CBAM và doanh nghiệp Việt Nam: Thích ứng nền kinh tế xanh 

(ĐCSVN) – Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu thảo luận, phân tích các tác động cụ thể của CBAM đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu. Đây cũng là dịp tìm hiểu sâu hơn về các biện pháp và giải pháp mà các doanh nghiệp cần áp dụng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ CBAM, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh – một xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

 

 PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: T.H)

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Châu Âu và Quỹ Friedrich Naumann Stifung Fur Die Freiheit (FNF) CHLB Đức tại Việt Nam, ngày 24/10, Viện Nghiên cứu Châu Âu tổ chức Hội thảo với chủ đề: "CBAM và doanh nghiệp Việt Nam: Thích ứng nền kinh tế xanh". Tham dự Hội thảo có các đại biểu của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Ngoại giao, Hiệp hội thép Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Trung tâm Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Châu Âu, đại diện Quỹ FNF, CHLB Đức tại Việt Nam…

Hội thảo chia làm hai phiên chính, phiên thứ nhất: CBAM và Doanh Nghiệp Việt Nam: Thích ứng với nền kinh tế xanh, với bốn tham luận về “Giới thiệu và tổng quan về Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM)”; “Xu hướng mở rộng của CBAM và các chính sách tương tự CBAM”; “CBAM của Liên minh châu Âu (EU): Những lưu ý với doanh nghiệp”; “Chiến lược thích ứng của doanh nghiệp đối với CBAM”. Phiên thứ hai thảo luận về chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam nhằm ứng phó với CBAM.

Phát biểu mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà các thách thức toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, đang trở thành mối đe dọa trực tiếp tới sự phát triển bền vững của mọi quốc gia. Trong bối cảnh này, các chính sách và cơ chế kinh tế - môi trường như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon - CBAM của EU không chỉ là biện pháp bảo vệ môi trường mà còn có vai trò thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững.

Cơ chế CBAM của EU, với mục tiêu hạn chế lượng khí thải carbon từ các sản phẩm nhập khẩu, đã và đang tạo ra những tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp xuất khẩu trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, đây không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện quy trình sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường. Nhưng để làm được điều đó, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt chiến lược, công nghệ và chính sách.

Thích ứng với nền kinh tế xanh đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ từ phía doanh nghiệp mà còn từ sự hợp tác và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế và cộng đồng khoa học. Thách thức mà chúng ta phải đối mặt là rất lớn, nhưng tôi tin rằng, thông qua sự hợp lực, sự gắn kết và những sáng kiến đổi mới, chúng ta có thể cùng nhau vượt qua và tạo nên những bước đột phá quan trọng.

PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng tin tưởng, Hội thảo này là diễn đàn để các nhà nghiên cứu cùng nhau thảo luận, phân tích các tác động cụ thể của CBAM đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu. Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng ta tìm hiểu sâu hơn về các biện pháp và giải pháp mà các doanh nghiệp cần áp dụng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ CBAM, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh – một xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Tại phiên thảo luận, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, thép Việt Nam với định vị là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai trong ASEAN, năm 2023 đã xuất sang châu Âu khoảng 3,1 triệu tấn với trị giá 2,4 tỷ USD. Cơ chế CBAM hiện nay đang và sẽ tác động mạnh đến ngành thép Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, đặc biệt là tăng chi phí và thêm gánh nặng tài chính liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kiểm kê phát thải khí nhà kính.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Cảnh Cường - nguyên Tham tán công sứ tại Bỉ, EU và Anh cho rằng CBAM tạo ra những thách thức nhưng cũng mở ra những cơ hội mới cho Việt Nam. Việt Nam cần một chiến lược toàn diện, từ việc chuyển đổi năng lượng, hỗ trợ doanh nghiệp cho đến tham gia đàm phán quốc tế. Bằng cách làm chủ công nghệ và cải thiện quy trình sản xuất, Việt Nam có thể biến CBAM từ thách thức thành cơ hội để phát triển bền vững hơn.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: T.H)

CBAM là công cụ của EU nhằm đặt ra mục tiêu giá công bằng cho lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất các hàng hóa có cường độ carbon cao khi các hàng hóa này được nhập vào EU, đồng thời khuyến khích sản xuất công nghiệp sạch tại các quốc gia ngoài EU. Hiện nay, một số nước gồm: Anh, Mỹ, Nhật Bản… đang dự thảo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon đã trong giai đoạn dự thảo với cơ chế hoạt động tương tự như CBAM của EU. Trong khi đó, Australia cũng đang xây dựng dự thảo như một phần của cơ chế SAFEGUARD và có thể với tên gọi ABAM (Australia Border Adjustment Mechanism) trong đó gồm có phát thải carbon và các vấn đề thương mại – môi trường khác./.

 
T.Lan
21 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 830
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 830
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87004801