"Chân biển, chân đồng" ở Quảng Trị 

Với phương châm “chân biển, chân đồng”, kết hợp khai thác biển và sản xuất trên đất cát, sau gần ba năm triển khai chủ trương chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân, công tác này tại tỉnh Quảng Trị đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, giúp ngư dân yên tâm sản xuất.

Ngư dân Lê Văn Viện (thứ hai từ phải sang) ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh, liên tiếp trúng nhiều mẻ cá lớn sau khi đóng mới tàu vỏ gỗ để thay đổi ngư trường.

Thay đổi ngư trường để bám biển

Gần ba năm trước, tỉnh Quảng Trị đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành giải quyết sự cố ô nhiễm môi trường biển. Khoản tiền bồi thường thiệt hại giúp ngư dân vượt qua khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, muốn ổn định cuộc sống lâu dài, bền vững, tỉnh cần có giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn.

Từ nhận định ấy, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị bàn giải pháp chuyển đổi sinh kế cho ngư dân 16 xã, thị trấn của bốn huyện bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển và ban hành nhiều chính sách trợ giúp thiết thực. Trong các giải pháp, tỉnh rất quan tâm chuyển đổi ngư trường khai thác thủy sản và rà soát quy hoạch, cải tạo vùng cát trắng để xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Ðồng cho biết, việc thay đổi, mở rộng ngư trường đánh bắt thủy sản trên biển là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, đời sống ngư dân. Ðể tạo thuận lợi cho ngư dân tiếp cận ngư trường mới, tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay tiền chuyển đổi, cải hoán tàu cá có công suất dưới 90 CV lên tàu cá có công suất hơn 90 CV, đóng mới tàu cá vỏ gỗ có công suất từ 90 CV đến 410 CV. Chính sách này phát huy tác dụng, giải quyết được việc làm, thu nhập cho một bộ phận ngư dân. Ðến nay, ngư dân Quảng Trị đóng mới 25 tàu vỏ thép, vỏ gỗ, cải hoán, nâng công suất gần 50 tàu vỏ gỗ, hình thành nhiều đội tàu vươn khơi, bám biển. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức đào tạo nghề khai thác hải sản xa bờ cho ngư dân, từng bước chuyển đổi nghề khai thác tầng đáy như lồng bẫy, lưới rê đáy sang khai thác ở vùng biển trung bờ, xa bờ như rê khơi, vây, chụp mực, câu vàng, nhất là khai thác nguồn lợi cá nổi di cư từ đại dương như cá thu, ngừ, nục, mực ống...

Thay đổi ngư trường, nhiều gia đình ngư dân vẫn giữ được nghề đi biển, nâng cao năng suất lao động, cải thiện cuộc sống. Anh Lê Văn Viện (40 tuổi, trú ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, huyện Gio Linh) cho biết, gia đình anh cũng như nhiều ngư dân khác do điều kiện chỉ có thể đi biển gần bờ trong khi nguồn thủy sản ở đây đang ngày càng cạn kiệt, nên thu nhập khá bấp bênh, đời sống gặp nhiều khó khăn. Ðược chính quyền tạo điều kiện, anh mạnh dạn vay gần hai tỷ đồng đóng mới tàu vỏ gỗ 410 CV, mua sắm trang thiết bị hiện đại, quyết tâm thay đổi ngư trường. Tàu của anh Viện thường xuyên giải quyết việc làm cho 12 ngư dân với thu nhập ổn định. Sau nhiều lần đi biển, trúng các mẻ cá lớn, anh Viện đã có tiền trả nợ ngân hàng. Tháng 2 vừa qua, anh Viện trúng mẻ cá bè vàng hơn 120 tấn, thu năm tỷ đồng.

Ngoài việc thay đổi ngư trường, tỉnh Quảng Trị còn chú trọng giúp ngư dân nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn với các giải pháp kỹ thuật tiên tiến. Anh Lê Văn Hoài (thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh) cho biết, trước đây anh áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng một giai đoạn, gặp rủi ro cao. Ðược sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông Quảng Trị, anh mạnh dạn đào ao nuôi tôm ở trong nhà có mái che, bố trí hệ thống sục khí nuôi tôm hai giai đoạn theo công nghệ vi sinh, cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống, lãi 270 triệu đồng/ha. Quảng Trị hiện có 600 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó nhiều diện tích nuôi bằng công nghệ hai giai đoạn.

Chuyển giao khoa học kỹ thuật

Ðồng chí Hà Sỹ Ðồng cho biết, qua khảo sát cho thấy, không phải ngư dân nào cũng đủ khả năng vay tiền đóng mới tàu khai thác biển xa. Những ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, nguồn lực và năng lực hạn chế cần được chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Tỉnh Quảng Trị có hơn 48 nghìn ha cát ven biển, trong đó có 17 nghìn ha đang bỏ hoang. Diện tích này chủ yếu là đất cát bạc màu, rất khó phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Tỉnh Quảng Trị đã rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vùng cát để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp như trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. UBND tỉnh quyết định hỗ trợ 16 xã, thị trấn bị thiệt hại, mỗi đơn vị 200 triệu đồng xây dựng mô hình làm kinh tế trên đất cát. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị điều động 32 cán bộ kỹ thuật về các địa phương, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân.

Kỹ sư Võ Thị Tuyết Trinh, Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Gio Linh, một trong những cán bộ tăng cường về cơ sở cho biết, phương châm chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ngư dân là cầm tay chỉ việc, hướng dẫn trực tiếp. Các mô hình trồng khoai lang Nhật Bản, tỏi, dứa, dưa lưới, dừa xiêm lùn; nuôi cua xen trồng lúa, nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi nhốt bò... sau một năm triển khai đã phát huy hiệu quả tại xã Trung Giang. Hiện nay, chị Trinh đã trở lại cơ quan công tác nhưng vẫn thường xuyên về địa phương, đôn đốc, động viên ngư dân tiếp tục sản xuất.

Xã biển Triệu Vân, huyện Triệu Phong là một trong những địa phương điển hình về chuyển đổi sinh kế hiệu quả. Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Văn Ngưỡng cho biết, đến nay, toàn xã trồng được 70 ha ném (một loại cây gia vị, thuộc họ hành, tỏi), 30 ha mướp đắng, 70 ha đậu đen xanh lòng, có 38 mô hình trang trại, gia trại nuôi heo, 39 ha nuôi trồng thủy, hải sản. Vụ tôm thẻ chân trắng này, người dân xã Triệu Vân thu được hơn 300 tấn tôm, sản lượng gấp đôi so với vụ tôm năm 2018.

Không chỉ chính quyền vào cuộc, nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư nhiều dự án, mô hình sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và bao tiêu sản phẩm cho ngư dân. Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao đầu tư trồng dứa ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Trị chuyển giao kỹ thuật trồng nấm... Ðến nay, toàn tỉnh có gần 100 mô hình sản xuất, trong đó nhiều mô hình trồng cây ăn quả và các loại hoa màu cho hiệu quả kinh tế cao, hình thành nhiều vùng chuyên canh nông sản hàng hóa như: vùng mướp đắng tại các xã Gio Mỹ, Gio Thành (huyện Gio Linh); vùng ném tại các xã Hải Quế, Hải Dương (huyện Hải Lăng); vùng rau chất lượng cao, ớt xuất khẩu tại xã miền biển ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Ðức Chính nhận định, hiệu quả trong việc ổn định, nâng cao đời sống, sản xuất cho ngư dân đã giúp đội ngũ cán bộ trưởng thành hơn qua thử thách, người dân đoàn kết hơn, thêm niềm tin vào Ðảng, chính quyền. Chính sách chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm, ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho ngư dân đã từng bước đi vào cuộc sống, cơ bản phù hợp điều kiện tự nhiên và xã hội của từng địa phương. Tỉnh Quảng Trị sẽ nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách thuận lợi, có kế hoạch đầu tư dài hạn để cải tạo môi trường, môi sinh vùng cát một cách đồng bộ, liên tục. Tỉnh huy động mọi nguồn lực, nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn vùng cát, giúp ngư dân phát triển sản xuất, kêu gọi các nhà khoa học tìm giải pháp cải tạo vùng cát ven biển, giúp người dân có thêm đất để chuyển đổi sinh kế, kết hợp sản xuất “chân biển” và “chân đồng” phát triển bền vững.

BÀI VÀ ẢNH: LÂM QUANG HUY

439 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1108
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1108
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87145136