Ngày 13/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo bệ trẻ em trước tác động của đại dịch COVID-19. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tham dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: “Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo ra những điều kiện để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: ĐT

Công tác trẻ em trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng, như: Vấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi; trẻ em dưới 01 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng và trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo; không thu học phí đối với học sinh tiểu học; triển khai các hoạt động học tập trực tuyến cho trẻ em trong thời gian đại dịch COVID-19, huy động toàn bộ lực lượng của ngành Giáo dục để hỗ trợ, duy trì học tập cho các em; triển khai Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em,... Tuy nhiên, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao; trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục và bạo hành vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa bàn, gây bức xúc trong xã hội. Vẫn còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời”.

Nhấn mạnh để đảm bảo an sinh xã hội và quyền của trẻ em, trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu dự Hội thảo tập trung phân tích làm rõ nhưng khó khăn, hạn chế và thách thức của công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong bối cảnh dịch COVID-19, đặc biệt xác định các nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này trong thời gian tới; cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn để tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.

Với quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan chắt lọc kết quả nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em thuộc gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, đảm bảo quyền trẻ em và tiến tới thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam gây ảnh hưởng sâu sắc tới toàn xã hội, đời sống của nhân dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Theo thông kê, đến nay cả nước có gần 4.500 trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 còn tác động nhiều chiều đến trẻ em như đe dọa sự an toàn, tâm lý và sức khỏe thể chất và tâm thần, dinh dưỡng của trẻ em; làm gián đoạn trong học tập và gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng; tác động đến chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; hạn chế vui chơi, giải trí và tiếp xúc xã hội, giao tiếp bạn bè.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nhiều mặt tới đời sống, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, các tổ chức chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đến trẻ em. Trong đó có việc hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trẻ em mồ côi từ nguồn vận động xã hội của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ em mồ côi theo quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ; phối hợp với các bộ, ngành triển khai công tác rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật, chính sách về trẻ em, triển khai các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong dịch COVID-19; tăng cường công tác truyền thông hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong dịch COVID-19; triển khai dịch vụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đó chú trọng triển khai chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý trẻ em.

Đặc biệt, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 31/12/2021 về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các văn bản của Ủy ban Quốc gia về trẻ em chỉ đạo kịp thời các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: ĐT 
 

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam để bảo vệ trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có những tác động rất lớn trên toàn cầu. Bà hi vọng sẽ có sự tăng cường đầu tư các dịch vụ thiết yếu cho trẻ em, từ đó mang lại những thay đổi tích cực cho trẻ em trong thời gian tới.

Trong các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, bà Rana Flowers nhấn mạnh tới hệ thống trợ giúp xã hội, công tác giáo dục, y tế cũng như lực lượng tham gia công tác xã hội...

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, theo thống kê, đến nay cả nước có gần 4.500 trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19. Hàng nghìn trẻ em bị cách ly y tế, bị gián đoạn học tập. Ước tính có hơn 7 triệu trẻ em phải học trực tuyến tại 26 tỉnh thành phố, trong đó có 1,5 triệu cần hỗ trợ trực tuyến. Dịch bệnh cũng đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý, kỹ năng giao tiếp với thế giới xung quanh dẫn đến những vụ tự tử đau lòng. Nhiều trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, một số vụ việc bạo lực trẻ em dẫn đến tử vong gây bức xúc dư luận. Các vụ đuối nước trẻ em liên tục xảy ra thời gian gần đây cũng cho thấy sự thiếu quan tâm đến công tác tuyên truyền, giám sát trẻ em… Việc thiếu sân chơi cho trẻ em trong dịp hè cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tích và đuối nước. Trong điều kiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19, trẻ em bị hạn chế vui chơi, giải trí, gia tăng thời gian sử dụng internet và mạng xã hội, dễ bị bắt nạt, lợi dụng, xâm hại thông qua môi trường mạng xã hội.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; triển khai hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình của Quốc hội và Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 với các nội dung liên quan đến trẻ em, đặc biệt là triển khai thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các cơ quan liên quan đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và công tác phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quyền trẻ em; tăng cường nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã thông qua mô hình "Mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em".../. 

 

 
Đỗ Thoa