Là người sinh ra và lớn lên phía bên kia dòng sông Đakrông, ông Hồ Phúc (60 tuổi, thôn Chân Rò, xã Đakrông, huyện Đakrông, Quảng Trị) cho biết, từ hồi xưa đến nay các cháu học sinh đi học, người dân phải đi đò qua sông vất vả và rất nguy hiểm, đặc biệt là khi nước sông Đakrông dâng cao...
“Bây giờ có cầu rồi dân làng vui mừng phấn khởi lắm. Cho vàng bạc không mừng bằng cầu”, ông Phúc nói.
Hàng chục năm trước, nhiều hộ dân đồng bào dân tộc Vân Kiều – Pa Cô ở xã Đakrông đã vượt sông Đakrông sang vùng đồi núi phía bên kia sông Đakrông canh tác, sống rải rác. Việc xây những cây cầu giúp người dân thoát cảnh qua sông tròng trành trên những chiếc đò nhỏ mỗi khi nước thượng nguồn sông Đakrông cuồn cuộn đổ về… là “bài toán khó” đối với xã nghèo.
“Cây cầu quý hơn vàng bạc” này là cầu BTCT rộng 3m, dài 106m với 10 nhịp và đường dẫn 2 đầu cầu dài khoảng 300m, được khởi công từ đầu năm 2018, nhưng do mưa lũ nên phải đến tháng 3 mới chính thức được triển khai.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Trị cho biết, công trình cầu Chân Rò được đầu tư với kinh phí khoảng 2,6 tỷ đồng, do Công ty CP Châu Ngọc Phương thi công. Trong đó, các “mạnh thường quân” và nhà tài trợ hỗ trợ thông qua Đài Tiếng Nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh 2,3 tỷ đồng, 300 triệu đồng từ nguồn ATGT và nguồn vốn khác của tỉnh Quảng Trị.
Công trình cầu Chân Rò dự kiến được đưa vào sử dụng vào ngày 15/9 tới đây sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của khoảng 1.427 người dân, học sinh thuộc 267 hộ dân thôn Chân Rò, Khe Ngài và Ba Ngào của xã Đakrông. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo cho một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn như xã Đakrông của huyện nghèo miền núi Đakrông.
Duy Lợi