Công đoàn Quảng Trị hiện có 28.216 nữ CNVCLĐ, chiếm tỉ lệ gần 50% trên tổng số CNVCLĐ toàn tỉnh. Trong đó, lao động nữ tham gia ở hầu hết các ngành, chiếm số đông trong ngành y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ du lịch… Những năm qua, dù ở ngành, nghề, lĩnh vực công tác nào, từ cán bộ lãnh đạo, quản lý đến lao động trực tiếp, nữ CNVCLĐ luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Diễn đàn nâng cao chất lượng hoạt động nữ công
Để phát huy được vị trí, vai trò của nữ CNVCLĐ, nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn tỉnh vừa qua, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn các cấp thực hiện tốt công tác nữ công. Trên cơ sở đó, nữ công công đoàn các cấp đã căn cứ tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham mưu cho ban chấp hành công đoàn cùng cấp cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả. Bằng những hoạt động thiết thực, công đoàn các cấp trong tỉnh nửa nhiệm kỳ qua đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ, động viên, tạo môi trường, điều kiện để nữ CNVCLĐ yên tâm lao động, tích cực học tập, nâng cao trình độ và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của mình.
Chương trình “Sức khỏe của bạn” khám, cấp phát thuốc miễn phí cho lao động nữ
Nổi bật, công đoàn chú trọng phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, LĐLĐ tỉnh phối hợp kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật từ 80 đến 100 doanh nghiệp. Qua kiểm tra cho thấy một số doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách dành cho lao động nữ, vi phạm các quy định như giải quyết chế độ thai sản, chế độ thôi việc, nợ BHXH… Sau kiểm tra, đã kịp thời đề nghị các cấp có thẩm quyền, người sử dụng lao động có biện pháp khắc phục, giải quyết thỏa đáng đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ. Nhờ vậy, tiền lương, thu nhập, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, điều kiện làm việc, chế độ thai sản … của lao động nữ được đảm bảo hơn.
Song song với kiểm tra, giám sát, các cấp công đoàn tích cực vận động 84 doanh nghiệp (có tổ chức Công đoàn) nâng mức ăn ca của lao động nữ tại các doanh nghiệp lên trên 15.000 đồng/bữa/tháng. Thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ so với quy định của pháp luật. Một số doanh nghiệp nâng chế độ ăn ca của lao động nữ lên 20.000 đồng/bữa/tháng, cho lao động nữ nghỉ có hưởng lương vào ngày 8/3, 20/10 hay trợ cấp thêm cho lao động nữ nuôi con nhỏ.... Đồng thời, đề xuất người sử dụng lao động quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nữ CNVCLĐ; chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc như nhà vệ sinh, nhà trẻ, các thiết chế văn hóa cho lao động nữ, nhất là lao động nữ trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp có đông lao động nữ.
Phong trào “Nuôi heo đất – Trao yêu thương”
Công đoàn các cấp luôn gần gũi, quan tâm nắm bắt hoàn cảnh gia đình, đời sống, tâm tư, nguyện vọng, tư tưởng của nữ CNVCLĐ. Kịp thời động viên và tổ chức các hoạt động chăm lo cho lợi ích thiết thân của nữ đoàn viên, CNVCLĐ. Thông qua mô hình “Sức khỏe của bạn”, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức khám sức khỏe sinh sản miễn phí cho gần 1.000 lao động nữ. Những mô hình, phong trào tiêu biểu tại cơ sở như “Quỹ tiết kiệm xoay vòng”, phong trào “Nuôi heo đất – trao yêu thương”, “Áo dài yêu thương”….được hình thành xuất phát từ chính sự sâu sát, thấu hiểu về nhu cầu của nữ đoàn viên, CNVCLĐ. Với 3.462 nữ CNVCLĐ tham gia 151 tổ “Quỹ tiết kiệm xoay vòng” do CĐCS thành lập, 1.500 chị em đã được vay vốn để phát triển kinh tế hoặc giải quyết khó khăn trước mắt. Với phong trào “Nuôi heo đất – trao yêu thương”, bằng số tiền nhỏ dành dụm tiết kiệm hàng tháng, chị em tạo được một nguồn quỹ để tặng quà, hỗ trợ cho nữ lao động ngay tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoặc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác. Trong đợt bão, lụt năm 2020, từ nguồn quỹ phong trào “Nuôi heo đất – Trao yêu thương” các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để giúp đỡ đồng bào vùng lũ. Từ năm 2018 đến nay, 75 “Mái ấm công đoàn” (trị giá 3,9 tỷ đồng) kiên cố che nắng mưa đã thay thế cho những căn nhà tạm bợ, dột nát của nữ đoàn viên, lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. 11.196 nữ CNVCLĐ bị bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh éo le, chật vật khó khăn về kinh tế hay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid và thiên tai bão lũ được công đoàn thăm hỏi, động viên, giúp đỡ với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều nữ CNVCLĐ được cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập. Không chỉ chăm lo lợi ích vật chất, vào các dịp 8/3, 20/10, nữ công công đoàn các cấp còn tổ chức nhiều hoạt động góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho lao động nữ, như: Sinh hoạt chuyên đề, hội thi, tuần lễ áo dài, giao lưu văn nghệ - thể thao, tham quan du lịch…
Bên cạnh đó, công đoàn các cấp đã quan tâm tuyên truyền chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của CNVCLĐ nói chung, nữ CNVCLĐ nói riêng như Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình…. với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Từ năm 2018 đến nay, ở cấp tỉnh và cấp huyện, ngành tổ chức được 170 lớp tuyên truyền cho khoảng 18.000 lượt CNVCLĐ, trong đó có gần 11.000 lượt CNVCLĐ nữ; cấp cơ sở tổ chức được 2.023 buổi tuyên truyền cho người lao động; đăng tải, chia sẻ 6.460 tin, bài tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của Công đoàn Quảng Trị, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, giúp lao động nữ biết tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Cùng với việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ, công đoàn các cấp đã vận động nữ CNVCLĐ tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Qua các phong trào thi đua đã động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, phát huy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo của lao động nữ, góp phần vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Dịp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 6b của TLĐ về công tác vận động nữ CNVCLĐ và phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” (giai đoạn 2010-2020), LĐLĐ tỉnh đã tổ chức Hội nghị biểu dương 51 điển hình tiên tiến trong công tác vận động nữ CNVCLĐ và phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Tình trạng vi phạm chế độ chính sách cho lao động nữ ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn đang còn xảy ra; một số ban nữ công hoạt động chưa hiệu quả, chưa chủ động tham mưu cho ban chấp hành công đoàn cùng cấp tổ chức các hoạt động trong nữ CNVCLĐ, cán bộ nữ công kiêm nhiệm nên thời gian dành cho hoạt động còn ít…
Nửa nhiệm kỳ còn lại, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn tỉnh Quảng Trị, làm tốt hơn nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ, tiếp tục xây dựng đội ngũ nữ CNVCLĐ tỉnh Quảng Trị lớn mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, công đoàn các cấp cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động nữ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Chú trọng củng cố, kiện toàn ban nữ công quần chúng; chủ động bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ nữ công ở cơ sở.
Đa dạng hóa các hình thức hoạt động nữ công phù hợp với nhu cầu của lao động nữ, thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia; chú trọng tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nữ CNVCLĐ, nhất là lao động nữ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Khuyến khích, nhân rộng các mô hình mới, hiệu quả trong hoạt động nữ công tại cơ sở.
Chú trọng thương lượng, bổ sung những điều khoản có lợi hơn cho lao động nữ so với quy định của pháp luật vào thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp, như vận động các doanh nghiệp đông lao động nữ hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ cho con công nhân, giảm thời gian làm việc cho lao động mang thai làm việc trong điều kiện bình thường từ tháng thứ 7, lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại doanh nghiệp và các chế độ phúc lợi khác...
Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ; tập trung vào chế độ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản, chế độ thai sản, nuôi con nhỏ, hỗ trợ chi phí gửi trẻ…
Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, vận động nguồn lực giúp đỡ cho đối tượng là nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm...
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp, Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn tỉnh Quảng Trị về công tác nữ công; đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ, nhất là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước; đổi mới, ứng dụng mạng xã hội trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động nữ
Phối hợp chặt chẽ với ban vì sự tiến bộ phụ nữ và hội phụ nữ cùng cấp trong tổ chức các hoạt động trong nữ CNVCLĐ. Kịp thời kiến nghị các cấp ủy đảng, chuyên môn đồng cấp quan tâm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ, nhất là giới thiệu nữ cán bộ công đoàn tham gia BCH Hội phụ nữ các cấp nhân dịp Đại hội Hội Liên hiệp Phụ nữ và bầu cử hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026./. Thu Hà – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh