Chăm lo cho người lao động là đầu tư cho đất nước phát triển 

(ĐCSVN) - Ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại Hội thảo khoa học "Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh" đều thống nhất phải tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động.

Chiều 26/4, tại Hà Nội, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học “Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh”. 

72% công nhân lao động không muốn con theo nghề

Theo Tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, tiền lương của người lao động có mối quan hệ chặt chẽ, hai chiều và biện chứng với sự ổn định của thị trường lao động, với sự phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Trong đó tiền lương với người lao động phải là yếu tố đi trước, nhưng thực tiễn thì công nhân đang đối mặt với cuộc sống bấp bênh do lương quá thấp.

 Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho ý kiến tại Hội thảo khoa học "Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh"  

Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2020 cho thấy, có tới 66% công nhân lao động hiện đang phải thuê nhà trọ để ở, trong đó, gần 4% phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt; 23% công nhân lao động đang phải dùng nguồn nước giếng đất, giếng khoan. 

Trong khi đó, theo kết quả điều tra năm 2021, 5% người được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá (chỉ khoảng 1- 2 lần/tuần) và 34% cho biết thỉnh thoảng (3 lần thịt cá/tuần)...

Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022 nêu rõ: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn khi họ không làm thêm giờ.

Một nghịch lý là dù công nhân lao động đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao. Công nhân lao động ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60 – 70 giờ/tháng, như dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất gỗ... Vì những lý do đó mà có tới 72% không muốn con mình sau này theo nghề của mình.

Chăm lo cho người lao động chính là đầu tư cho đất nước phát triển

Theo Tiến sĩ Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm khiến thu nhập, đời sống của công nhân, lao động bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn giãn cách, nhất là công nhân, lao động khu vực phi chính thức, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác. 

Thu nhập bình quân của công nhân, lao động quý III/2021 thấp hơn đáng kể so với quý II/2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi quý II/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Người lao động đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất, vì vậy, việc tăng lương là rất cần thiết. 

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu kết luận tại Hội thảo

Minh họa cho đời sống của công nhân lao động, TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn dẫn chứng: nhìn những đoàn xe máy công nhân rồng rắn về quê, thậm chí đi bộ về quê không quay lại chỗ làm hoặc đến một khu công nghiệp khác để mưu sinh trong lúc đại dịch COVID-19 là thấy tài sản của họ có gì!

Theo Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, việc trả mức lương đủ sống cho công nhân lao động là vấn đề "sống còn" đối với doanh nghiệp. Các hiệp hội doanh nghiệp cần đoàn kết, thỏa thuận với các nhãn hàng uy tín, đưa ra những cơ chế đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhằm đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, bền vững. 

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Hội thảo được tổ chức vào thời điểm Hội đồng tiền lương quốc gia vừa đưa ra quyết định tăng lương tối thiểu vùng. Theo đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa "chốt" tăng mức lương tối thiểu vùng 6% sau gần 2 năm "lỗi hẹn" với người lao động. Đây là quyết định có ý nghĩa chính trị to lớn trong việc chăm lo, bảo vệ người lao động trong bối cảnh thị trường lao động đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu, việc chăm lo cho người lao động chính là đầu tư cho đất nước phát triển bền vững. Chăm lo đời sống cho người lao động không chỉ ở thế hệ này mà còn là thế hệ sau, bởi nếu trẻ em thiếu dinh dưỡng, không được học hành đến nơi đến chốn thì đất nước sẽ phải gánh chịu hậu quả, làm cho khoảng cách giàu nghèo trong nước càng xa. 

"Dù tăng lương là tăng chi phí cho doanh nghiệp nhưng tăng lương cũng chính là khoản đầu tư sinh lời mạnh bởi người lao động có thêm hứng thú và động lực để làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, bền vững hơn", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

 
Minh Châu
190 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 611
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 611
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87023728