Chấn chỉnh công tác quản lý vận tải ô tô tại địa phương 

(Chinhphu.vn) - Thanh tra Bộ GTVT vừa báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch 12882 ngày 14/11/2023 của Bộ GTVT về kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Chấn chỉnh công tác quản lý vận tải ô tô tại địa phương- Ảnh 1.

Một số sở GTVT cấp giấy phép chưa phù hợp với ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp - Ảnh: Báo GT

Báo cáo nêu rõ: Bộ GTVT đã có nhiều chỉ đạo, chấn chỉnh, tăng cường quản lý quản lý vận tải đường bộ. Cùng với đó, Bộ cũng đã triển khai dịch vụ công cấp độ 3, 4 trong giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống dữ liệu giám sát hành trình, hệ thống quản lý bến xe, camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải; tạo hành lang pháp lý đầy đủ và từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về vận tải đường bộ.

Nhiều sở GTVT chưa triển khai chỉ đạo 

Tuy vậy, qua đợt tổng kiểm tra của các đoàn tại 62 tỉnh, thành phố cho thấy, nhiều sở GTVT chưa triển khai chỉ đạo của Bộ GTVT, chưa tham mưu trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Một số sở GTVT cũng chưa tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt danh mục mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt; mạng lưới vận tải hành khách cố định nội tỉnh; chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với vận tải hành khách bằng xe buýt; vị trí các điểm dừng, đón trả khách; kế hoạch phát triển và quản lý phương tiện; quy định cụ thể việc quản lý về xe ô tô trung chuyển hành khách; tổ chức và quản lý hoạt động của bãi đỗ xe trên địa bàn.

Trong cấp giấy phép kinh doanh vận tải, một số sở GTVT cấp giấy phép chưa phù hợp với ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Người điều hành vận tải chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy định về bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông trong hồ sơ xin cấp phép còn chung chung.

Chưa quyết liệt thu hồi phù hiệu xe vi phạm

Nhiều sở còn tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải không nộp giấy phép bị thu hồi và phù hiệu, biển hiệu kèm theo nhưng chưa có biện pháp quyết liệt thu hồi. Tỷ lệ nộp phù hiệu, biển hiệu bị thu hồi do trong tháng có vi phạm tốc độ quá 5 lần/1.000km xe chạy hoặc do thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải còn thấp, trung bình đạt khoảng 60%.

Nhiều Sở chưa thường xuyên truy cập, khai thác sử dụng các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình (hành trình, tốc độ, thời gian lái xe liên tục), tra cứu dữ liệu camera trên máy chủ của các đơn vị kinh doanh vận tải để phục vụ công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn; chưa xử lý vi phạm về thời gian lái xe liên tục, không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.

Một số bến xe chưa cập nhật đầy đủ thông tin xe ra, vào bến vào phần mềm quản lý bến xe; quy trình đảm bảo an toàn giao thông khi xe ra vào bến; xác nhận vào lệnh vận chuyển khi xe không có ở bến.

Trong thời gian dài, đa số các Sở GTVT chưa có biện pháp xử lý nhiều đơn vị kinh doanh vận chuyển khách (hợp đồng, du lịch) không cung cấp nội dung tối thiểu hợp đồng vận chuyển. Các sở chủ yếu chỉ dừng ở việc tiếp nhận, chưa rà soát, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện nội dung thông báo đến Sở.

Trong thanh, kiểm tra, nhiều sở chưa kiểm tra hoặc có kiểm tra nhưng chưa đánh giá đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông, thực hiện nhiệm vụ của bộ phận quản lý và theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông; chưa cập nhật nội dung lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề lái xe; tiêu chuẩn của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải; lưu trữ, truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; camera giám sát; vi phạm về tốc độ, thời gian làm việc của lái xe; cung cấp thông tin nội dung hợp đồng vận chuyển.

Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, kết quả kiểm tra cũng chỉ rõ, nhiều doanh nghiệp chưa thường xuyên truy cập, theo dõi, khai thác, dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát lắp trên xe ô tô để cảnh báo, nhắc nhở, xử lý vi phạm đối với lái xe.

Nhiều đơn vị kinh doanh theo loại hình xe hợp đồng không thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển tới Sở GTVT trước khi thực hiện hợp đồng; không thực hiện đúng quy định về đón, trả khách tại trụ sở chính hoặc tại một địa điểm cố định; không cấp giấy vận tải cho lái xe; không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động kinh doanh.

Chấn chỉnh công tác quản lý vận tải ô tô tại địa phương- Ảnh 5.

Nhiều sở còn tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải không nộp giấy phép bị thu hồi và phù hiệu, biển hiệu kèm theo nhưng chưa có biện pháp quyết liệt thu hồi - Ảnh: Báo GT

Nâng cao việc chấp hành quy định về kinh doanh vận tải ô tô

Đánh giá về những tồn tại nêu trên, báo cáo của Thanh tra Bộ GTVT cho biết, nhân sự làm công tác tham mưu, quản lý vận tải tại nhiều sở còn rất mỏng, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý, giám sát hoạt động vận tải.

Một số quy định chưa chặt chẽ, khó thực hiện như: Không quy định về thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu xe vi phạm tốc độ dẫn đến tình trạng đơn vị vận tải xin cấp lại phù hiệu ngay sau khi nộp, làm giảm hiệu quả răn đe, phòng ngừa vi phạm tốc độ lái xe. Do cạnh tranh quyết liệt trong hoạt động kinh doanh dẫn đến có lúc, có nơi chưa chấp hành nghiêm quy định pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Việc tổng hợp, thông báo số liệu vi phạm hàng tháng về tốc độ chạy xe, thời gian lái xe liên tục, truyền dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam còn chậm, dẫn đến việc chậm ban hành quyết định thu hồi phù hiệu xe vi phạm tốc độ của sở GTVT.

Để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Thanh tra Bộ kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương xử lý theo quy định đối với các đề xuất, kiến nghị của các sở GTVT, các Đoàn kiểm tra liên quan công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Chỉ đạo Vụ Vận tải tham mưu Bộ trưởng ban hành chỉ thị của Bộ GTVT về tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị về sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và các kiến nghị liên quan của các sở GTVT để tham mưu, báo cáo Bộ GTVT biện pháp xử lý; chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình để kịp thời tham mưu Bộ trưởng Bộ GTVT tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Ngày 15/11/2023, Bộ GTVT quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 62/63 sở GTVT các tỉnh, thành phố.

Trong đó: Đoàn kiểm tra số 1 do Thanh tra Bộ chủ trì kiểm tra tại 15 sở GTVT, đoàn kiểm tra số 2 do Vụ Vận tải chủ trì kiểm tra tại 15 sở GTVT, đoàn kiểm tra số 3 và số 4 do Cục Đường bộ VN chủ trì kiểm tra tại 32 sở GTVT.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra đợt 1 tại 23/62 địa phương, Bộ GTVT ban hành văn bản số 15016 ngày 27/12/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đã có nhiều kiến nghị đối với UBND các tỉnh, thành phố và các chỉ đạo, yêu cầu đối với các sở GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam.

Các sở GTVT đã thực hiện kiểm tra đối với 958 đơn vị kinh doanh vận tải và 67 đơn vị bến xe. Qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế; xử lý vi phạm hành chính đối với 280 đơn vị kinh doanh vận tải với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 3 tỷ đồng.

Phan Trang

81 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1075
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1075
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87162614