làm việc tại thủy điện Sông Tranh 4. Sau khi về nước dịp Tết nguyên đán, ngày 1-2, họ trở lại Việt Nam.
Cần phương án thu gom khẩu trang đã sử dụng
Sáng cùng ngày, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã kiểm tra công tác phòng chống dịch ở Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế. Ngoài việc triển khai phòng dịch như vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, chuẩn bị 5.000 khẩu trang để phát miễn phí cho du khách, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tạm dừng các hoạt động biểu diễn ở những điểm di tích trực thuộc để tránh tụ tập đông người.
Trong buổi làm việc, ông Thọ đề nghị ngành du lịch tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch, kiểm soát chặt chẽ tại tất cả di tích, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế làm đầu mối nhanh chóng mua và cung ứng khẩu trang cho các đơn vị, trong đó ưu tiên trường học, các đơn vị phục vụ trực tiếp khách du lịch và công dân giao dịch thủ tục hành chính. Ông Thọ cũng yêu cầu các ngành, địa phương có phương án thu gom, xử lý số khẩu trang sau sử dụng để bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường.
Cùng ngày, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy 28 người từ Trung Quốc về Huế đều âm tính với nCoV. Tương tự, 2 trường hợp trú tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế nhập viện vào ngày 3-2 do bị sốt cũng không nhiễm bệnh. Như vậy đến nay, địa phương này chưa có trường hợp dương tính với nCoV.
Trong khi đó, Trung tâm Y tế TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã lập 32 đội cơ động phản ứng nhanh, thiết lập hệ thống giám sát dịch bệnh nCoV. TP Biên Hòa đang theo dõi 21 người đi từ vùng có dịch về cũng như người Trung Quốc có mặt trên địa bàn TP. Những người này được trạm y tế phối hợp với Trung tâm Y tế TP theo dõi thân nhiệt hằng ngày, hướng dẫn cách ly tại chỗ ở/công ty, không cho tiếp xúc với công nhân đến hết 14 ngày.
Ngoài ra, TP Biên Hòa cũng đã phun hóa chất khử trùng tại các phường: Long Bình Tân, Tam Hiệp, Thanh Bình; tiếp tục phun hóa chất tại 84 trường học trên địa bàn đến ngày 11-2; sẵn sàng thu dung, chuyển tuyến những bệnh nhân có dấu hiệu mắc bệnh.
Dừng nhiều hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí
Chiều 5-2, ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, cho hay đơn vị này vừa ký văn bản yêu cầu ngưng hoạt động tại các điểm du lịch trên toàn tỉnh. Ngay sau đó, Ban Quản lý Khu Du lịch chùa Hương Tích, đã phát đi thông báo tạm dừng hoạt động từ hôm nay (6-2). Thời gian hoạt động trở lại sẽ có thông báo sau. Thông báo cũng yêu cầu nhà chùa không tổ chức tập trung đông người hành lễ tại chùa.
Tương tự, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ chiến thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (thị xã Kỳ Anh) cũng thông báo ngừng hoạt động từ ngày 6-2.
Để tránh tập trung đông người nhằm giảm thiểu các nguy cơ lây lan dịch corona, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng vừa yêu cầu dừng hoạt động của các điểm di tích lịch sử - văn hóa, du lịch, giải trí, sinh hoạt cộng đồng, rạp chiếu phim, quán karaoke, vũ trường, quán bar trên địa bàn; các nhà hàng, khách sạn không tiếp nhận, phục vụ người Trung Quốc; dừng đón khách du lịch người Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Macau; dừng tổ chức các đoàn khách du lịch tới các địa phương và các vùng đang có dịch.
TP HCM hạn chế hội họp
Văn phòng UBND TP HCM ngày 5-2 cho biết UBND TP đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận - huyện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nCoV. Theo đó, hạn chế hội họp đông người tham gia, trừ các trường hợp thật sự cần thiết và để phục vụ phòng chống dịch; tăng cường tiêu độc, khử trùng tại các điểm tập trung đông người, nhất là trường học, chợ, siêu thị, bến xe, nhà ga, chung cư.
UBND TP HCM cũng yêu cầu các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá khẩu trang, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch, đưa tin thất thiệt về dịch bệnh, kể cả khởi tố hình sự.
Sáng cùng ngày, Bệnh viện Thống Nhất đã tổ chức diễn tập, vận hành quy trình phản ứng khẩn cấp khi có bệnh nhân nghi nhiễm nCoV. Tổng cộng có 6 khoa, phòng trực tiếp tham gia quy trình diễn tập. Theo BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, trường hợp có nhiều ca bệnh cần nhập viện, bệnh viện sẽ huy động thêm 2 đội phản ứng khẩn cấp, 3 đội phòng chống thảm họa và các kíp trực.
Cũng trong ngày 5-2, các đội quản lý thị trường (QLTT) ở các quận trực thuộc Cục QLTT TP HCM tiếp tục tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh trên địa bàn. Qua đó phát hiện thêm 4 nhà thuốc tăng giá, găm hàng, bán khẩu trang không rõ xuất xứ. Điển hình, nhà thuốc Phụng Hoàng (Gò Vấp) treo biển "hết hàng khẩu trang" nhưng qua kiểm tra ở đây vẫn còn 657 khẩu trang các loại, có niêm yết giá 3.000 đồng/cái.
Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất diễn tập dựa theo tình huống giả định có bệnh nhân nghi nhiễm nCoV đến khoa cấp cứu Ảnh: ANH THƯ