|
Ông Nguyễn Văn Hải Phó cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phụ hậu quả thiên tai - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Bộ NN&PTNT).
Theo tiến độ triển khai NQ 76 về công tác Phòng chống thiên tai (18/6) thì đến ngày 15/8 các địa phương sẽ gửi các kế hoạch thực hiện về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (BCĐPCTT), đến trước 31/8 BCĐ sẽ có tổng hợp báo cáo tới Chính phủ. Vậy tình hình báo cáo của các địa phương hiện nay như thế nào? Ông có thể đánh giá thêm về chất lượng của các kế hoạch đã được xây dựng?
Ông Nguyễn Văn Hải: Theo chỉ đạo của Chính phủ thì đến ngày 15/8/2018, các Bộ ngành và địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT). Tuy nhiên, đến ngày 23/8/2018, Ban Chỉ đạo Trung ương mới nhận được kế hoạch của 16/63 tỉnh, thành phố và 4/21 bộ, ngành.
Trước tình hình như vậy, ngày 22/8/2018, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có văn bản hoả tốc số 131/TWPCTT gửi các Bộ ngành và địa phương còn lại đôn đốc sớm gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Kế hoạch của các địa phương đã tương đối đáp ứng theo yêu cầu đề ra, tuy nhiên một số địa phương gửi kế hoạch còn chung chung, chưa xác định được nguồn lực cụ thể để thực hiện.
Theo NQ 76 thì có 7 mục tiêu cụ thể đến năm 2025. Ông đánh giá đâu là mục tiêu khó khăn nhất? Vì sao?
Ông Nguyễn Văn Hải: Tôi đánh giá 7 mục tiêu này đều rất khó khăn trước những diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, đây là quyết tâm rất cao của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ và để đạt được mục tiêu này cần sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị ở tất cả các cấp, đặc biệt là sự tham gia của người dân và doanh nghiệp.
Nhìn nhận kỹ hơn, trong các mục tiêu thì mục tiêu cuối cùng đó là “100% hộ dân khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở đảm bảo an toàn” là khó khăn nhất trong thực hiện. Để thực hiện mục tiêu này cần phải lồng ghép toàn diện với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, người dân.
Đồng thời, với diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường như hiện nay, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, dân số gia tăng là thách thức rất lớn cho công tác phòng chống thiên tai (phạm vi rộng, đối tương đa dạng, nhiều loại hình thiên tai xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn); đồng hành với sự phát triển là tiềm ẩn gia tăng rủi ro thiên tai (như chúng ta đã biết, nhiều khu vực dân cư đã sinh sống ổn định hàng 100 năm, song thời gian gần đây bị lũ quét sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển) nên nhiều khu vực hiện nay an toàn với thiên tai nhưng có thể không còn an toàn với thiên tai cực đoan trong thời gian tới.
Việc xã hội hóa công tác PCTT hiện nay đang được thực hiện như thế nào? Tới đây sẽ có những chính sách cụ thể gì để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào công tác PCTT?
Ông Nguyễn Văn Hải: Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động phòng, chống thiên tai như: cung cấp dịch vụ đo mưa phục vụ dự báo, cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất; cung cấp vật liệu thiết bị trong phòng, chống thiên tai (đê di động chống tràn); hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân để xây dựng nhà phòng, chống thiên tai.
Nhân kỷ niệm ngày Phòng, chống thiên tai 22/5 vừa qua, Bộ NN&PTNT – Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã huy động được hiện vật và kinh phí tương đương 27 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho công tác phòng, chống thiên tai.
Một trong những nhiệm vụ cụ thể Bộ NN&PTNT được giao trong NQ76 là việc rà soát và sửa đổi các văn bản luật liên quan đến công tác PCTT. Công việc này đang được thực hiện như thế nào? Ông có thể thông tin thêm việc sửa đổi sẽ tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hải: Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tổ chức xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai, bao gồm:
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, trong đó đề xuất người đứng đầu Chính phủ sẽ là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Hiện, Bộ NNPTNT đang tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến của các thành viên Chính phủ để trình ban hành trong đầu tháng 9/2018.
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai, trong đó đề xuất Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp là cơ quan quản lý và chi Quỹ cho các hoạt động phòng, chống thiên tai. Hiện nay đã hoàn thiện dự thảo và sẽ tổ chức lấy ý kiến của các Bộ ngành và địa phương trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện xây dựng Nghị định về quy định về quy trình tiếp nhận và phân bổ hàng cứu trợ thiên tai và Nghị định về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai; chính sách tài chính phù hợp cho công tác phòng chống thiên tai. Đồng thời, nghiên cứu, báo cáo Chính phủ đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin !
Đỗ Hương (Thực hiện)