Anh Thạo Vin, thôn Bản Húc mang chuối đến bán chuối tại chợ Tân Long. Ảnh: Trúc Hà
Chưa tới 7 giờ sáng, chợ chuối Tân Long (xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã tấp nập bởi những xe chuối từ các xã Ba Tầng, Thuận, Thanh và cả từ những thôn, bản của cụm bản Ka Túc đổ về. Những chiếc xe máy được gia cố để có thể chở cả chục buồng chuối xếp dọc theo đường lớn chờ thương lái đến thu mua. Anh Thạo Vin (thôn Bản Húc) mang đến chợ 5 buồng chuối được chặt từ sáng sớm. Buổi chợ hôm nay, anh cho con trai Thạo Khoan, 7 tuổi đi cùng để mua sắm một số quần áo.
Nhà anh Thạo Vin chỉ có 100 gốc chuối, đã cho thu hoạch mấy năm nay. Dù không có nhiều, nhưng hàng tháng nhà anh đều có thu nhập từ chuối. Anh và vợ thường xuyên cắt lá, cắt cỏ và bón phân cho chuối để có được những buồng chuối to nhất. Vào dịp Tết âm lịch của người Việt, những buồng chuối to, quả đều, anh có thể bán được 3-4 triệu đồng. Bởi vậy, chỉ 3-4 buồng như thế, gia đình anh với 4 đứa con đã có thể đủ tiền cho một cái Tết Bun Pi May của Lào vào tháng 4.
Ông Sa May, Trưởng thôn Bản Húc là một người khá trẻ và nói tiếng Việt rất tốt vì: “Anh em ở Việt Nam nhiều và công việc buôn bán chuối sang Việt Nam nên tiếng Việt phải giỏi”. Đất ở Bản Húc màu mỡ, nhưng trước đây, người dân cũng chỉ trồng lúa một vụ, nuôi thêm con gà, con lợn và mọi thứ làm ra cũng chỉ đủ ăn. Khoảng chục năm trước, người dân Bản Húc đã thấy người Việt trồng chuối dọc theo bờ sông Sepon hoặc trên nương. Nhìn người Việt trồng chuối cây nào cây nấy cũng cho buồng sai, quả to không giống như chuối trên nương của người Lào.
Đặc biệt là chuối trồng ra được thu mua, bỏ lên những chiếc ô tô tải để chở đi bán ở nơi khác. Thế nên, một số người ở Bản Húc đã sang Việt Nam tìm đến nhà họ hàng học tập kỹ thuật trồng chuối, rồi mua cây giống và bắt đầu trồng. Từ ngày cây chuối trở thành hàng hóa, người Bản Húc tận dụng mọi khoảng đất trên nương, ngoài vườn, bờ sông để trồng. Vậy nên, dọc bờ sông Sepon, xanh ngắt màu của chuối, ngô và cây ăn trái, mang đến một khung cảnh thật thanh bình. Chuối trở thành hàng hóa, có thêm thu nhập đáng kể, đời sống của người dân Bản Húc trở nên thuận lợi hơn.
Trưởng thôn Sa May cũng khẳng định, đã 10 năm kể từ ngày kết nghĩa với thôn Long Thành (xã Tân Long, huyện Hướng Hóa), Bản Húc có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Ngoài những hữu ích về đảm bảo được an ninh trật tự thì nhiều gia đình đã tự liên hệ, liên kết để phát triển kinh tế, điển hình là cây chuối. Sau này, có một số người Việt sang Bản Húc mượn, thuê đất trồng chuối. Chuối nhiều làm không hết, họ phải thuê người trong Bản Húc chặt lá, cắt cỏ, rồi chặt chuối, chở sang Việt Nam. Có được kinh nghiệm trồng, có chút vốn, người Lào bắt đầu tự trồng chuối trên đất của mình.
Bên cạnh đó, thôn Long Thành gần quốc lộ, có chợ lớn nên các gia đình chủ yếu phát triển kinh tế bằng các ngành nghề dịch vụ. Bởi vậy, Trưởng thôn Sa May cũng mong rằng, ở Long Thành có ai đứng ra thu mua chuối trực tiếp với bà con Bản Húc thì tốt quá. Bởi nhiều lúc, tư thương ép giá mua chuối của bà con, chẳng lẽ đã chặt rồi, mang ra chợ rồi lại mang về?
Điều đáng mừng là ở Bản Húc đã có nhiều người bắt đầu “tính chuyện làm ăn” từ cây chuối, như ông Hồ Diêng, Hồ A đã tìm đến Bản Cheng (cụm Ka Túc) cách Bản Húc tầm 7-8km để mua hoặc thuê đất để mở rộng diện tích trồng chuối. Dù giá cả có lúc lên lúc xuống, nhưng nếu chăm sóc đúng kĩ thuật, cho những buồng chuối sai nải và quả đều thì luôn bán được giá cao. Vậy nên, không chỉ ông Hồ Diêng, Hồ A mà rất nhiều người tin vào việc cây chuối sẽ giúp người Bản Húc có cuộc sống tốt hơn.
Trúc Hà